Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Saudi Arabia khai phá tiềm năng khoáng sản trị giá ngàn tỉ đô la

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chính phủ Saudi Arabia đang thuyết phục các tập đoàn khai khoáng hàng đầu thế giới hỗ trợ khai thác trữ lượng khoáng sản khổng lồ, trị giá cả ngàn tỉ đô la Mỹ, ở vương quốc này. Động thái đó diễn ra khi nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới tăng tốc kế hoạch xây dựng các ngành công nghiệp mới để giảm sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch.

Bộ trưởng Công nghiệp và tài nguyên khoáng sản Saudi Arabia Bandar Alkhorayef phát biểu tại Diễn đàn các khoáng sản tương lai (FMF) ở Riyadh trong tuần này. Ảnh: Argaam

Saudi Arabia, nước nhập khẩu ròng khoáng sản lớn thứ tư trên toàn cầu, đã có sẵn một ngành công nghiệp khai thác mỏ ở quy mô nhỏ. Nhưng theo các ước tính hiện nay, giá trị của các trữ lượng khoáng sản tiềm năng ở nước này có thể lên tới hơn 1,3 ngàn tỉ đô la, bao gồm các mỏ đồng, kẽm, phốt phát, uranium và vàng.

Trong tuần này, tại Diễn đàn các khoáng sản tương lai (FMF) ở Riyadh, thủ đô của Saudi Arabia, giới lãnh đạo trong ngành công nghiệp khai khoáng toàn cầu, bao gồm các giám đốc cấp cao của Rio Tinto, BHP và Barrick Gold Corp. đã có các cuộc thảo luận, chủ yếu tập trung vào việc mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn khoáng sản quan trọng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các kim loại cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Giới chức Saudi Arabia xem các trữ lượng khoáng sản dồi dào ở trong nước là giải pháp quan trọng để nâng cao nguồn cung các kim loại này. Với hơn 7.000 đại biểu tham dự từ hơn 100 quốc gia, diễn đàn FMF đã thu hút sự quan tâm rộng rãi trên toàn cầu ngay cả khi chính phủ Saudi Arabia tiếp tục gặp khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Phát biểu tại diễn đàn FMF, Bộ trưởng Công nghiệp và tài nguyên khoáng sản Saudi Arabia Bandar Alkhorayef cho biết Saudi Arabia đã thiết kế một trong những khuôn khổ quản lý và pháp lý cạnh tranh nhất nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp khai khoáng trong nước đồng thời giảm thiểu rủi ro đầu tư.

Tầm nhìn đưa Saudi Arabia trở thành đấu thủ quan trọng trong ngành công nghiệp khai khoáng toàn cầu trị giá 2 ngàn tỉ đô la là một phần trong chương trình nghị sự đầy tham vọng được đưa ra cách đây 7 năm bởi Thái tử Mohammed bin Salman, Thủ tướng hiện nay của Saudi Arabia. Chương trình cải tổ kinh tế này, có tên gọi Tầm nhìn 2030, nhằm xây dựng các ngành công nghiệp mới. mà phần lớn không liên quan đến dầu mỏ, thông qua nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của đất nước. Được khởi động vào năm 2016, Tầm nhìn 2030 đã đi được nửa chặng đường.

Việc Saudi Arabia nới lỏng các chuẩn mực xã hội Hồi giáo nghiêm ngặt trong những năm gần đây đã giúp tạo ra các ngành du lịch và giải trí mới. Tuy nhiên, các quan chức Saudi Arabia cho biết họ coi ngành công nghiệp khai khoáng là trụ cột thứ ba của nền kinh tế, chỉ đứng sau khai thác dầu mỏ và hóa dầu. Riyadh đã sửa đổi luật đầu tư khai thác khoáng sản vào năm 2021 và đã cấp ba giấy phép thăm dò khoáng sản vào năm 2022, với năm giấy phép nữa dự kiến sẽ được cấp ​​trong năm nay.

Công ty khai khoáng Barrick Gold (Canada), một trong những nhà khai thác vàng lớn nhất thế giới, đã ký thỏa thuận thành lập hai liên doanh mới trong tuần này với Ma'aden, công ty khai khoáng thuộc sở hữu nhà nước Saudi Arabia, để thăm dò đồng ở khu vực phía tây của Saudi Arabia.

Mark Bristow, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Barrick Gold, cho biết công ty ông quan tâm đến hoạt động tìm kiếm các trữ lượng vàng và đồng ở Saudi Arabia. Ông nói: “Saudi Arabia có tiềm năng to lớn trong lĩnh vực khoáng sản và thực tế là có một số mỏ ở đây có lợi nhuận rất cao”.

Theo Khalid al-Mudaifer, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề khai mỏ của Bộ Công nghiệp và tài nguyên khoáng sản Saudi Arabia, đất nước ông đã vượt qua một bước ngoặt quan trọng trong hoạch định chiến lược cho ngành khai khoáng. Ông bày tỏ tin tưởng các cuộc khảo sát thăm dò mới sẽ phát hiện nhiều trữ lượng khoáng sản hơn nữa.

Một trong những khoáng sản được nhắm đến ở Saudi Arabia là uranium, được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết trữ lượng uranium ở nước ông đủ lớn để sản xuất thương mại.

Bộ trưởng Đầu tư Saudi Arabia Khalid al-Falih phấn chấn trước sự hiện diện đông đại của các nhà đầu tư nước ngoài tại diễn đàn FMF nhưng ông muốn thấy có thêm nhiều thỏa thuận được ký kết để khởi động các dự án thăm dò và khai thác khoáng sản ở trong nước.

Ông nói: “Các nhà đầu tư nước ngoài tin vào Tầm nhìn 2030, tin vào các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Saudi Arabia nhưng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn chưa đủ để tận dụng các cơ hội có sẵn ở đất nước chúng tôi”.

FDI vào Saudi Arabia đạt 19,3 tỉ đô la vào năm 2021 nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo ngại về tính pháp quyền và các vấn đề uy tín sau vụ sát hại một nhà báo nổi tiếng của Saudi Arabia vào năm 2018, trong đó các nghi phạm được cho là những người thân cận của Thái tử Mohammed bin Salman.

Saudi Arabia vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở các lĩnh vực khác bên ngoài dầu khí. Nhưng ngày càng có nhiều công ty Saudi Arabia sử dụng ngân sách dồi dào của họ để thúc đẩy các công ty nước ngoài đưa công nghệ vào vương quốc này.

Hôm 11-1, Ma'aden thông báo sẽ đầu tư 126,4 triệu đô la để mua 9,9% cổ phần của Ivanhoe Electric, một công ty khai thác và phát triển khoáng sản của Mỹ. Hai công ty này cũng nhất trí thành lập một liên doanh để sử dụng công nghệ khảo sát địa vật lý độc quyền của Ivanhoe cho nỗ lực  tìm kiếm đồng, vàng và bạc trên gần 50.000 km vuông lãnh thổ của Saudi Arabia.

Cùng ngày, Quỹ đầu tư công Saudi Arabia (PIF) thông báo thành lập một liên doanh trị giá hơn 3 tỉ đô la với Ma'aden để mua tài sản khoáng sản ở nước ngoài. Các khoản đầu tư của liên doanh này ban đầu sẽ tập trung mua cổ phần thiểu số ở các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực  khai thác quặng sắt, đồng, nickel và lithium, những kim loại cần thiết cho các kế hoạch phát triển các công nghiệp đầy tham vọng của Saudi Arabia gồm năng lượng tái tạo, xe điện và pin.

Theo WSJ

1 BÌNH LUẬN

  1. Không phải là tin tốt. Càng khai thác càng nhiều khoáng sản, con người càng có nguy cơ bị tận diệt sớm hơn. Đó là quy luật đã được định đoạt bởi tự nhiên. Lý do là mọi trật tự trên quả đất mà con người đang sinh tồn đã được an bài, hình thành qua hàng tỷ năm, trật tự chính là nền tảng. Như vậy tính cân đối/ cân bằng đã được xác định. Đó là cơ sở cho sự tồn tại duy nhất của một hệ sinh thái bền vững, chưa từng được phát hiện ở bất kỳ nơi nào khác trong vũ trụ này cho đến tận bây giờ. Nếu con người không biết hoặc không muốn duy trì điều này, hậu quả không sớm thì muộn sẽ rõ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới