Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Sẽ sớm tiếp tục giảm lãi suất điều hành?

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đà tăng lãi suất chậm lại vì rủi ro ngân hàng trên thế giới, kinh tế nội địa tăng trưởng chậm, lạm phát có tín hiệu giảm nhiệt là cơ sở để nhiều nhà phân tích cho rằng nhà điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.

Mặt bằng lãi suất huy động giảm nhanh, thanh khoản hệ thống dồi dào, quỹ dự trữ ngoại hối tăng mạnh trở lại là những điểm sáng trong bối cảnh nhu cầu tín dụng suy giảm mạnh. Ảnh: V.D.

Vào đầu tháng 5, thị trường có thêm nhiều thông tin vĩ mô mới ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Bên cạnh việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất điều hành lên thêm 0,25 điểm phần trăm theo như kế hoạch, số liệu kinh tế Việt Nam cũng có những điểm nhấn quan trọng.

Số liệu kinh tế tháng 4 vừa công bố cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Xuất khẩu tháng vừa qua giảm 11,2% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu giảm tới 13%. Chỉ số sản xuất công nghiệp cũng phản ánh tình trạng tương tự khi sụt giảm 14%. Trong khi đó, doanh số bán lẻ tăng 11,5% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ sự phục hồi du lịch.

“Sau kết quả GDP quí 1-2023 không mấy khả quan, Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Đặc biệt, chúng ta chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm trên mặt trận thương mại”, báo cáo kinh tế tháng 4 của HSBC mới đây nhận định.

Tuy nhiên, một điểm sáng lại là sức ép lạm phát dường như đã dịu đi đáng kể, dù có nhiều tác động cần phải theo dõi thêm. Thống kê trong tháng 4 cho thấy lạm phát toàn phần giảm 0,3% so với tháng trước, giúp lạm phát cùng kỳ năm dưới mức 3%, thấp hơn nhiều so với trần lạm phát 4,5%.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Maybank IB, chỉ số CPI giảm tháng thứ 2 liên tiếp, đã giúp mức lạm phát toàn phần ở mức thấp nhất kể từ tháng 4-2022 do chi phí tiện ích, thực phẩm và giáo dục thấp hơn.

Tuy nhiên, nhóm phân tích của HSBC cũng lưu ý thêm tác động từ phía cung, cũng như quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC và tăng giá điện của EVN vẫn chưa cho thấy tác động cụ thể.

“Dù tăng trưởng có chậm lại, nhưng lạm phát đã tốt hơn, giúp các nhà hoạch định chính sách dễ thở hơn”, báo cáo HSBC nhận định.

Sau khi hai lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành vào tháng 3, kịch bản tiếp tục giảm lãi suất trong bối cảnh kinh tế hiện nay được nhiều chuyên gia nhắc đến hơn.

“Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất tái cấp vốn và hạ trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn thêm 50 điểm cơ bản trong năm nay, có khả năng sẽ vào giữa năm nhằm hỗ trợ nền kinh tế”, ông Hoàng Huy, chuyên viên phân tích vĩ mô của công ty chứng khoán Maybank IB, bình luận.

Trước đó hồi tháng 3, NHNN đã cắt giảm lãi suất chính sách 50-100 điểm cơ bản, từ đó lãi suất huy động giảm theo. Thống kê của Công ty quản lý quỹ VinaCapital, lãi suất huy động ở Việt Nam đã tăng hơn 200 điểm cơ bản vào năm 2022, lên hơn 8%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng vào cuối năm 2022, mặc dù lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm đã tăng lên hơn 9,5% vào cuối năm 2022.

“Chúng tôi tin rằng mức trung bình của lãi suất huy động 12 tháng giảm 200 điểm cơ bản so với lãi suất của đầu năm nay, xuống khoảng 6%, để thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam phục hồi và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nói chung”, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng, đánh giá.

Còn theo báo cáo của Công ty chứng khoán VNDirect đầu tháng 5, nhóm phân tích cũng kỳ vọng NHNN có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu FED đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2023, bên cạnh việc nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm.

CPI tháng 4 giảm đáng kể nhờ giá thịt heo, chiếm chủ yếu trong rổ thực phẩm, giảm 1,6% so với tháng trước.

Trong bài phát biểu mới đây, lãnh đạo NHNN đánh giá trong bốn tháng đầu năm, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo đó, sự phục hồi kinh tế thế giới không chắc chắn, tiềm ẩn rủi ro suy thoái, rủi ro từ các ngân hàng cũng khiến các ngân hàng trung ương chậm lại đà tăng lãi suất, chỉ số đồng đô la Mỹ hạ nhiệt.

Về việc điều hành chính sách tiền tệ, NHNN cho biết vẫn sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều tiết tiền tệ phù hợp, điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Theo số liệu công bố, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng đã giảm bình quân từ 1-1,2 điểm phần trăm, lãi suất cho vay bình quân trong cả hệ thống ngân hàng cũng giảm khoảng 0,5-0,65 điểm phần trăm. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước thì mức giảm cao hơn, với lãi suất huy động giảm từ 1-1,5 điểm phần trăm, lãi suất cho vay giảm từ 1,5-2 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các NHTM ở mức từ 6-6,1%/năm (cộng tất cả các kỳ hạn chia bình quân), lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9 - 9,2%/năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới