Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Siêu thị ‘bảo chứng’ ra sao trước niềm tin của người tiêu dùng?

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trước nỗi lo ngại về chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn mua sắm hàng hóa tại siêu thị, trung tâm thương mại và chủ yếu dựa trên sự tin tưởng. Họ gửi gắm niềm tin rằng chủ siêu thị đã có quy trình sàng lọc, kiểm định gắt gao cũng như bảo quản tốt khi đưa hàng hóa lên kệ bày bán, đặc biệt trong bối cảnh việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn và chưa trở thành thói quen.

Thế nhưng thực tế cho thấy không hẳn vậy, nhất là gần đây xuất hiện một số chuỗi cửa hàng tiện ích và siêu thị dán tem tiêu chuẩn VietGAP cho rau xanh được lấy từ chợ, hoặc nấm Trung Quốc "hô biến" thành nấm Việt Nam… đã khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang lẫn bức xúc.

Người tiêu dùng hoang mang khi truyền thông tố một số chuỗi bán lẻ bán rau gắn VietGAP được lấy từ chợ đầu mối hoặc nấm Trung Quốc biến thành hàng Việt. Ảnh minh họa: SGTT

Tạm ứng niềm tin... và nhận về sự thất vọng

Hơn một tuần trở lại đây, sau vụ việc rau từ chợ đầu mối và nấm có nguồn gốc từ Trung Quốc được gắn mác rau VietGAP, nấm Việt Nam bày bán ở một số cửa hàng và siêu thị, chị Nguyễn Thu Huyền (quận 1, TPHCM) đã ngừng đến các điểm mua sắm này. Nhiều năm qua, chị Thu Huyền là khách hàng quen thuộc của hệ thống siêu thị nêu trên, chấp nhận mua rau củ quả với giá cao gấp 2-3 lần mặt hàng tương tự ngoài chợ vì tin tưởng hàng hóa đảm bảo và an toàn.

Chia sẻ quan điểm của mình, chị Thu Huyền cho biết bản thân đã choáng váng khi đọc được các thông tin về câu chuyện "đội lốt" nông sản VietGAP, bởi khi mua sắm chị hoàn toàn đặt niềm tin vào các nhà phân phối. Cũng chính vì sự tin tưởng nên chị không để ý truy xuất nguồn gốc. Trước hết là do không có thời gian, sau đó là do không có nhiều thông tin về việc này. Khi cảm thấy niềm tin bị mất đi nơi hệ thống siêu thị mà mình đã lựa chọn, chị quay trở về với ngôi chợ nhỏ gần nhà. “Tôi không muốn mua sắm ở các siêu thị không quản lý chất lượng hàng tươi sống. Hàng tươi sống tiêu dùng mỗi ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, vậy khi họ trộn lẫn các mặt hàng khác có tin được vào chất lượng hay không?”, chị Thu Huyền nói.

Trong khi đó, đại diện một chủ cơ sở bán rau quả hữu cơ ở TPHCM cũng bị vạ lây khi hàng loạt khách quen gần đây cứ liên tục đặt câu hỏi về chất lượng hàng hóa của cơ sở này có phải là rau “organic” thật sự không?

“Chúng tôi đang bị vạ lây thật sự sau khi truyền thông lật tẩy một số chuỗi siêu thị và cửa hàng bán lẻ lớn lấy rau ở chợ gắn VietGAP và nấm Trung Quốc gắn mác hàng Việt”, đại diện cơ sở rau quả hữu cơ này chia sẻ, và chị cho biết dù giải thích thế nào các khách hàng thân thiết lâu nay cũng có vẻ e ngại vì thực tế họ chi tiền gấp 3 hoặc gấp 4 lần so với hàng ở chợ để mua rau quả đạt chứng nhận organic.

“Người tiêu dùng phần nào đang bị hoang mang và mất niềm tin về rau quả tươi có chứng nhận chất lượng sau vụ việc không hay ở một số siêu thị”, nhà sáng lập thương hiệu rau hữu cơ chia sẻ, và cho rằng cơ quan quản lý cần vào cuộc sớm.

Tại cuộc họp về công tác quản lý chất lượng nông thủy sản cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cũng cho rằng sự việc rau không rõ nguồn gốc xuất xứ đội lốt VietGAP vào các hệ thống bán lẻ đã tác động không nhỏ đến uy tín của các doanh nghiệp chân chính. Tuy nhiên, tình trạng này không thể tránh khỏi bởi thực tế việc quản lí, giám sát còn lỏng lẻo.

Quyền lợi của người tiêu dùng ở đâu?

Người tiêu dùng hoang mang và bức xúc hơn khi thấy sự phản hồi của một số chủ chuỗi bán lẻ khi bị lật tẩy kiểu kinh doanh “treo đầu dê bán thịt chó” nói trên phần lớn đổ dồn trách nhiệm vào các nhà cung cấp của mình.

Sau khi bị tố bán rau hàng từ chợ, nấm Trung Quốc gắn mác “VietGap”, động thái của các chuỗi bán lẻ Winmart+, Bách Hóa Xanh, Tiki Ngon, 3Sạch... là thu hồi và ngưng nhập hàng của các nhà cung cấp. Đồng thời các nhà bán lẻ này yêu cầu các nhà cung cấp giải thích về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và quy trình cung ứng.

Hầu hết chuỗi bán lẻ đều khẳng định tuân thủ quy định kiểm soát hàng hóa và quy trách nhiệm nhà cung cấp vi phạm hợp đồng, đánh tráo, gian lận nhãn hiệu và hàng hóa…

Trong khi đó, người tiêu dùng cho rằng họ đến mua hàng tại siêu thị tức là hàng hóa đó của siêu thị, họ không biết nhà cung cấp nào đưa hàng vào siêu thị bán. Chủ siêu thị phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên khi đưa hàng hóa lên kệ của mình. Người tiêu dùng cho rằng họ tin tưởng vào thương hiệu của siêu thị để đến mua hàng hóa chứ không phải họ tin vào hàng hóa để đến siêu thị đó mua hàng.

Nói về vấn đề này, luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cho rằng nhà bán lẻ, chủ siêu thị bán sản phẩm không đúng nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, nhãn hiệu... thì phải chịu trách nhiệm đối với người tiêu dùng chứ không thể đổ hết trách nhiệm cho nhà cung cấp.

“Đơn vị bán hàng ký hợp đồng với nhà cung cấp thì phải có trách nhiệm nắm rõ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm nhà cung cấp cung cấp cho mình và phải chịu trách nhiệm về sản phẩm đơn vị bán ra”, bà Việt Thu nêu ý kiến.

Trước việc một số đơn vị bán lẻ khẳng định “sẽ bồi thường cho người tiêu dùng về thiệt hại vật chất, tinh thần”, tuy nhiên, theo luật gia Việt Thu, người tiêu dùng không có đủ cơ sở để họ bồi thường, trừ khi ăn sản phẩm mua tại cửa hàng bị ngộ độc, trong khi nếu sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ có tác động tới sức khỏe lâu dài. Chưa kể, người tiêu dùng ít có thói quen giữ lại hóa đơn mua hàng để có cơ sở khiếu nại.

Các nhà cung cấp triển lãm sản phẩm để xem xét cơ hội đưa hàng hóa vào một chuỗi bán lẻ lớn. Ảnh minh họa: L.H

Không bình luận chuyện của các chuỗi bán lẻ khác, nhưng ông Kazaoka Takao, Phó tổng giám đốc, phụ trách khối thu mua của Aeon Việt Nam, cho biết Aeon thường nhắc nhở với bộ phận mua hàng của mình rằng dù không phải do mình sản xuất nhưng những sản phẩm bán trên quầy kệ của nhà bán lẻ này cũng chính là sản phẩm của Aeon. Do đó, Aeon luôn đào tạo người mua hàng rằng phải xem thực sự đây là sản phẩm do của mình mua về và đào tạo họ về kỹ năng mua hàng đảm bảo yêu cầu Aeon đề ra, đồng thời có biện pháp quản lý, kiểm soát hàng hóa tuyệt đối an toàn và đạt chất lượng trước khi đưa lên quầy kệ.

Còn theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, trách nhiệm của chuỗi bán lẻ là phải có hệ thống quản lý chất lượng, lấy mẫu hàng kiểm nghiệm hàng đêm, hàng tuần, hàng tháng; nếu phát hiện sản phẩm không đạt chuẩn thì trả lại hàng cho nhà cung cấp.

“Các siêu thị phải lựa chọn nhà cung cấp kỹ lưỡng” bà Lan nói, và cho rằng: “Theo quy định, nhà cung cấp phải có giấy tờ chứng minh đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Siêu thị không thể nói là “không biết””, bà Lan nhấn mạnh. Tình trạng nhập nhằng rau gắn mác VietGAP bán trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi thuộc trách nhiệm cả nhà cung cấp và nhà bán lẻ (siêu thị, cửa hàng).

Quy trình thu mua và kiểm định chất lượng hàng hóa tại các siêu thị ra sao

Sau vụ việc gian lận nói trên, hàng loạt các hệ thống siêu thị đều khẳng định quy trình kiểm soát, thẩm định đầu ra và đầu vào “rất chặt chẽ”, với nhiều bước: từ đánh giá năng lực nhà cung cấp, kiểm tra truy xuất nguồn gốc, thẩm định chất lượng sản phẩm đến khâu kiểm tra nhanh hoặc tái đánh giá, kiểm định lại chất lượng...

Dù tự đánh giá quy trình kiểm soát chặt chẽ nhưng đại diện một hệ thống siêu thị cũng thừa nhận khó kiểm soát 100% hàng hóa nếu nhà cung cấp cố tình dùng chiêu trò nhất là đối với hàng rau quả tươi.

Bởi lẽ do quy mô sản xuất nông nghiệp hiện nay còn nhỏ lẻ, không đủ lượng hàng thường xuyên cũng như các thủ tục, chính sách thu mua còn khó khăn, không có hóa đơn đầu vào - đầu ra nên các siêu thị “vẫn cần đơn vị trung gian”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho biết, trước đây, Ban An toàn Thực phẩm thành phố cũng kiểm tra vùng trồng rau củ của một số chuỗi bán lẻ nhưng thực tế số lượng trồng rất ít, không đủ cung cấp và họ ký hợp đồng với nhà cung cấp.

Tuy nhiên, theo một đơn vị lớn sản xuất nông nghiệp theo chuẩn VietGAP, thực tế rất ít nhà nông chấp nhận làm theo chuẩn VietGAP vì họ không có thói quen tuân thủ quy định chung. Cụ thể trong hàng nghìn hộ đăng ký tham gia nhưng chỉ có vài trăm hộ đạt tiêu chuẩn. Nhiều hộ làm được một thời gian bỏ ngang vì quy định khắt khe.

Theo bà Vũ Thị Hậu, để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, cơ quan nhà nước có biện pháp để kiểm tra, kiểm soát trên quy mô lớn hơn, có sự kiểm tra chéo. Ngoài ra, các địa phương tăng cường nâng cao công tác quản lý chất lượng nông sản trên địa bàn, đặc biệt làm thế nào để tăng cường sản xuất nông sản trái vụ.

'Rào cản' quan trọng nhất vẫn phải là chất lượng

Trong chiến lược của các nhà bán lẻ, các hệ thống siêu thị đều muốn đa dạng hóa nguồn hàng và có chính sách hỗ trợ cho nhà cung ứng, đặc biệt là các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa,… Vì vậy, họ hướng dẫn, huấn luyện cho doanh nghiệp cung cấp về thủ tục, xây dựng nhãn hiệu, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng… để sản xuất, cung ứng phù hợp.

Các cơ sở trồng rau quả tiêu chuẩn VietGap hay rau quả hữu cơ cho biết họ đang bị vạ lây sau ồn ào thông tin các siêu thị bán rau VietGAP được lấy từ chợ. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Trong khi đó với các nhà sản xuất thì chuỗi cửa hàng hiện đại, siêu thị hay trung tâm thương mại được xem là kênh quảng bá thương hiệu và sản phẩm đến người tiêu dùng hiệu quả và có độ phủ cao. Đáng chú ý, Giám đốc tiếp thị của một hệ thống bán lẻ lớn tại TPHCM cho rằng sự hiện diện của sản phẩm nào đó trên quầy kệ siêu thị xem như được bảo chứng cho thương hiệu, chất lượng và mang về giá trị vô hình lâu dài… cho nhà sản xuất và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc đưa được hàng hóa vào siêu thị, chuỗi cửa hàng vẫn là thách thức rất lớn và là câu chuyện khó khăn muôn thuở mà các nhà sản xuất nhỏ và vừa trong nước thường than phiền, trong đó bộ phận thu mua luôn làm khó nếu doanh nghiệp không biết điều.

