Sắp có Luật Kiểm toán độc lập
Hồng Phúc
(TBKTSG Online) - Bộ Tài chính vừa hoàn thành dự thảo Luật Kiểm toán độc lập để trình Chính phủ. Dự án Luật sẽ được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 6 tới và đưa ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 8 - dự kiến diễn ra vào tháng 10. Theo Chương trình làm luật của Quốc hội, luật này sẽ được thông qua vào năm 2011, có hiệu lực từ ngày 1-1-2012.
Sau gần 20 năm hoạt động, kiểm toán độc lập vẫn được điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật. Luật Kiểm toán độc lập sẽ là khung pháp lý cao nhất đối với loại hình kiểm toán này.
Hoạt động kiểm toán độc lập của Việt Nam chính thức được hình thành tháng 5-1991 với 2 công ty VACO (Công ty Kiểm toán Việt nam) và AASC (Công ty Dịch vụ kế toán và kiểm toán) trực thuộc Bộ Tài chính. Hiện cả nước có gần 165 công ty dịch vụ kế toán và kiểm toán với 1.600 kiểm toán viên đã được cấp chứng chỉ.
Dự án luật chia thành 8 chương với 85 điều, bao gồm các nội dung về báo cáo kiểm toán, quy định hành nghề kiểm toán, kiểm toán viên, đối tượng kiểm toán, quy trình kiểm toán, quy định riêng về kiểm toán báo cáo tài chính đơn vị có lợi ích công chúng, thanh tra, xử lý vi phạm…
Ngoài những quy định hiện hành, dự thảo luật có quy định mới về thành viên tham gia đoàn kiểm toán với nhóm đối tượng này khá rộng. Dự án nhóm A, doanh nghiệp kiểm toán là hai đối tượng mới của kiểm toán bắt buộc. Kiểm toán viên, theo dự thảo luật, phải đăng ký hành nghề trong doanh nghiệp, không được hành nghề cá nhân. Loại hình doanh nghiệp kiểm toán được phép hoạt động là công ty TNHH hai thành viên, hợp danh và tư nhân. Các hồ sơ kiểm toán theo dự thào luật phải lưu trữ với thời hạn tối thiểu 10 năm.
Dự thảo luật còn có quy định mới về kiểm toán báo cáo tài chính đơn vị có lợi ích công chúng, trách nhiệm và nghĩa vụ cung cấp thông tin của đơn vị này. Mỗi doanh nghiệp phải có 5 kiểm toán viên hành nghề liên tục từ 36 tháng trở lên theo thông lệ quốc tế…
Theo phó giáo sư, tiến sỉ Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam, về bản chất, kiểm toán độc lập là một loại hình dịch vụ có điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo lập môi trường đầu tư bình đẳng, lành mạnh. Kết quả và kết luận của kiểm toán là đánh giá và xác nhận quan trọng về độ tin cậy, về uy tín và về thực trạng tiềm lực, thực trạng tài chính để chính doanh nghiệp và các đối tác quyết định đầu tư hoặc quyết định các quan hệ kinh tế. Ý kiến của kiểm toán là căn cứ cho các quyết định kinh tế và ảnh hưởng lòng tin vào các đối tác trong kinh doanh. Vì vậy, cần chế tài sao cho các dịch vụ kiểm toán được thực hiện đầy đủ, với tính khách quan và trách nhiệm cao nhất của cả người thực hiện kiểm toán, cả người được kiểm toán.
Ông cho rằng, dự thảo luật cũng như những người sửa luật cần đưa ra những quy định chi tiết về nghĩa vụ của các nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm toán, những hành vi bị nghiêm cấm và chế tài kiểm soát các hành vi của người thực hiện dịch vụ kiểm toán. Cần làm rõ trách nhiệm và quan hệ của các cá nhân hành nghề kiểm toán với tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm toán.
Ông cũng cho rằng, hoạt động kiểm toán với tư cách là một hoạt động chuyên môn, chuyên ngành của dịch vụ tài chính phải chịu sự quản lý và hướng dẫn của cơ quan nhà nước quản lý ngành, lĩnh vực theo sự phân công của chính phủ. Tuy nhiên, cần quy định rõ nội dung quản lý và trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập.
“Nhà nước chỉ nên quản lý hoạt động này bằng luật pháp. Không cần và không nhất thiết phải có sự quản lý và tham gia quá sâu của các cơ quan nhà nước. Các hoạt động mang tính xã hội và nghề nghiệp của hoạt động kiểm toán độc lập nếu giao cho tổ chức nghề nghiệp quản lý và thực hiện sẽ phù hợp, thuận lợi và hiệu quả hơn, như tổ chức cập nhật kiến thức, tổ chức thi và cấp, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên, quản lý hành nghề, quản lý đạo đức hành nghề của kiểm toán viên, giải quyết và xử lý các quan hệ nghiệp vụ, quan hệ tranh chấp về quyền lợi giữa các kiểm toán viên, giữa các tổ chức kiểm toán và giữa tổ chức kiểm toán với kiểm toán viên…”, ông Thanh nói.