(KTSG Online) - Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam trong 8 tháng qua ước đạt 14,15 tỉ đô la, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
- Giải ngân đầu tư công: 18%/8 tháng thành 18%/tháng, được không?
- Vì sao hàng Việt khó cạnh tranh ngay trên sân nhà?
Tổng cục Thống kê cho biết con số trên là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 11,3 tỉ đô la Mỹ, chiếm 79,7% tổng vốn, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt xấp xỉ 1,3 tỉ đô la Mỹ, chiếm 9%, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 542,3 triệu đô la Mỹ, chiếm 3,8%.
Ngoài ra, đến hết tháng 8, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam gồm vốn đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh, giá trị góp vốn và mua cổ phần đạt xấp xỉ 20,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, có 2.247 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt gần 12 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu về số vốn đăng ký mới lên tới 8,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm tới 71,1% tổng vốn. Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 2,4 tỉ đô la Mỹ, chiếm 20%, trong khi các ngành còn lại đóng góp khoảng 1 tỉ đô la Mỹ.
Bên cạnh việc các dự án đã được cấp phép trước đây tiếp tục thu hút thêm 5,7 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư, hoạt động góp vốn, mua cổ phần mới của nhà đầu tư nước ngoài lại có dấu hiệu chững lại với tổng giá trị chỉ đạt 2,8 tỉ đô la Mỹ, giảm 41% so với cùng kỳ.
Về danh mục các nhà đầu tư, Singapore tiếp tục dẫn đầu trong 8 tháng năm 2024 với tổng vốn đăng ký đạt 4,6 tỉ đô la Mỹ, chiếm 38,8% tổng vốn. Theo sau là Trung Quốc với 1,7 tỉ đô la Mỹ, Hong Kong với 1,4 tỉ đô la Mỹ, Nhật Bản với 1,2 tỉ đô la Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ với 731,3 triệu đô la Mỹ và Đài Loan với 660,3 triệu tỉ đô la Mỹ.