Cụ thể ngoài vấn đề thủ tục hồ sơ, nhiều doanh nghiệp cho biết họ phải chấp nhận “bôi trơn, lót tay” cùng hàng loạt chi phí khác để sản phẩm được vào siêu thị và có thể được “chăm sóc” tốt, trụ được trên quầy kệ lâu dài.

Do đó, để vào được siêu thị hoặc được “chăm sóc” tốt tại quầy kệ, một số doanh nghiệp sẵn sàng “bôi trơn” cho bộ phận thu mua của siêu thị hoặc chấp nhận chịu chiết khấu cao cho nhà bán lẻ. Đây được xem là mấu chốt khá quan trọng mà theo giới phân tích nếu các nhà bán lẻ không quản lý, kiểm soát tốt bộ phần thu mua của mình thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng hàng hóa bán theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” như một số chuỗi bán lẻ nói trên bị phanh phui.

Từng làm bộ phận thu mua của một hệ thống bán lẻ, người này đặt câu hỏi: tại sao cùng mặt hàng và nhà cung cấp nhưng tại hệ thống bán lẻ chỉ với 1-2 siêu thị lại có giá bán thấp hơn chuỗi siêu thị có hàng chục điểm bán? Người này tin chắc rằng đó là do chủ siêu thị có 1-2 điểm bán quản lý tốt bộ phận thu mua nên các nhà cung cấp không phải tốn chi phí “lót tay” để hàng hóa vào siêu thị có giá cạnh tranh.

Trong khi đó, nếu chấp nhận phải “bôi trơn” cho bộ phận thu mua hoặc phải trả chiết khấu quá cao cho hệ thống bán lẻ thì buộc nhà cung cấp phải tìm cách lấy lại các khoản chi phí đó để bù đắp.

“Khoản bù đắp đó nhà cung cấp sẽ lấy lại từ đâu?”, người này đặt vấn đề, và tự trả lời: “Phải chăng là họ phải giảm chất lượng hàng hóa, trà trộn sản phẩm kém chất lượng vào… nên mới dẫn đến tình trạng gian lận đánh lận con đen”.

Người này tiếp tục chia sẻ, một khi bộ phận thu mua đã thỏa hiệp hoặc “nhúng chàm” với nhà cung cấp thì liệu họ có tố giác hoặc không nhận hàng hóa không đúng chất lượng? “Tôi nghĩ điều này chỉ xảy ra khi có biến cố lớn như người sử dụng bị ngộ độc sản phẩm, hoặc bị cơ quan quản lý phát giác, truyền thông phát hiện… ”, ông này nói thêm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng trong quá trình Ban An toàn Thực phẩm TPHCM kiểm tra cũng đã phát hiện có những siêu thị, bếp ăn tập thể chỉ ký hợp đồng với công ty sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP..., nhưng trên thực tế lại mua hàng của công ty rất ít chứ số lượng không nhiều như hàng bán.

Bà Lan cũng cho rằng, để hàng vào được siêu thị là không dễ. Nói về rau củ quả, theo bà Lan, chính siêu thị đã có hệ thống theo dõi, quản lý, kiểm nghiệm nội bộ ở ngay tại cánh đồng, thực phẩm không đủ điều kiện sẽ bị trả hàng ngay lập tức.

"Câu hỏi đặt ra là liệu siêu thị có đang hiểu rõ nhà cung cấp của mình không? Bởi, họ là người trả tiền mua hàng thì phải nắm thông tin, chất lượng hàng hóa”, bà Lan nói, và cho rằng: “Điều kiện tiên quyết để hàng vào siêu thị là chiết khấu, nhưng quan trọng là chất lượng. Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng, nếu không lưu tâm chất lượng sẽ mất tất, cả uy tín thương hiệu”, Trưởng ban Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM lưu ý.

1 BÌNH LUẬN

  1. Cảm thấy hoang mang! Giờ biết tin ai! Cũng tính đầu tư hệ aquaponic sân thượng để tự cứu mình: dưới nuôi cá, tôm, trên trồng rau xanh nhưng chi phí nhiều quá! Thôi thì ‘trời sanh voi sanh cỏ’: phó thác cho ông trời thôi!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới