Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sau kỳ nghỉ Tết, giá gạo ĐBSCL ‘mất’ 1.000 đồng mỗi kg

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục sụt giảm rất mạnh như xu hướng đã diễn ra ở thời điểm trước đó, thậm chí mất đến 1.000 đồng/kg chỉ trong vài ngày qua.

Sau kỳ nghỉ Tết, giá gạo mất 1.000 đồng/kg. Ảnh: Trung Chánh

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV, cho biết so với thời điểm từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hiện giá gạo khu vực ĐBSCL đã sụt giảm đến 1.000 đồng/kg. “Còn nếu so với trước Tết, hiện giá gạo đã giảm đến 2.000 đồng/kg”, ông nói.

Cụ thể, theo ông Thành, gạo lứt của giống IR 50404 có giá chỉ còn 11.600-11.800 đồng/kg; giống OM 18, OM 5451 và Đài Thơm 8 dao động từ 11.700-12.400 đồng/kg (tuỳ loại).

Trong khi đó, gạo trắng (gạo thành phẩm) thị trường đang chào cho khách hàng bán xuất khẩu đối với giống OM 18 và Đài Thơm 8 có giá từ 14.100-14.500 đồng/kg, cung ứng tại kho; IR 50404 và OM 380 có giá 13.900-14.200 đồng/kg.

Còn đối với giá lúa, theo ông Thành, lúa tươi mua ngoài đồng hiện nay giao dịch mới có giá khoảng 8.000-8.400 đồng/kg (tuỳ loại), trong khi trước Tết có giá dao động trong khoảng 9.800-10.000 đồng/kg.

Theo ghi nhận của KTSG Online, đến chiều ngày 20-2, giá gạo nguyên liệu khu vực ĐBSCL tiếp tục sụt giảm. Chẳng hạn, gạo lứt IR 50404 chỉ còn 11.000-11.100 đồng/kg; OM 5451 là 11.150-11.250 đồng/kg và OM 18 là 11.500-11.600 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân giá lúa gạo khu vực ĐBSCL sụt giảm mạnh, theo ông Thành, gạo Việt Nam trước đó duy trì ở mức giá cao hơn Thái Lan và Pakistan, trong khi “tư tưởng” khách đầu năm biết khu vực ĐBSCL bước vào kỳ thu hoạch lúa đông xuân nên muốn “đè” giá xuống để mua được giá tốt nhất. “Đây là yếu tố hầu như năm nào cũng vậy, chứ không phải riêng năm nay”, ông nói.

Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt, theo ông Thành, đó là vụ đông xuân 2023-2024 nông dân tập trung xuống giống nhanh và đồng loạt, cho nên, áp lực thu hoạch hiện nay cũng rất lớn. Trong khi đó, lượng hợp đồng mới chưa nhiều, nên doanh nghiệp cũng “trông chờ”… giá xuống.

Theo dự báo của ông Thành, giá lúa gạo nội địa trong tuần này sẽ tiếp tục sụt giảm khoảng 500 đồng/kg. “Khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tranh thủ trữ hàng để đàm phán ký hợp đồng và giúp thị trường bình ổn trở lại”, ông dự báo.

Trong khi đó, một doanh nghiệp xuất khẩu đứng tốp đầu của Việt Nam cho rằng, nguồn cung của các nước xuất khẩu nhiều nên khách hàng nhập khẩu có nhiều lựa chọn. Trong khi đó, giá lúa gạo Việt Nam thời gian qua tăng quá cao nên chuyện sụt giảm nhanh như hiện nay cũng là... bình thường. “Giá lúa 7.500 đồng/kg nông dân đã có lãi, bởi giá thành sản xuất tối đa chỉ 4.500 đồng/kg”, vị này dẫn chứng.

Còn theo một số nguồn tin am hiểu ngành lúa gạo Việt, khi giá lúa gạo sụt giảm mạnh như hiện nay đã dẫn đến tình trạng một số bạn hàng ngưng xay xát, một số nhà máy cũng ghim hàng lại để “quan sát thị trường” thay vì chào bán mới.

Khi thị trường lúa gạo sụt giảm mạnh, tình trạng 'bẻ' kèo hoặc ép nông dân giảm giá bán lúa so với mức giá thoả thuận ban đầu đã diễn ra khắp nơi trên các cánh đồng đang vào kỳ thu hoạch.

Chia sẻ với KTSG Online vào chiều 20-2, ông Trần Văn Hải, nông dân xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang xác nhận, tình trạng thương lái ép nông giảm giá bán lúa xảy ra rất phổ biến. “Sau khi chúng tôi đồng ý giảm hơn 10.000 đồng/giạ (1 giạ lúa là 20kg) thương lái mới chịu cân”, ông dẫn chứng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới