Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Saudi Arabia khiến Mỹ ‘đau đầu’ khi quyết tâm đẩy giá dầu lên 100 đô la

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các nỗ lực của Saudi Arabia và Nga nhằm đẩy giá dầu Brent lên 100 đô la/thùng gây “đau đầu’ cho Tổng thống Joe Biden khi chính quyền của ông đang chật vật kiểm soát lạm phát.

Thái tử Mohammed bin Salman (phải) của Saudi Arabia, muốn giá dầu ở mức cao để bảo đảm nguồn thu cần thiết, phục vụ cho chương trình cải cách kinh tế của ông. Nhưng giá dầu tăng sẽ kéo theo giá xăng tăng, điều mà Tổng thống Joe Biden muốn tránh trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới. Ảnh: Financial Times

Hơn nữa, kiểm soát giá nhiên liệu cũng là ưu tiên hàng đầu của người đứng đầu Nhà Trắng khi ông chuẩn bị bước vào cuộc tái tranh cử tổng thống vào năm tới.

Trong tuần này, dầu thô Brent ở London đã vượt mức 90 đô la/thùng lần đầu tiên trong năm nay sau khi Riyadh và Moscow gia hạn cắt giảm nguồn cung đến cuối năm dù giá dầu đã tăng 25% kể từ tháng 6 do nhu cầu toàn cầu đạt mức cao kỷ lục.

Động thái của Saudi Arabia có nguy cơ gây rạn nứt mối quan hệ giữa Riyadh và Washington ngay cả khi Mỹ theo đuổi một thỏa thuận lịch sử nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và vương quốc dầu mỏ này, đồng thời nỗ lực củng cố một liên minh chống lại Nga tại hội nghị thượng đỉnh của khối các nền kinh tế lớn G20 vào cuối tuần này ở Ấn Độ.

“Người Saudi Arabia hiện không có nhiều bạn bè ở Washington”, Raad Alkadiri, một nhà phân tích của hãng tư vấn địa chính trị Eurasia Group, nói và cho biết thêm có nguy cơ Saudi Arabia trở thành mục tiêu công kích nếu Washington muốn đổ lỗi cho ai đó nếu giá xăng bán lẻ tăng cao hơn hoặc nền kinh tế chậm lại một lần nữa.

Động thái gia hạn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày của Riyadh diễn ra vào thời điểm nhạy cảm trong nước đối với Nhà Trắng, đang ca ngợi nền kinh tế đang mạnh lên và lạm phát chậm lại như một dấu hiệu cho thấy chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden phát huy hiệu quả

Giá xăng có xu hướng đóng một vai trò lớn trong nhận thức của cử tri Mỹ về nền kinh tế. Các nhà phân tích cho rằng tình trạng thắt chặt của thị trường dầu có thể đẩy giá dầu thô lên 100 đô la/thùng trước cuối năm. Lúc đó, chi phí nhiên liệu sẽ tăng cao hơn ngay khi lạm phát bắt đầu hạ nhiệt ở các nền kinh tế phương Tây.

“Mối nguy hiểm đối với Nhà Trắng là giá xăng tăng có khả năng đảo ngược cảm giác rằng tình hình kinh tế đang được cải thiện và lạm phát đang giảm”, Richard Bronze, đồng sáng lập hãng tư vấn Energy Aspects, nhận định.

Giá xăng tăng cũng có thể làm phức tạp thêm nhiệm vụ kiểm soát lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Cơ quan này đang đứng trước quyết định khó khăn là liệu có cần tăng lãi suất, vốn đã ở mức cao nhất trong 22 năm, một lần nữa trong năm nay để hạ nhiệt nền kinh tế hay không.

Alan Detmeister, nhà kinh tế ở ngân hàng UBS và cựu nhân viên Fed, dự báo, do giá xăng tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sẽ tăng “khá mạnh” trong tháng 8 khi dữ liệu được công bố vào tuần tới.

Giá tăng chậm hơn ở các lĩnh vực khác có thể giúp bù đắp lạm phát do giá năng lượng tăng. Tuy nhiên, Detmeister cảnh báo, biến động giá dầu có thể dễ dàng đưa lạm phát hàng năm của Mỹ lên ít nhất 4% trong tháng 9, so với 3,2% hiện nay.

Tác động đã thể hiện rõ tại các trạm xăng ở Mỹ, nơi giá bán tăng gần 25% trong năm nay lên 3,8 đô la/gallon (3,785 lít). Con số này vẫn thấp hơn mức cao kỷ lục hơn 5 đô la hồi mùa hè năm ngoái, nhưng cao hơn 60% so với thời điểm ông Biden nhậm chức vào tháng 1-2021.

Tình trạng lạm phát giá nhiên liệu tạo cơ hội để các đối thủ đảng Cộng hòa chỉ trích chính quyền ông Biden trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Họ đổ lỗi cho Nhà Trắng vì ưu tiên chính sách khí hậu hơn sản lượng dầu trong nước.

“Chúng ta có vàng lỏng (dầu mỏ) ngay dưới chân mình. Chúng ta đã kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng rồi ông Biden khóa nó lại”, Donald Trump, cựu tổng thống và ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa, nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Năm ngoái, khi cuộc khủng hoảng giá năng lượng toàn cầu nổ ra sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, Nhà Trắng đã huy động mọi nỗ lực có thể để kìm hãm đà tăng giá nhiên liệu liệu khi giá xăng tăng lên mức trên 4 đô la/gallon, được coi là ngưỡng nhạy cảm về mặt chính trị.

Tổng thống Biden đã kêu gọi các nhà sản xuất dầu đá phiến phải bơm thêm dầu và sau đó, cho phép tung ra thị trường lượng dầu thô kỷ lục được lưu trữ trong kho dự trữ chiến lược khẩn cấp liên bang. Các biện này đã giúp ngăn chặn sự tăng giá mạnh của dầu.

Nhưng giờ đây, những đòn bẩy đó kém hiệu quả hơn. Lĩnh vực dầu đá phiến đang tăng trưởng chậm và kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ  giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1983.

Điều này khiến thị trường dầu mỏ thắt chặt hơn khi nhu cầu nhiên liệu toàn cầu tăng cao, cho phép Saudi Arabia dễ dàng điều khiển giá dầu hơn.

Chris Christie, cựu thống đốc bang New Jersey, cho rằng mối quan hệ lạnh nhạt của ông Biden với Riyadh là nguyên nhân khiến Thái tử Mohammed bin Salman, người cầm quyền trên thực tế ở Saudi Arabia, phối hợp với Nga để cắt giảm thêm nguồn cung dầu.

Các nhà giao dịch năng lượng cũng đặt câu hỏi tại sao Saudi Arbia lại gia hạn cắt giảm sản lượng khi giá dầu đã tăng mạnh trong ba tháng qua.

Họ cho rằng lập trường của Riyadh chứa đựng nhiều ẩn ý. Thậm chí, có những đồn đoán xoay quanh ý đồ của Riyadh nhằm tạo ra tác động trong một cuộc bầu cử căng thẳng ở Mỹ vào năm tới.

Thái tử Mohammed đã đặt mục tiêu giá dầu cao hơn để chi trả cho kế hoạch cải cách kinh tế có tên gọi ‘Tầm nhìn 2030’ đầy tốn kém. Kế hoạch này bao gồm dự án xây dựng thành phố Neom với một tòa nhà chọc trời cao 518 mét, dài 120 km dọc theo Biển Đỏ.

“Thực tế là ngân sách chi tiêu của Saudi Arabia và tham vọng dài hạn của Thái tử Mohammed đòi hỏi giá dầu ở mức khoảng 85 đô la hoặc cao hơn. Các dự án như Neom không thể xây dựng với giá dầu ở mức 70 đô la/thùng”, nhà phân tích Raad Alkadiri nói.

Các nhà phân tích cho biết, Saudi Arabia cũng hy vọng sẽ sử dụng chính sách dầu mỏ như là đòn bẩy trong các cuộc thảo luận với Nhà Trắng. Vương quốc này có một danh sách dài về các yêu cầu đối với Washington từ việc hỗ trợ quân sự mạnh mẽ hơn đến ủng hộ chương trình hạt nhân dân sự của nước này.

Lời hứa can thiệp nếu giá dầu tăng quá cao vẫn là một quân bài mạnh để Riyadh sử dụng. Trong thông báo gia hạn cắt giảm sản lượng dầu đến hết năm nay, Saudi Arabia cho biết sẽ đánh giá hàng tháng về mức cắt giảm. Đây là điều mà các nhà phân tích cho rằng có thể được Riyadh sử dụng như một công cụ thương lượng trong các cuộc đàm phán với Mỹ, đặc biệt là khi chiến dịch bầu cử bắt đầu diễn ra.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới