(KTSG) - Nhu cầu huy động vốn trung, dài hạn vẫn rất lớn và thanh khoản hệ thống vẫn đang chịu không ít áp lực sau một số sự kiện tác động mạnh đến ngành ngân hàng thời gian gần đây. Ngoài ra, còn nhiều lý do khác thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn trung, dài hạn, nhất là trong bối cảnh xu hướng lãi suất được dự báo sẽ còn đi lên trong thời gian tới...
- Nghiên cứu tăng lãi suất huy động vào thời điểm thích hợp
- Làn sóng tăng lãi suất trên toàn cầu sẽ chưa dừng lại
Chênh lệch mở rộng
KienLong Bank gần đây đã có hai đợt liên tiếp tăng mạnh lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó nếu so với ngày 23-9-2022- thời điểm ngân hàng này tăng mạnh lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng thêm 1 điểm phần trăm, thì lãi suất kỳ hạn 6-9 tháng hiện đã tăng thêm 1,6 điểm phần trăm lên 7,8%; kỳ hạn 9-11 tháng tăng 1,8 điểm phần trăm lên 8%; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng từ 1,35-1,6 điểm phần trăm. Mức tăng này cao hơn đáng kể so với mức tăng của các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng.
Tương tự, MSB tăng mạnh 0,8-1,3 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng, tăng 0,9 điểm phần trăm kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. PGBank cũng tăng 0,8 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, trong khi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng từ 0,5-0,6 điểm phần trăm. Còn ABBank tăng 0,8-0,9 điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng mạnh 1-1,1 điểm phần trăm.
Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đã gần đạt 11%, trong khi huy động vốn cập nhật gần nhất đến 20-9 chỉ xấp xỉ 4%. Theo đó, số dư nợ tuyệt đối toàn ngành cuối tháng 9 đã hơn 11,9 triệu tỉ đồng, cao hơn mức tiền gửi chỉ gần 11,4 triệu tỉ đồng.
Có thể thấy sau đợt tăng trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng từ ngày 23-9-2022 theo động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong giai đoạn tuần cuối tháng 9 và nửa đầu tháng 10, thị trường tiếp tục chứng kiến các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài hơn, từ 6 tháng trở lên. Có thể kể đến hàng loạt ngân hàng như VIB, Bắc Á, OCB, Bảo Việt, NCB, Nam Á,…
Do đó, chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa kỳ hạn ngắn và dài có dấu hiệu nới rộng trở lại. Cụ thể, chênh lệch giữa mức lãi suất bình quân kỳ hạn 6-11 tháng so với kỳ hạn 1-5 tháng đã mở rộng từ mức 1,48 điểm phần trăm tại thời điểm cuối tháng 9 lên 1,74 điểm phần trăm; trong khi chênh lệch giữa mức lãi suất bình quân kỳ hạn 12 tháng so với kỳ hạn 1-5 tháng tăng từ 2,05 lên 2,24 điểm phần trăm và chênh lệch giữa mức lãi suất bình quân kỳ hạn từ 13 tháng trở lên so với kỳ hạn 1-5 tháng cũng tăng từ 2,01 lên 2,15 điểm phần trăm.
Điều này phản ánh nhu cầu huy động vốn trung, dài hạn vẫn rất lớn và thanh khoản hệ thống vẫn đang chịu không ít áp lực sau một số sự kiện tác động mạnh đến ngành ngân hàng thời gian gần đây. Ngoài ra, còn nhiều lý do khác thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn trung, dài hạn, nhất là trong bối cảnh xu hướng lãi suất được dự báo sẽ còn đi lên trong thời gian tới, nên chính sách tăng cường huy động tiền gửi trung, dài hạn để hạn chế bớt rủi ro lãi suất được xem là phù hợp.
Bên cạnh đó, với việc các kỳ hạn ngắn 1-5 tháng đang bị khống chế bởi quy định trần lãi suất tiền gửi, các ngân hàng muốn cạnh tranh huy động vốn bằng công cụ lãi suất chỉ có thể điều chỉnh lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Do đó, một loạt ngân hàng đã quyết định tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn dài hơn từ đầu tháng 10 đến nay.
Sẽ còn một đợt tăng lãi suất điều hành?
Chính vì vậy, đã có một số dự báo cho rằng NHNN sẽ còn có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa trong thời gian còn lại của năm nay hoặc là vào đầu năm sau, để tạo dư địa cho các ngân hàng tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn bám sát theo diễn biến và áp lực thực tế của thị trường.
Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán SSI nhận định không loại trừ trường hợp NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong những tháng còn lại của năm 2022 nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.
Còn Công ty Chứng khoán VDSC dự báo lãi suất điều hành có thể tăng từ 50-100 điểm cơ bản trong năm sau, về lại mức trước đại dịch Covid-19.
Thậm chí Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng có khả năng NHNN sẽ tăng thêm 100 điểm cơ bản (1 điểm phần trăm) đối với lãi suất tái cấp vốn trong vòng hai quí tới. Điều này sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 5,5% vào cuối năm 2022 và sau đó là 6% vào cuối quí 1-2023, bằng với mức được công bố ngay trước thời điểm Covid-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu vào tháng 3-2020.
Thứ nhất, ảnh hưởng trước các đợt tăng lãi suất cơ bản đô la Mỹ liên tiếp gần đây của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), nhiều ý kiến cho rằng NHNN khó có thể đứng ngoài xu hướng thắt chặt này. Việc Fed dự kiến còn đến hai lần tăng lãi suất nữa trong cuộc họp vào tháng 11 và tháng 12 năm nay có thể thúc đẩy các ngân hàng trung ương khác hành động theo tương tự. Cần lưu ý rằng trong đợt tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm gần nhất của Fed diễn ra tháng 9 vừa qua, NHNN Việt Nam cũng đã nhanh chóng tăng mạnh 1 điểm phần trăm lãi suất điều hành để hạn chế mức chênh lệch giữa lãi suất đô la Mỹ và tiền đồng thu hẹp quá nhanh.
Thứ hai, sức ép tỷ giá vẫn còn khá lớn và có thể tăng dần khi càng về cuối năm, thời điểm nhu cầu thanh toán cho các hoạt động nhập khẩu tăng mạnh. Trong khi đó, khả năng NHNN tiếp tục bán đô la Mỹ để can thiệp thị trường ngoại hối là khá hạn chế vì dự trữ ngoại tệ hiện đã giảm xuống dưới mức khuyến nghị của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Vì vậy, chính sách tăng lãi suất điều hành có thể là công cụ hiệu quả để xoa dịu áp lực tỷ giá, bằng cách tăng sức hấp dẫn của việc nắm giữ tiền đồng.
Giá bán đô la Mỹ tại các ngân hàng đã tăng xấp xỉ 4,7% so với đầu năm nay, mức tăng này thấp hơn nhiều nếu so với mức độ phá giá của những đồng ngoại tệ chủ chốt như euro, yen Nhật hay bảng Anh, cũng như so với hầu hết các đồng tiền khác trong khu vực. Tuy nhiên, chính điều này cũng có thể mang đến kỳ vọng tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng có thể sẽ còn tiếp tục đi lên trong giai đoạn tới, nhất là khi xu hướng thắt chặt chính sách của Fed có thể tiếp tục thúc đẩy dòng vốn đầu tư quay trở lại Mỹ.
Thứ ba là với việc giá xăng dầu đang có tín hiệu tăng trở lại, áp lực lạm phát có thể mạnh hơn trong giai đoạn tới, nhất là vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Vì vậy, trước việc lạm phát có thể sẽ cao hơn giai đoạn trước dịch Covid-19 trong khi mặt bằng lãi suất vẫn thấp hơn mức trước dịch Covid-19, nhà điều hành nếu có quyết định nâng thêm lãi suất cũng là điều không quá bất ngờ.
Điều quan trọng hơn là, tăng trưởng tín dụng vẫn đang cao hơn nhiều so với tăng trưởng huy động vốn, khiến chênh lệch huy động - tín dụng vốn đã rơi vào trạng thái âm kể từ tháng 7 năm nay và chưa có nhiều sự cải thiện tại thời điểm hiện tại. Điều này sẽ tiếp tục gây sức ép lên hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đã gần đạt 11%, trong khi huy động vốn cập nhật gần nhất đến 20-9 chỉ xấp xỉ 4%. Theo đó, số dư nợ tuyệt đối toàn ngành cuối tháng 9 đã hơn 11,9 triệu tỉ đồng, cao hơn mức tiền gửi chỉ gần 11,4 triệu tỉ đồng.
Dĩ nhiên, vẫn có những yếu tố có thể làm thay đổi những dự báo chính sách này. Đơn cử như trong trường hợp Fed tạm ngừng chính sách nâng lãi suất vì lo ngại suy thoái sớm xảy ra ở nền kinh tế Mỹ, cũng như nguy cơ tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam có thể chậm lại đáng kể từ quí 4 năm nay, nhà điều hành có thể sẽ lựa chọn không tiếp tục thắt chặt chính sách.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế và địa chính trị toàn cầu rối ren, gần đây Liên hiệp quốc cũng đã kêu gọi các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Fed, dừng tăng lãi suất để tránh suy thoái kinh tế, vì Fed có nguy cơ gây tổn hại đáng kể cho các nước đang phát triển nếu tiếp tục tăng lãi suất nhanh và mạnh tay. Cơ quan này ước tính nếu Fed cứ nâng lãi suất tham chiếu thêm 1 điểm phần trăm, GDP các nước giàu khác sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm, còn GDP các nước nghèo sẽ giảm 0,8 điểm phần trăm trong ba năm tới.