(KTSG Online) – Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 nhằm đánh giá hiệu quả quá trình thực hiện các chính sách của nhà nước trong phục hồi, phát triển kinh tế.
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa gửi Quốc hội kế hoạch kiểm toán năm 2023 tại 31 bộ, cơ quan trung ương và 59 địa phương. Theo đó, cơ quan này dự kiến tập trung kiểm toán tại các mảng, lĩnh vực lớn, gắn với quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, hay lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Trong đó chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tổng giá trị gần 350.000 tỉ đồng sẽ được kiểm toán nhằm đánh giá hiệu quả quá trình thực hiện các chính sách của nhà nước trong phục hồi, phát triển kinh tế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), gói phục hồi kinh tế giải ngân được 61.000 tỉ đồng, tương ứng khoảng 17,5% tổng gói. Cụ thể, chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.552 tỉ đồng. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động giải ngân được 3.545 tỉ đồng cho hơn 5 triệu lao động. Hỗ trợ 2% lãi suất khoảng 13,5 tỉ đồng. Giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế môi trường 39.422 tỉ đồng và chi phí cơ hội thông qua gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất là 7.400 tỉ đồng.
Bên cạnh chương trình phục hồi kinh tế, nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm cũng nằm trong kế hoạch kiểm toán, gồm: tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; các dự án đường ven biển; các dự án xây dựng bệnh viện...
Với các doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, KTNN sẽ tiến hành 16 cuộc kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước; 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 5 ngân hàng.
Với các doanh nghiệp, cơ quan kiểm toán sẽ tập trung kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nuớc năm 2022, thoái vốn, cổ phần hoá, đầu tư ngoài ngành, đầu tư ra nước ngoài tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex); Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG); Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)…
Với các ngân hàng, cơ quan kiểm toán sẽ kiểm toán liên quan tới quản lý, điều hành chính sách tiền tệ; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu tại Ngân hàng Chính sách xã hội, VietinBank, BIDV, Tập đoàn Bảo Việt, Ngân hàng Sài Gòn Công Thương.
Trong năm 2022, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý 27.737 tỉ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu ngân sách 1.466 tỉ đồng, giảm chi ngân sách 9.003 tỉ đồng. 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra.