Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sẽ tiếp tục giao dịch ‘thận trọng’ trong tháng 5?

Thanh Thủy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa đi qua tháng 4-2023 đầy giằng co với xu hướng không quá rõ ràng. Cụ thể, chỉ số VN-Index khép lại phiên cùng cuối tháng (cũng là phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ dài) tại mức 1.049 điểm, tương ứng mất gần 1,5% giá trị so với tháng trước đó.

Dòng tiền vẫn tỏ ra vô cùng thận trọng trước những diễn biến khó lường của thị trường với thanh khoản trung bình chỉ khoảng 13.000 tỉ đồng/phiên. Về cơ bản, nhà đầu tư không mấy sốt sắng với việc mua đuổi các cổ phiếu hồi phục trong khi áp lực bán cũng không lớn.

Một trong những nguyên nhân khiến thị trường thiếu động lực bứt phá tới từ sự giảm tốc của dòng vốn ngoại. Khối ngoại có tháng 4 bán ròng với giá trị 1.466 tỉ đồng, trong khi vào tháng 3 trước đó, khối này vừa trở lại mua ròng. Tính chung bốn tháng đầu năm, giá trị mua ròng lũy kế của khối ngoại đã thu hẹp còn 5.496 tỉ đồng trên cả ba sàn.

Như vậy, sau khoảng thời gian mua ròng mạnh từ tháng 11-2022 đến tháng 1-2023, hiện dòng vốn ngoại đang có động thái rút khỏi TTCK Việt Nam. Xu hướng này khả năng cao vẫn sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn, đặc biệt khi lãi suất đô la Mỹ dự kiến vẫn còn một đợt tăng nữa, sau đó duy trì ở mức cao thêm một thời gian. Không chỉ vậy, hiện mức định giá của chứng khoán Việt Nam không còn thực sự quá hấp dẫn.

Trước đây, nhịp giảm sâu giữa tháng 11-2022 tạo ra nền giá tương đối thấp, giúp thu hút dòng tiền từ khối ngoại. Tuy vậy, sau mùa báo cáo quí 4-2022 và quí 1-2023, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết liên tục giảm sâu đã đẩy chỉ số P/E của VN-Index lên mức 11,9 lần - cao hơn đáng kể so với đáy. Định giá thị trường không còn rẻ đã trở thành rào cản đối với việc thu hút dòng vốn ngoại trong ngắn hạn.

Trên thế giới, TTCK Mỹ hoàn tất tháng 4 với diễn biến tương đối tích cực khi các chỉ số chính đều tăng điểm. Tính chung cho cả tháng 4, chỉ số Dow Jones tăng 2,5%, thành quả tốt nhất kể từ tháng 1; chỉ số S&P 500 tăng 1,5%, đánh dấu tháng tăng thứ 2 liên tiếp. Trong cả tuần trước, TTCK Mỹ được đẩy lên cao nhờ sự biến động lớn về cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn.

Cụ thể, ngày 26-4, giá cổ phiếu của Microsoft tăng 7,2% sau khi hãng này công bố kết quả kinh doanh quí 1-2023 khởi sắc vượt kỳ vọng. Meta Platforms cũng chứng kiến cổ phiếu tăng giá 15% trong tuần qua. Theo dữ liệu từ FactSet, cho đến nay, hơn một nửa số công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quí 1-2023. Trong số đó, có đến 80% công ty có lợi nhuận tốt hơn dự báo.

Trong tuần từ ngày 1 đến ngày 5-5 sẽ có các tin tức quan trọng xoay quanh cuộc họp của các ngân hàng trung ương Mỹ, châu Âu và Úc. Hiện thị trường dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 5. Tuy vậy, niềm tin này bị dao động trong những ngày gần đây, khi vấn đề của ngân hàng First Republic lại khơi dậy mối lo ngại đối với lĩnh vực ngân hàng Mỹ.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng được dự báo sẽ nâng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp vào ngày 4-5 với mức tăng 25 điểm cơ bản thay vì mức tăng lớn hơn (50 điểm cơ bản). Tuy nhiên, lạm phát cơ bản và dữ liệu cho vay mà ECB công bố trong những phiên đầu tuần này có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định trên.

Bên cạnh đó, trong phiên ngày 4-5, thị trường Mỹ cũng sẽ đón nhận kết quả kinh doanh từ Apple, công ty có vốn hóa lớn nhất với 2.600 tỉ đô la Mỹ. Cùng với các cổ phiếu vốn hóa lớn khác, Apple đã dẫn đầu đà phục hồi của chỉ số S&P 500 kể từ đầu năm 2023 đến nay. Tỷ trọng hơn 7% của Apple trong chỉ số S&P 500 lớn hơn toàn bộ lĩnh vực năng lượng và gần bằng nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy, nhà sản xuất iPhone dự kiến sẽ đạt doanh thu 93 tỉ đô la trong quí thứ 2 của năm tài khóa- giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, thu nhập trên mỗi cổ phần của Apple sẽ giảm gần 6% xuống còn 1,43 đô la/cổ phần.

Với TTCK trong nước, diễn biến của VN-Index sau kỳ nghỉ lễ dài nhiều khả năng vẫn sẽ trong trạng thái thận trọng, nhất là trong hai phiên cuối tuần này sau khi các nhà đầu tư đón nhận các thông tin liên quan đến cuộc họp của Fed. Thị trường hiện vẫn chịu tác động tiêu cực từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 1 không mấy khả quan của các doanh nghiệp.

Tháng 5 cũng là thời điểm tương đối trống vắng về mặt thông tin nên các “tay chơi lớn” trên thị trường có thể sẽ vẫn muốn chờ đợi thêm hiệu quả thật sự của các chính sách được ban hành trong thời gian qua trước khi ra các quyết định đầu tư quan trọng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới