(KTSG Online) - Do ảnh hưởng của bão số 5, địa bàn thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) xảy ra tình trạng tôm hùm chết hàng loạt khi đang đến kỳ thu hoạch. Năm nay, ao, hồ nuôi tôm các tỉnh miền Trung gặp bất lợi về thời tiết khiến hộ nuôi tôm thiệt hại hàng tỉ đồng.
- Con giống và môi trường nuôi kém khiến tôm xuất khẩu khó cạnh tranh
- Ngành tôm khó cạnh tranh vì con giống và môi trường nuôi kém
Do ảnh hưởng của bão số 5, địa bàn thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) xảy ra tình trạng tôm hùm chết hàng loạt khi đang đến kỳ thu hoạch. Năm nay, ao, hồ nuôi tôm các tỉnh miền trung gặp bất lợi về thời tiết khiến hộ nuôi tôm thiệt hại hàng tỉ đồng.
Mưa lớn liên tục làm thay đổi môi trường nước ngọt nuôi tôm. Báo Nhandan.vn dẫn thông tin từ đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị xã Sông Cầu, cho biết tình trạng tôm hùm chết tập trung tại phường Xuân Thành. Thống kê thiệt hại, khoảng 2 tấn/21 hộ nuôi tôm ảnh hưởng. Tổng thiệt hại lên đến 2 tỉ đồng.
Thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) hiện có 82.696 ô lồng với 2.018 bè nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu là nuôi tôm hùm. Đây là vùng nuôi tôm hùm chiếm 60% số lồng nuôi ở tỉnh Phú Yên với sản lượng hơn 1.000 tấn/năm.
Trước đó, cơn bão số 2 làm xáo trộn tầng đáy, cộng thêm trầm tích hữu cơ tích tụ do chất thải nuôi trồng làm tôm hùm tỉnh Phú Yên chết đột ngột. TTXVN thông tin, theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, người nuôi tôm, cá thiệt hại gần 2,5 tỉ đồng. Báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, phường Xuân Yên thiệt hại nhiều nhất với số lượng ước tính 29.240 con tôm hùm các loại/200 lồng.
Mưa lớn ở tỉnh Khánh Hòa đầu tháng 8 vừa qua làm thủy sản nuôi có hiện tượng nổi đầu do thiếu ôxy cục bộ. Theo baokhanhhoa.vn đưa tin, phường Vĩnh Nguyên có 119 lồng nuôi cá biển, tôm hùm bị thiệt hại từ 5 đến 10% với hơn 1.000 con tôm hùm chết.
Không riêng tôm hùm, năm nay, thời tiết bất lợi khiến nhiều hộ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng các tỉnh thất thoát. Vov.vn thông tin, tính từ đầu vụ đến hết tuần đầu tháng 8, nhiều hồ nuôi tôm của các hộ dân ở các huyện Tư Nghĩa, Đức Phổ và TP Quảng Ngãi cũng xảy ra tình trạng tôm chết hàng loạt.
Tôm nuôi bị thiệt hại chủ yếu do thời tiết thay đổi gây ra các bệnh như bệnh phân trắng, đốm trắng, đỏ thân và hoại tử gan tụy, trong giai đoạn 20 - 40 ngày tuổi. Hầu hết tôm chết khoảng 60% trong tổng số tôm thả ao nuôi. Ước tính, các hộ nuôi tôm thiệt hại hàng chục tỉ đồng.
Một số địa phương tỉnh Quảng Nam, Nghệ An, các hộ nuôi tôm cũng lao đao vì tôm trong tình trạng tương tự. Tôm thẻ chân trắng được thả nuôi nhiều nhất ở vùng triều ven sông Trường Giang (Tam Kỳ, Quảng Nam). Trong vụ đầu của năm 2022, gần 50 héc-ta tôm thẻ chân trắng huyện Tam Kỳ chết đột ngột. Trong đó, xã Tam Thăng thiệt hại với tổng diện tích nuôi tôm lên đến 42 héc-ta.
Theo Baonghean.vn, phường Quỳnh Xuân (Nghệ An) là địa phương có diện tích tôm nuôi nhiều nhất thị xã Hoàng Mai với 47 hộ nuôi trên diện tích gần 100 héc-ta. Thu nhập từ tôm nuôi khoảng 30-40 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh trên tôm nuôi gia tăng. Trong đó, tôm bệnh đốm trắng 34,98 héc-ta, tôm bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính 28,87 héc-ta, tôm chết do môi trường 1,72 héc-ta.
Để giảm thiểu thiệt hại, người nuôi tôm, nhất là tôm hùm được khuyến nên ghim lồng tại tầng giữa hoặc cách đáy khoảng 1,5-2m để tránh thiếu oxy cục bộ cho tôm nuôi. Trường hợp cần thiết, người nuôi có thể sục khí tạm thời (viên tạo bọt).
Tổng hợp