(KTSG Online) - Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) sẽ linh hoạt trong việc áp dụng quy định và công nghệ để xử lý vấn đề "tẩy rửa xanh" (greenwashing), vốn được cơ quan giám sát tài chính và tiền tệ này xem là mắt xích yếu nhất trong phát triển tài chính bền vững.
Các định chế tài chính phải trải qua sát hạch
"Greenwashing” hay còn gọi là “tẩy rửa xanh” là khái niệm còn khá mới mẻ đối với giới tài chính, ngân hàng. Tuy vậy, khi nhắc đến hành vi tương tự rửa tiền hay chuyển sang “tài chính xanh” hay “tài chính bền vững” thì khái niệm này hoàn toàn dễ hiểu hơn. Chẳng hạn, như tập đoàn dầu khí đa quốc gia ExxonMobil của Mỹ luôn nói rằng họ đang nỗ lực cắt giảm lượng khí phát thải, để có lợi cho cổ phiếu của hãng trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, trên thực tế lượng khí CO2 của ExxonMobil thải ra lại gia tăng. Như vậy, tập đoàn này đã rửa xanh hoạt động khai thác dầu khí.
Greenwashing là một kỹ thuật tiếp thị bẩn được thiết kế để đánh vào mối quan tâm của người tiêu dùng thế hệ trẻ và thế hệ Z. Đó là hoạt động tung ra các quảng cáo, chiến dịch tiếp thị hoặc các dòng sản phẩm tuyên bố là bền vững với môi trường, trong khi thực tế các doanh nghiệp lại ít triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.
Các ngân hàng ở Singapore phải trải qua các cuộc kiểm tra chặt chẽ từ năm tới và phải công bố các thông tin nhằm bảo đảm họ đang quản lý các rủi ro có liên quan đến biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường khác – Ravi Menon, Giám đốc điều hành MAS, trả lời phỏng vấn của Bloomberg. Ông cũng nói rằng việc MAS cũng yêu cầu xác minh dữ liệu bằng công nghệ có thể chứng thực nguồn gốc của các sản phẩm tài chính xanh.
Ông Menon cho rằng tiềm năng của các hoạt động "rửa xanh" đang tăng lên khi có nhiều ngân khoản được phân bổ cho các dự án bền vững. Các cổ phiếu và quỹ được đánh giá cao về các chỉ số môi trường, xã hội và quản trị đã thu hút hàng nghìn tỉ đô la đầu tư trong những năm gần đây.
Nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương Singapore cho rằng việc thực hiện các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt buộc các ngân hàng sẽ phải xử lý tốt hơn các rủi ro khí hậu liên quan đến người vay, khách hàng và chuỗi cung ứng của họ. “Điều đó sẽ ngày càng trở thành một kỳ vọng của cơ quan giám sát,” ông nói.
Singapore đã khởi động chương trình quốc gia dùng trí tuệ nhân tạo để giúp phân tích rủi ro cho ngành tài chính - với tên là NovA! - tại Lễ hội Fintech Singapore (SFF) khai mạc hôm 8-11. Một phần của chương trình là sự hợp tác giữa ngân hàng đóng tại và các công ty fintech để đánh giá tác động môi trường của các công ty và xác định các rủi ro môi trường đang nổi lên, cũng như kiểm tra việc chống "rửa xanh" - Phó Thủ tướng Heng Swee Keat phát biểu tại SFF.
Thông tin mới trong bản cáo bạch
MAS đang phối hợp cùng ngân hàng trung ương các nước ở Anh, châu Âu và Canada trong việc đánh giá liệu các định chế tài chính trong nước đã xem xét các tác động của biến đổi khí hậu đối với các hoạt động kinh doanh, từ bất động sản đến các khoản vay của doanh nghiệp, trong các quyết định cho vay hay không.
Bắt đầu từ năm tới, tất cả các công ty niêm yết ở Singapore, bao gồm cả các ngân hàng, sẽ cần phải công khai thông tin phù hợp với các khuyến nghị từ lực lượng đặc nhiệm của nhóm G20 về tiết lộ tài chính liên quan đến khí hậu. Menon cho biết việc tiết lộ bắt buộc cũng sẽ mở rộng đối với các sản phẩm quỹ ESG (môi trường, xã hội và quản trị) bán cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Tại châu Âu, dòng tiền vào quỹ ESG đã tăng lên trong quí trước sau khi EU đưa ra các yêu cầu công bố thông tin mới để giúp khôi phục niềm tin vào một thị trường bị ảnh hưởng bởi các cáo buộc tẩy rửa. Thị trường ESG tại đây đã bị cáo buộc là thổi phồng và thậm chí sai sự thật về những lợi ích mà các khoản đầu tư mang lại. Vào tháng 3, EU đã thông qua quy định tiết lộ tài chính bền vững (Sustanable Fund Disclosure Regulation – SRDR), Đây được xem là biện pháp lịch sử nhằm thiết lập tốc độ “xanh hóa” cho các yêu cầu toàn cầu.
Cùng với các ngân hàng lớn trên toàn cầu, các tổ chức cho vay ở Singapore đã bắt đầu giảm “dính dấp” với một số ngành liên quan đến biến đổi khí hậu, chẳng hạn như than đá. DBS Group Holdings Ltd., Oversea-Chinese Banking Corp. và United Overseas Bank Ltd., ba ngân hàng lớn của Singapore và cũng là ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á tính theo tài sản, đã cam kết ngừng tài trợ cho các dự án nhiệt điện than mới, chỉ tiếp tục thực hiện những cam kết trước đó.
Nhiều nền kinh tế mới nổi trong khu vực như Việt Nam và Indonesia vẫn dựa vào than đá, được coi là “loại nhiên liệu gây ô nhiễm nhất thế giới”. Dầu cọ là ngành công nghiệp chính khác ở Đông Nam Á thường liên quan đến nạn phá rừng và khói mù.
Khi được hỏi liệu MAS có yêu cầu các ngân hàng địa phương hạn chế tài chính đối với các dự án liên quan đến dầu cọ hay không, ông Menon cho biết cơ quan quản lý không bao giờ đưa ra tuyên bố về bất kỳ lĩnh vực cụ thể nào.
“Đây là những vấn đề chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng. Bạn không nên vội nói rằng hoạt động này là không có lợi, và bạn không nên đầu tư vào, hoặc bạn không nên cho vay để tài trợ cho dự án đó”, người đứng đầu ngân hàng trung ương Singapore phát biểu.
Ông cho rằng người dân và doanh nghiệp cần được cung cấp "những lựa chọn thay thế xanh hơn" cho bất cứ điều gì họ đang làm không thân thiện với môi trường. Các ngân hàng có thể cung cấp tài chính để giúp các trang trại trồng cọ dầu chuyển sang loại hình kinh doanh khác, nếu có và khi có sẵn giải pháp thay thế.
“Vì vậy, nếu trong thời gian 5 hoặc 10 năm, cách thức canh tác dầu cọ được cải tiến, thì giới tài chính, những người cho vay cần phải quan tâm hơn. Họ có thể làm việc với nông dân, những người đi vay để cải thiện cách thu hoạch dầu cọ nhằm giảm thiểu nạn phá rừng” ông Menon xác tín.
Theo Bloomberg, Straits Times