Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Saudi Arabia và Nga căng thẳng về chuyện giảm lượng dầu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Nga đang dâng cao khi Moscow tiếp tục bơm một lượng lớn dầu thô rẻ hơn vào thị trường, làm suy yếu nỗ lực giảm sản lượng của Riyadh nhằm kích giá dầu tăng lên.

Công nhân kiểm tra van của đường ống dẫn dầu tại mỏ dầu thuộc sở hữu của nhà sản xuất dầu khí Lukoil ở Nga. Ảnh: Reuters

Nga bị nghi ngờ không giảm sản lượng đúng mức cam kết

Saudi Arabia, nhà lãnh đạo trên thực tế của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đã bày tỏ sự tức giận với Nga vì cho rằng Điện Kremin không tuân thủ đầy đủ cam kết giảm sản lượng dầu để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Wall Street Journal dẫn lời các nguồn tin cho biết các quan chức Saudi đã phàn nàn điều này với các quan chức cấp cao của Nga và yêu cầu họ tôn trọng thỏa thuận giảm sản xuất dầu.

Xích mích giữa hai nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới xuất hiện trước thềm cuộc họp quan trọng giữa các thành viên của OPEC và nhóm các nhà sản xuất dầu do Nga dẫn đầu, được gọi là liên minh OPEC+, tại Vienna (Áo) vào ngày 4-6.

Liên minh này dự kiến sẽ thảo luận và công bố kế hoạch sản xuất cho nửa cuối năm trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại, làm giảm nhu cầu năng lượng.

Đầu tuần này, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman báo hiệu rằng OPEC+ xem xét giảm thêm sản lượng trước trong bối cảnh lượng bán khống các hợp đồng dầu tăng lên. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng giá dầu đang tiến gần đến mức “hợp lý về mặt kinh tế”. Điều nay cho thấy Điện Kremlin có thể thấy không cần thay đổi ngay lập tức chính sách sản xuất hiện nay của OPEC+.

Cuộc họp của OPEC+ diễn ra sau khi vào đầu tháng 4 Saudi Arabia, Nga và các thành viên OPEC+ khác tuyên bố sẽ giảm sản lượng dầu hơn 1,1 triệu thùng/ngày để kích giá dầu. Riyadh đã bắt đầu cắt giảm sản lượng trong tháng này. Vào thời điểm đó, Moscow cho biết sẽ kéo dài quyết định đơn phương cắt giảm 500.000 thùng/ngày, được áp dụng từ tháng 3, đến cuối năm nay.

Giờ đây, dữ liệu mới nhất cho thấy Nga tiếp tục bơm một lượng lớn dầu vào thị trường để tối đa hóa nguồn thu cho nền kinh tế đang gặp khó khăn. Điều này lại làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu, các quan chức và thương nhân trong ngành cho biết.

Báo cáo mới đây của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định Nga chỉ cắt giảm sản lượng dầu 200.000 thùng/ngày.

Giá dầu trên thị trường quốc tế đã giảm khoảng 10% so với đầu tháng 4 bất chấp sản lượng của OPEC bị cắt giảm thêm. Hôm 26-5, giá dầu thô chuẩn quốc tế Brent ở London tăng 0,9% lên 76,95 đô la/thùng.

Cuối năm ngoái, Saudi Arbia và Nga đã hợp tác để thúc đẩy OPEC+ đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày.

Nhà Trắng chỉ trích quyết định này là thiển cận và cho rằng OPEC+ đang tích cực hỗ trợ Nga tăng doanh thu dầu mỏ để chi trả cho cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, ngoài dầu mỏ, cho đến nay, quan hệ đối tác của họ trong các  lĩnh vực khác như an ninh, thương mại hoặc đầu tư chỉ ở mức hạn chế.

Tuần trước, Saudi Arabia bất ngờ mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên của Liên đoàn Arab với tư cách khách mời đặc biệt. Vương quốc này là một trong nhiều nước đề nghị đóng vai trung gian để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Saudi Arabia đã giúp đàm phán một cuộc trao đổi tù nhân cấp cao giữa Nga và Ukraine vào năm ngoái. Ngoài ra, Riyadh đã công bố viện trợ nhân đạo trị giá 400 triệu đô la cho Ukraine.

