(KTSG Online) – Quỹ đầu tư quốc gia của Saudia Arabia (PIF), đang nắm giữ số tài sản 700 tỉ đô la Mỹ, có kế hoạch đầu tư lớn vào lĩnh vực chip bán dẫn và công nghiệp không gian trong năm 2024 khi vương quốc dầu mỏ này tăng tốc đa dạng hóa nền kinh tế khỏi nhiên liệu hóa thạch.
- Saudi Arabia chuẩn bị lập tập đoàn đầu tư thể thao trị giá hàng tỉ đô la
- Saudi Arabia khai phá tiềm năng khoáng sản trị giá ngàn tỉ đô la
Phát biểu với báo chí bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thường niên lần thứ 54 tại Davos, Thụy Sĩ hôm 16-1, Bộ trưởng Công nghệ thông tin và truyền thông Saudi Arabia, Abdullah Alswaha tiết lộ PIF đang xem xét “đầu tư đáng kể” vào ngành công nghiệp bán dẫn và không gian trong năm nay.
Theo Alswaha, người cũng là Chủ tịch Ủy ban không gian Saudi Arabia (SSC), PIF sẽ nghiên cứu việc thành lập một công ty không gian quốc gia để đầu tư và thâu tóm tài sản trong lĩnh vực này. Ông đánh giá, ngành công nghiệp không gian giờ đây đã “chín muồi” cho hoạt động thâu tóm và sáp nhập,
PIF là một phần quan trọng trong tầm nhìn đầy tham vọng của Thái tử Mohammed Salman, Thủ tướng Saudi Arabia, nhằm cải tổ nền kinh tế đất nước và loại bỏ dần sự phụ thuộc vào doanh số bán dầu mỏ. PIF đã nhanh chóng xây dựng được khối tài sản trị giá khoảng 700 tỉ đô la sau nhờ nguồn thu từ dầu mỏ. Trong những năm gần đây, quỹ này đầu tư mạnh mẽ vào mọi thứ, từ sản xuất xe điện cho đến hỗ trợ các giải đấu golf mới nổi và có kế hoạch kiểm soát một nghìn tỉ đô la tài sản vào năm 2025.
Một trong những sáng kiến quan trọng của Saudi Arabia này là phát triển một trung tâm sản xuất ô tô ở bờ biển phía tây của đất nước. Nhà sản xuất xe điện Lucid Group của Mỹ, nơi PIF nắm cổ phần kiểm soát, đang lắp ráp xe ở đây. Hyundai Motor (Hàn Quốc) và Ceer, một thương hiệu xe điện liên doanh giữa PIF và tập đoàn Foxconn của Đài Loan, dự kiến sớm gia nhập trung tâm này. Sáng kiến trên cũng bao gồm nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn như bán dẫn và pin.
Saudi Arabia đã khởi động chương trình không gian vào năm 2018 và đưa các phi hành gia lên vũ trụ lên Trạm không gian quốc tế (ISS) vào năm ngoái, như một phần trong kế hoạch đầu tư rộng hơn vào ngành này.
“Nền kinh tế không gian mới chắc chắn tạo ra cơ hội trị giá nghìn tỉ đô la tiếp theo. Saudi Arabia lạc quan về triển vọng không không chỉ trở thành nước dẫn đầu khu vực mà còn trở dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực không gian. Tham vọng của chúng tôi đến năm 2030 là chắc chắn thiết lập được vị trí dẫn đầu khu vực và sau đó chuyển sang vị trí dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực này vào năm 2040”, ông Alswaha quả quyết.
Ông cho biết, một phần quan trọng trong hoạt động đầu tư vào không gian của Saudi Arabia sẽ là truyền thông. “Ước tính, có khoảng 2,6 tỉ người trên thế giới vẫn chưa được kết nối internet vào năm 2024 và cách duy nhất để giúp họ nhanh chóng kết nối là là từ không gian”, ông nói khi ám chỉ đến dịch vụ internet vệ tinh.
Đã có nhiều đồn đoán về tham vọng của Saudi Arabia trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) kể từ năm ngoái. Khi Sam Altman bất ngờ bị sa thải khỏi ghế CEO của OpenAI hồi giữa tháng 11 năm ngoái, có nhiều thông tin cho biết, vào thời điểm đó, ông đang đàm phán với các nhà đầu tư Trung Đông, bao gồm cả quỹ PIF về một liên doanh phát triển chip AI mới, có tên gọi Tigrism, để cạnh tranh với hãng chip Nvidia (Mỹ), cũng như một công ty thiết bị AI trị giá hàng tỉ đô la.
Tháng 8-2023, tờ Financial Times dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA) đã chạy đua mua các con chip AI cao cấp của Nvidia (Mỹ). Thông qua Đại học Khoa học và công nghệ Quốc vương Abdullah (KAUST), chính phủ Saudi Arabia được cho là đã đặt mua ít nhất 3.000 chip H100 của Nvidia. Với giá mỗi sản phẩm chip H100 lên đến 40.000 đô la Mỹ, Saudi Arabia có thể sẽ phải chi ít nhất 120 triệu đô la cho lô hàng này. Tương tự, UAE cũng đã đặt mua hàng ngàn chip H100.
KAUST đã phát triển một siêu máy tính, có tên gọi Shaheen III. Siêu máy tính vận hành dựa vào 700 siêu chip Grace Hoppers của Nvidia, được thiết kế dành riêng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo tiên tiến.
Tháng 5 năm ngoái, Saudi Arabia tổ chức Diễn đàn Tương lai bán dẫn để thảo luận về tương lai nền kinh tế bán dẫn ở Saudi Arabia cà các chiến lược mở rộng chuyên môn bán dẫn trong nước.
Đầu năm 2022, truyền thông đưa tin, Foxconn đang đàm phán với chính phủ Saudi Arabia về dự án nhà máy trị giá 9 tỉ đô la để sản xuất chip, linh kiện xe điện các các linh kiện điện tử khác như màn hình.
Saudi Arabia đã vạch rõ kế hoạch dẫn đầu về AI và các công nghệ khác thông qua Tầm nhìn 2030 nhằm hiện đại hóa nền kinh tế đất nước. Là một phần của tầm nhìn này, Cơ quan Dữ liệu và AI của Saudi Arabia được thành lập vào năm 2019 với tham vọng là “định vị Saudi Arabia trở thành trung tâm toàn cầu, nơi dữ liệu và AI tốt nhất được phát triển thành công”.
Sự nổi lên của Saudi Arabia như một trung tâm công nghệ tiềm năng làm phức tạp thêm chiến lược công nghệ Mỹ, đặc biệt là về bán dẫn và AI. Để duy trì lợi thế cạnh tranh và đảm bảo phát triển AI có trách nhiệm, Mỹ cần một chiến lược kết hợp các trung tâm công nghệ mới nổi ở Trung Đông vào hệ sinh thái công nghệ tổng thể của nước này. Mục đích là ngăn các nước Trung Đông trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc để đạt được tham vọng công nghệ cao.
Trong cuộc trao đổi với báo chí ở WEF lần thứ 54, Bộ Công nghệ thông tin và truyền thông Saudi Arabia, Abdullah Alswaha kỳ vọng đất nước ông có thể tiếp tục thu hút đầu tư từ cả các tập đoàn công nghệ của Mỹ lẫn Trung Quốc, ngay cả khi căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang. Ông tự tin về triển vọng này vì Saudi Arabia đã “thể hiện mối quan hệ hợp tác tốt với cả phương đông và phương tây trong nỗ lực bảo vệ tài sản trí tuệ và bằng sáng chế của họ cũng như ngăn chặn bất cứ rủi ro rò rỉ công nghệ nào”. Ông nhấn mạnh, Saudi Arabia sẽ hợp tác với bất kỳ ai tuân thủ các quy định quản lý và tôn trọng lợi ích an ninh quốc gia của Saudi Arabia.
Theo Bloomberg, Financial Times, Fortune