(KTSG Online) - Bảy dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông với tổng chiều dài gần 412 km sẽ được Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm nay; đến cuối năm 2025 sẽ nối thông toàn tuyến với tổng chiều dài khoảng 1.400 km.
- TPHCM muốn mở rộng đường dẫn cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây lên 8 làn xe
- Chính phủ thúc giục tiến độ cao tốc Bến Lức – Long Thành, sân bay Long Thành
TTXVN dẫn thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho hay, bộ đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác 7 dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 412 km trong năm 2023.
Về tiến độ thực hiện các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (CT01) nhằm mục tiêu nối thông toàn tuyến vào cuối năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải đã chia dự án thành 2 giai đoạn để tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm phù hợp với nhu cầu vận tải và nguồn lực đầu tư.
Cụ thể, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án PPP và 8 dự án đầu tư công) với tổng chiều dài hơn 650 km. Đến nay, các chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng 2 dự án thành phần gồm Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15,2 km), Cam Lộ - La Sơn (dài 98,3 km) với tổng chiều dài 113,5 km.
Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác 7 dự án thành phần gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45 (dài 63,4 km), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km), Phan Thiết - Dầu Giây (dài 99 km), Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (dài 43,2 km), Nghi Sơn - Diễn Châu (dài 50 km), Nha Trang - Cam Lâm (dài 49,1 km), cầu Mỹ Thuận 2 (dài 6,01 km).
Riêng với 2 dự án thành phần còn lại với tổng chiều dài 127,8 km là Cam Lâm - Vĩnh Hảo (dài 78,5 km) và Diễn Châu - Bãi Vọt (dài 49,3 km) sẽ hoàn thành trong năm 2024.
Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, công trình này được chia thành 12 dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 720 km. Để bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công đồng loạt 12 dự án này vào ngày 1-1-2023.
Về tiến độ đầu tư đường ven biển, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ ven biển là tuyến trục được hình thành trên cơ sở tận dụng các tuyến đường hiện có, kết hợp đầu tư xây dựng mới, tuyến đi qua 28 tỉnh, thành phố, quy mô không đồng nhất trên toàn tuyến.
Về trách nhiệm đầu tư, các đoạn tuyến đi trùng với quốc lộ, cao tốc do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thực hiện là 776 km, các đoạn không đi trùng quốc lộ do các địa phương thực hiện dài 2.217 km.
Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành 727/776 km (đạt 93,8%), các đoạn tuyến còn lại đang được tiếp tục huy động nguồn lực để đầu tư thực hiện. Đối với các đoạn tuyến thuộc trách nhiệm đầu tư của địa phương (2.217 km), do nguồn lực hạn chế nên đến nay vẫn chưa bảo đảm thông toàn tuyến.
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiếp tục huy động nguồn lực để thực hiện đầu tư các tuyến đường ven biển để sớm thông tuyến, khai thác đồng bộ.
Nói chung lại, khi nào cao tốc này sẽ liên tục từ Hà Nội đến Cà Mau?