Đầu tháng này, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak khẳng định Moscow đang tuân thủ cam kết tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng mỗi ngày. Trong những tuần gần đây, Bộ Năng lượng Nga đã chủ động liên hệ với các ấn phẩm thương mại để giải thích rằng Nga phải trì hoãn kế hoạch đóng cửa một số giếng dầu do thời tiết đóng băng ở một số vùng của đất nước. Bộ này cho biết Moscow đã nỗ lực cắt giảm 400.000 thùng/ngày vào đầu tháng 5, gần với mức cam kết.

Saudi Arabia cần giá dầu cao hơn để cân bằng ngân sách

Không có yêu cầu cụ thể nào về việc Nga phải báo cáo chính xác sản lượng dầu của nước này. Nhưng khoảng cách giữa mức sản lượng cắt giảm theo cam kết và con số cắt giảm trên thực tế theo ước tính của các ấn phẩm thương mại dầu mỏ làm tăng thêm căng thẳng trong OPEC+ về việc có nên giảm sản lượng dầu thêm nữa hay không.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nhiên liệu hóa thạch của Nga đang làm thay đổi dòng chảy năng lượng toàn cầu. Trong khi Trung Quốc và Ấn Độ tăng mua dầu giá rẻ của Nga, các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông chuyển hướng thương mại dầu thô của họ sang châu Âu.

Vào tháng 3, Nga đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc. Tháng trước, lần đầu tiên nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ vượt quá tổng lượng dầu nhập khẩu từ Saudi Arabia và Iraq, theo dữ liệu từ Vortexa, một công ty dữ liệu. hàng hóa.

Các nguồn tin cho biết Riyadh đang chịu áp lực đẩy giá dầu lên mức cao hơn để bảo đảm không thâm hụt ngân sách. Nước này lập ngân sách chi tiêu dựa trên mức giá dầu trung bình 81 đô la/thùng, tức cao hơn khoảng 5 đô la so với mức hiện tại. Saudi Arabia cần tiền để đầu tư các đại dự án, bao gồm một khu nghỉ dưỡng ở Biển Đỏ có diện tích bằng nước Bỉ với các khách sạn lơ lửng trên mặt nước như ở quần đảo Maldives và một thành phố công nghệ cao có trị trị 500 tỉ đô la nằm trên một sa mạc có diện tích lớn gấp 33 lần thành phố New York.

Thái tử Mohammed bin Salman, nhà lãnh đạo thực tế của Saudi Arabia, đang theo đuổi tầm nhìn đầy tham vọng nhằm sử dụng nguồn thu nhập từ dầu mỏ của đất nước để chuyển đổi nền kinh tế. Khi giá dầu vượt mốc 100 đô la/thùng hồi năm ngoái, vương quốc này đã tăng tốc những nỗ lực đó.

Trong những tháng gần đây, các cố vấn kinh tế của Saudi Arabia cảnh báo riêng với các nhà hoạch định chính sách cấp cao rằng đất nước cần tăng giá dầu trong 5 năm tới để tiếp tục bơm thêm hàng tỉ đô la cho các đại dự án cho đến nay chỉ thu hút đầu tư ít ỏi từ nước ngoài.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Saudi Arabia có tiến hành bất kỳ hành động ngay lập tức nào có thể ảnh hưởng đến liên minh năng lượng với Nga hay không. Mâu thuẫn giữa Riyadh và Moscow không phải là chuyện mới mẻ đối với OPEC+. Hồi tháng 3-2020, giá dầu lao dốc sau khi Saudi Arabia và Nga không thống nhất được kế hoạch khẩn cấp nhằm giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung. Sau bất đồng này, Saudi Arabia đã phát động cuộc chiến giảm giá dầu nhằm giành thị phần từ Nga trên thị trường quốc tế.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới