Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Siem Reap – Xa mà gần

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Siem Reap – Xa mà gần

Bài: Đỗ Thành – Ảnh: Mai Lĩnh

Siem Reap có rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ đủ mọi giá, đáp ứng nhu cầu đa dạng cho du khách. Tất cả đều có tiện nghi và phục vụ tốt .

(TBKTSG Online) – Trong chuyến đi này, nhóm bốn người chúng tôi có hai người đến Campuchia lần đầu, hai bạn thì đã từng đi theo tour. Bàn bạc nhau, cả bọn thống nhất là dành nhiều thời gian cho Siem Reap, thăm thú các thắng cảnh, di tích thuộc quần thể Angkor và một số khác.

Trước khi đi, chúng tôi đã “vẽ” sơ lộ trình với nhau, dự tính sẽ nhập cửa khẩu Mộc Bài/Bavet cho lượt đi, lượt về sẽ từ Sihanouk Ville sang tỉnh Kampot rồi qua cửa khẩu Hà Tiên vào Việt Nam. Vì vậy ngay trong ngày đầu tiên chúng tôi đã đi một lèo hơn 500km. Mệt, nhưng cả bọn muốn dành thời gian ngoạn cảnh nhiều vì ai cũng có máu mê chụp ảnh.

Kỳ trước: >>> Rong chơi xứ Chùa Tháp.

Nhấn vào đây để xem thêm ảnh >>> Chợ đêm Siem Reap.

My Home – “Khu vườn nhiệt đới”

My Home guest house. Một khách sạn nhỏ đáng tin cậy ở Siem Reap.

Cũng như nhiều nơi du lịch khác, Siem Reap có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn, resort đủ hạng sao và đủ hạng giá. My Home – Tropical Garden Villa là một khách sạn nhỏ, chúng tôi đã có ba ngày lưu trú thoải mái ở đó. Đã đi nhiều nơi nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp một khách sạn yêu cầu du khách cởi giày dép để ngoài cửa, đi chân không vào phòng tiếp tân. Vào phòng ngủ khách mới mang dép của khách sạn. Khi ra hồ bơi ở sân sau, họ cũng để sẵn dép khác cho khách mang. Kể ra cũng hơi phiền, nhưng thái độ nhã nhặn đến lễ phép của nhân viên ở đây khiến chúng tôi không thấy phiền phức mà vui lòng 'nhập gia tùy tục'.

Khách sạn cung cấp Wi-Fi miễn phí. Phòng khách cũng có hai máy vi tính cho khách dùng 24/24. Ngoài bữa điểm tâm bao gồm cả cà phê hoặc trà miễn phí, nhà hàng mini của My Home phục vụ các bữa ăn theo yêu cầu (giá khá cao)… Nói chung, dịch vụ phụ trợ phục vụ 24/24 và khá đầy đủ. My Home cũng có xe đạp cho khách mượn đi, dù miễn phí nhưng xe rất tốt và một hồ bơi với quầy rượu, ghế nằm phơi nắng trong khung cảnh khá đẹp mắt và tiện nghi.

Gia đình chủ nhân My Home sống ở một ngôi nhà nằm sau khách sạn, có lối đi riêng. Suốt ba ngày, chúng tôi không hề thấy ông chủ và các con xuất hiện trong khu vực khách sạn, chỉ có bà chủ ra sân trước thắp nhang vào mỗi sáng sớm rồi lui ra khu nhà bếp và giặt giũ… Việc giao dịch, giải quyết mọi việc với khách do hai thanh niên chừng hơn 30 tuổi thay ca nhau trực tại quầy tiếp tân. Giúp việc cho hai anh quản lý này là mấy cô cậu rất trẻ đến làm thêm để kiếm tiền đi học. Quầy giải khát, ăn uống ở sân trước có ba cậu trai trẻ, thay nhau phục vụ từ 5g sáng đến 10g đêm. Tất cả đều nói tiếng Anh rành rẽ và đặc biệt rất nhiệt tình và lễ phép. Thái độ của các bạn phục vụ ở đây rất điềm đạm, thân thiện. Không gian yên tĩnh và chúng tôi có cảm giác an toàn, thoải mái.

Đi và nhìn ngắm…

Nhắc lại một chút, đi dọc con đường Xuyên Á (AH1) nối với cửa khẩu sang đất Việt Nam ở Tây Ninh, đi qua Phnom Penh đến Siem Reap, dù không chú ý chúng tôi vẫn nhận ra một điểm nổi bật là hầu như hai bên đường chỉ có các pano quảng cáo bia nội địa như Angkor, Anchor và Cambodia. Vào trong khu nội thành, các loại bia này cũng nổi bật. Suốt mấy ngày trời chỉ duy nhất một lần chúng tôi thấy lạc lõng bảng giới thiệu bia San Miguel mà thôi. Sau này, khi đến Sihanouk Ville, chúng tôi mới thấy có biển quảng cáo một loại rượu của Mỹ và bia Heineken. Nếu vào các khu chợ đêm, bạn có thể gặp các loại bia, rượu khác nhưng vào khách sạn, nhà hàng nhỏ thì hầu như chỉ có bia nội địa.

Về phương tiện di chuyển, Siem Reap không nhiều xe như Saigon hay Hà Nội. Nhiều nhất là tuk tuk, xe máy và xe du lịch. Hầu như không thấy taxi như ở Phnom Penh. Tìm hiểu mới biết là ở Siem Reap, có mấy công ty taxi, nhưng họ cung cấp phương tiện theo yêu cầu của khách; nghĩa là anh gọi điện thoại đến, tôi cho xe đến chở anh đi đâu anh muốn. Còn phương tiện thì có thể là tuk tuk hoặc xe du lịch đời mới (4 chỗ, 7 chỗ, 16 chỗ…). Không có dạng meter taxi (ô tô) chạy lòng vòng đón khách như các thành phố khác.

Trên mọi nẻo đường, ô tô cũng đa dạng, nhiều tên hiệu rất sang và đắt giá, các nhãn xe như Mercedes, BMW, Toyota nhiều lủ khủ và có cả Porghini, Rolls Royce. Xe Pháp rất ít, xe Mỹ cũng vậy, có lẽ vì dáng kềnh càng và hao nhiều nhiên liệu nên không được chuộng. Có xe tay lái thuận, có xe tay lái nghịch nhập từ Thái Lan, tuy nhiên cảnh sát giao thông ít khi chặn can thiệp trên đường.

Quan sát dọc đường, tôi thấy hầu hết xe máy hai bánh chỉ có người cầm lái đội mũ bảo hiểm, còn các người khác ngồi sau xe thấy không ai đội. Cứ thế, lúc nào, ở đâu cũng thấy xe máy chở ba người nhưng chỉ một người lái xe có mũ bảo hiểm, họ chạy trước mặt, cảnh sát giao thông cũng chẳng có phản ứng gì.

Cảnh sát giao thông mặc đồng phục, nhưng lại đi xe máy riêng chứ ít thấy dùng mô tô đặc chủng của đơn vị. Tất nhiên, họ cũng có loại mô tô phân khối lớn gắn đèn chớp và còi hụ, nhưng dường như chỉ dùng vào việc hộ tống yếu nhân hay ở các chốt quan trọng. Tác phong cảnh sát Campuchia (Phnom Penh và Siem Reap) rất thoải mái, đến mức lè phè! Có ông còn treo võng nằm ở góc ngã tư, hoặc mang dép cả lúc ra đường điều khiển giao thông!

Những anh chàng ‘tuk tuk’

Lái xe tuk tuk đội mũ bảo hiểm chỉ mang tính cách hình thức, có người còn không có mũ.

Nói về đi lại ở Campuchia, không thể bỏ qua giới lái xe tuk tuk. Hầu hết có thể nghe và nói tiếng Anh khá thông thạo, vừa đủ để giao tiếp thoải mái với du khách nước ngoài. Ở các điểm du lịch, phố chợ hoặc trước khách sạn, nhà trọ… không hề thấy cảnh tranh giành khách. Tuy nhiên, gặp bất kỳ bác tài tuk tuk nào đó lần đầu, khách luôn phải trả giá trước khi lên xe.

Thuộc dạng xe tự chế như xe lôi ở các tỉnh Nam bộ Việt Nam nên mỗi chiếc tuk tuk có lối trang trí, làm đẹp theo ý của chủ xe. Có xe bọc nệm da, gắn hai kính chiếu hậu lớn như ô tô và có gắn loa phát nhạc suốt dọc đường, tất nhiên là các bài hát của người bản xứ. Tính tình họ bặt thiệp, sẵn lòng giới thiệu với khách các nơi cần xem, dưới nóc xe gắn các hình ảnh để khác dễ thấy và không mè nheo đòi hỏi thêm tiền khi đã thỏa thuận nhau về thời gian hoặc hành trình trước.

Xem ra họ cũng dễ tính, cùng đi với nhau, hễ gặp bữa mời thì họ vui vẻ vào bàn với thái độ khiêm tốn. Họ nhiệt tình “thuyết minh” cho khách biết những điều thấy được dọc đường đi, vui vẻ dừng xe và chờ đợi khách chụp ảnh, giải thích những điều thuộc về tập quán sinh hoạt của người bản xứ.

Ngày cuối cùng ở Siem Reap, khi hoàn tất lộ trình đã vạch ra chúng tôi định quay về khách sạn để nghỉ ngơi một chút trước khi ăn tối rồi lên xe bus chạy suốt đêm xuống Sihanouk Ville. Anh tuk tuk thấy còn sớm nên hỏi chúng tôi có muốn viếng thăm khu người việt sinh sống ở Biển Hồ không? (đoạn đường này khá xa). Anh ta còn nêu ra mấy khu đền đài nhỏ dọc trên đường về, mô tả các đặc điểm của mỗi cụm tháp…

Anh em chúng tôi nói đùa với nhau “Nếu ở Việt Nam, thái độ của bác tài này sẽ được hiểu là ‘vẽ vời’ để lấy thêm tiền xe”. Nhưng bác tài này đã nói ngay từ đầu là anh ta thấy còn sớm nên muốn đưa chúng tôi đi thêm vài nơi mà không tính thêm tiền ngoài khoản đã thỏa thuận trước; “Vì tối nay các anh đi rồi, biết chừng nào trở lại Siem Reap nên đi thêm, biết thêm vài nơi càng hay”, anh ta nói. Nhưng chúng tôi cám ơn và từ chối, hẹn anh ta một dịp khác.

Theo tôi, đó là cung cách ứng xử đẹp mà tôi tin rằng muốn làm du lịch giỏi cần phải được xây đắp từ những điều nhỏ nhoi, đơn giản như thế. Chả nghe ai nói phải thế này, thế nọ song việc làm của các anh đã góp thêm một nét son khiến chúng tôi nhắc mãi sau khi từ giã vương quốc Chùa Tháp.

Chợ đêm Siem Reap

Khu chợ đêm mới bên kia sông chủ yếu là ca nhạc giải trí và ít hàng hóa hơn khu Pub Street ở chợ cũ.

Ở Siem Reap hiện có hai chợ đêm cùng hoạt động – một gọi là chợ Cũ và cái kia gọi là chợ Mới – chỉ cách nhau chừng vài trăm mét.

Khu chợ mới bao gồm khu vực thương mại bao gồm những đoạn phố đi bộ (Pub Street). Trời vừa nhá nhem, đèn màu giăng mắc khắp nơi, nhộn nhịp, rộn ràng. Các tiệm ăn, hàng quán tấp nập khách, bảng hiệu đua nhau chớp nháy, âm nhạc xập xình, khách du lịch đủ màu da, đủ quốc tịch sánh bước bên nhau. Gặp đúng đêm có chương trình trực tiếp truyền hình bóng đá, các màn hình khổ lớn treo tứ phía phục vụ mọi người cùng xem. Hai đầu phố, các xe mô tô của cảnh sát du lịch đậu hiền hòa, chẳng hỏi han đến ai.

Dọc dài xen với các nhà hàng, snack bar, quán kem, tiệm spa, vũ trường… có những dãy ghế nệm dựa ngửa mời khách du lịch thư giãn món mát xa chân sau một ngày lội bộ tham quan các di tích. Đặc biệt, mấy ông Tây bà đầm có vẻ thích ngồi ngâm chân vào hồ nước cho cá làm mát xa bằng cách rỉa liên tục hai bắp chân và bàn chân.

Xe tuk tuk đậu hàng dài bên ngoài khu phố đi bộ, khách nam giới dạo qua đây thế nào cũng gặp 'cò' mời dịch vụ 'vui vẻ'.

Đi qua đi lại trên phố là ‘bướm đêm’ mà chỉ nhìn thoáng qua, dù vô tư cách mấy cũng biết liền. Xen lẫn có những tay xe ôm hoặc tuk-tuk cò mồi mời chào, dụ khách ‘mua hoa’ hay mời lên xe hóng gió. Có anh còn dụ chiêu đãi món "free looking" nữa. Thì ra bất cứ ở đẩu ở đâu, cái món 'ấy' khó vắng mặt.

So với các chợ đêm dành cho khách du lịch ở Việt Nam thì cái chợ đêm Siem Reap này hơn hẳn về nhiều mặt. Từ các dịch vụ giải trí, thư giãn, ẩm thực cho đến hàng hóa bày bán rất phong phú. Về hình thức, bên cạnh những nhà hàng trang trí theo phong cách Angkor cũng có những quán trông chẳng khác đang ở một nơi nào đó ở xứ Tây. Tất cả nằm cạnh nhau hài hòa một cách dễ chịu; không xô bồ, hỗn độn.

Trong khu vực bán vải vóc, áo quần và các mặt hàng lưu niệm, khách ra vào nườm nượp. Ở cuối dãy hàng là một sân khấu nhỏ, khán giả lưa thưa (vì ai cũng mải đi xem hàng, chọn mua hàng là chính) nhưng các vũ công và dàn nhạc truyền thống Khmer vẫn giữ chương trình biểu diễn liên tục với các tiết mục ca múa nhạc của họ với thái độ trân trọng, nhiệt tình và nghề nghiệp một cách đáng quý. Và không thể bỏ qua một điều đáng quý ở giới kinh doanh bán lẻ ở đây. Khách mua hàng thoải mái trả giá, thoải mái yêu cầu xem hàng rồi dù mua hay không, chẳng bao giờ khiến người bán nhăn nhó, bực mình. Lúc nào họ cũng nhã nhặn và tỏ ra lịch sự với khách xem hàng.

Chúng tôi không có điều kiện tìm hiểu xem du khách mua hàng ở đây có phả trả giá cao hơn so với một người địa phương cùng mua một thứ như nhau hay không; nhưng tính toán vẫn thấy giá cả khá ‘phải chăng’, hợp lý. Một bạn trong nhóm chúng tôi từng mua hàng ở chợ đêm này từ năm trước, lần này anh đem đây tấm ảnh chụp một cô bán hàng trong chợ này sang tặng cho cô. Cô bán hàng – chắc không nhớ khách – nhưng bất ngờ được tặng tấm hình cô tỏ ra xúc động, vui vẻ cám ơn rối rít. Hóa ra lần này sang Siem Reap, anh bạn này còn nhận mua giúp mấy người bạn ở Nha Trang vài chiếc áo theo kiểu áo anh ta đã mua lần trước ở Siem Reap.

Kỳ sau: Phế tích Angkor

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới