Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sầu riêng đi Trung Quốc: đường lớn đã mở nhưng chưa thể tăng tốc ngay

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sầu riêng đông lạnh chính thức xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc chắc chắn sẽ củng cố hơn năng lực cho loại trái cây “vua” này của Việt Nam. Tuy nhiên, để biến cơ hội thành hiện thực, bên cạnh phải xử lý các vấn đề nội tại của ngành, thì phải đáp ứng về hạ tầng kho lạnh…

Cửa cho sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc đã mở toang. Ảnh: Trung Chánh

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã chính thức ký nghị định thư về yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh của Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là cơ hội rất lớn vừa để tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước, vừa khai thác sâu hơn thị trường tỉ dân thời gian tới…

Cơ hội cho sầu riêng “bùng nổ” xuất khẩu

Số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng các loại của Việt Nam đạt trên 400.000 tấn, trị giá đạt 1,32 tỉ đô la Mỹ, tăng 67,4% về lượng và 44,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, xuất khẩu sầu riêng tươi 6 tháng đầu năm nay đạt 384.000 tấn, trị giá đạt 1,26 tỉ đô la Mỹ, tăng 71,7% về lượng và 44,7% về giá trị so với cùng kỳ; sầu riêng đông lạnh đạt 16.000 tấn, trị giá 59,28 triệu đô la Mỹ, tăng 4,5% về lượng và 37,6% về giá trị so với cùng kỳ.

Sáu tháng đầu năm nay, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam được bán sang các thị trường ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, khi thị trường tỉ dân này chính thức mở cửa, triển vọng gia tăng kim ngạch cho phân khúc sản phẩm đông lạnh được dự báo sẽ “bùng nổ” như đã từng diễn ra đối với sản phẩm tươi.

Trao đổi với KTSG Online, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) ví von, thêm sầu riêng đông lạnh được Trung Quốc “mở cửa”, Việt Nam giống như “người đi bằng một chân chuyển sang hai chân”, rất vững vàng.

Theo ông, đối với những sản phẩm không đạt yêu cầu xuất tươi về kích cỡ và mẫu mã, có thể tách lấy cơm (múi) đưa vào đông lạnh xuất khẩu. “Hay lúc mùa vụ rộ, tiêu thụ tươi không kịp cũng có thể đưa vào cấp đông, điều chỉnh thời gian xuất khẩu giúp gia tăng thêm giá trị, lợi nhuận cho người nông dân, doanh nghiệp, góp thêm kim ngạch cao hơn”, ông Nguyên cho biết.

Một điểm rất đặc biệt, theo vị Tổng thư ký Vinafruit, đó là với sản phẩm tươi, thời gian thu hoạch đến bán hàng kéo dài khoảng 3 tuần là chất lượng sản phẩm bị biến chuyển, trong khi đông lạnh kéo dài lên đến một năm vẫn có chất lượng tốt, giúp khai thác sâu hơn vào thị trường nội địa của Trung Quốc.

Việc cấp đông đối với cơm sầu riêng không chỉ giúp phân phối dễ dàng, mà còn khai thác tốt hơn mọi phân khúc khách hàng của Trung Quốc. “Ví dụ, người không đủ tài chính mua một lần nguyên trái, thì họ có thể mua 1 múi để ăn và không mất thời gian, công sức để khui, tức đa dạng, tiện lợi hơn và có khả năng đáp ứng được mọi tầng lớp thu nhập”, ông dẫn chứng.

Rõ ràng, với việc tăng cường thêm phân khúc sản phẩm đông lạnh (nguyên trái hoặc cơm), việc khai, đáp ứng nhu cầu khách hàng sẽ tốt hơn, cho nên, chắc chắn sẽ gia tăng hơn nữa xuất khẩu sầu riêng Việt Nam.

Chuẩn hoá vùng trồng, xây dựng nền tảng kho lạnh để tận dụng cơ hội. Ảnh: Trung Chánh

Mất một năm xây nền tảng?

Tuy nhiên, việc khai thác phân khúc sản phẩm này cần phải có thời gian để củng cố nền tảng về hạ tầng cũng như đáp ứng những yêu cầu được Trung Quốc đưa ra để “có giấy hành nghề”.

Trao đổi với KTSG Online, ông Vương Đình Quỳnh Hiếu, Giám đốc điều hành của Toàn Phát Group (đơn vị quản lý kho lạnh) cho biết, hệ thống kho lạnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng đáp ứng về số lượng. Dung lượng kho lạnh, nguồn cung kho lạnh hiện đang vượt hơn nhu cầu hiện tại của thị trường. Tuy nhiên, để có mã số kho lạnh, đơn vị này hiện vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể nhằm triển khai để được phê duyệt.

“Đối với các thị trường đặc biệt như Halal (thị trường người Hồi giáo) hay châu Âu đã có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, còn Trung Quốc chúng tôi chưa thấy có công văn cụ thể nào cả nên chưa biết làm thế nào cho nó chính xác”, ông Hiếu cho biết.

Nhìn nhận về bối cảnh sản xuất hiện nay, ông Nguyên của Vinafruit đánh giá, phải ít nhất một năm nữa việc khai thác sản phẩm sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc mới mạnh mẽ. Bởi lẽ, ngoài việc sản phẩm phải là nguyên liệu từ vùng trồng đã được cấp mã số, thì cần phải hoàn thiện, nâng cấp về hạ tầng cơ sở để xin mã số kho lạnh.

“Khi nghị định thư ký kết, ít nhất phải mất 2-3 tháng để xin mã số cơ sở nhà máy đông lạnh, tất nhiên, hiện nay mỗi năm chúng ta vẫn xuất hàng đông lạnh, nhưng là thị trường ngoài Trung Quốc”, ông Nguyên cho biết.

Theo ông, năng lực kho lạnh sẽ từ từ được các doanh nghiệp sẽ đầu tư theo yêu cầu của thị trường, bao gồm công nghệ, mở rộng mặt bằng, tăng công suất. “Ví dụ, trước đây có một nhà máy, thì bây giờ có thể mở rộng lên 2-3 nhà máy”, ông dẫn chứng và tái nhấn mạnh, quá trình này mất ít nhất một năm để sầu riêng đông lạnh “bùng nổ”.

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng khác cần tiếp tục khắc phục, đó là minh bạch câu chuyện mã số vùng trồng, bởi nguyên liệu đông lạnh cũng phải từ vùng trồng được Trung Quốc cấp mã số, trong khi vấn đề này của Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm…

"Gian lận mã số vùng trồng là câu chuyện… hết sức 'phức tạp'. Hầu hết vấn đề đều nảy sinh ở mã số vùng trồng, bên này lấy mã số bên kia khiến mọi chuyện rối rắm”, ông nói.

Ông Hiếu của Toàn Phát Group cũng cho rằng cần phải chấn chỉnh để bảo vệ ngành cây ăn trái Việt Nam nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng. Bởi câu chuyện mã số vùng trồng các thị trường đều bị, không riêng Trung Quốc.

Tại hội nghị tổng kết trồng trọt diễn ra mới đây ở tỉnh Long An, ông Nguyễn Đình Mười, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T cho biết, đơn vị này có hợp đồng liên kết xây dựng vùng trồng với nhiều địa phương, trong đó, có thể hiện rõ sản lượng, giá mua bán.

Tuy nhiên, theo ông Mười, đơn vị này đã bị một hợp tác xã “lén” đưa sản phẩm cùng loại từ bên ngoài vào, khiến lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến bị thua lỗ. “Mã số vùng trồng chúng tôi liên kết đã không đáp ứng chất lượng mà nước nhập khẩu quy định do bị gian lận”, ông nói.

Từ vấn đề nêu trên, ông kêu gọi, các địa phương, chi cục bảo vệ thực vật, hợp tác xã cùng với Vina T&T phải trung thực để bảo vệ ngành cây ăn trái. “Đó là điều chúng tôi trăn trở”, ông nói.

Dừa tươi có cơ hội đi chính ngạch vào Trung Quốc

Sáu tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam đạt 78 triệu đô la Mỹ, tăng 74,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 2,34% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả Việt Nam.

Với việc dừa tươi được Trung Quốc “mở cửa” xuất khẩu chính ngạch được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng giá trị sản phẩm này hơn nữa thời gian tới. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu sang đây, tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói phải đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới