Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Singapore cảnh báo nền kinh tế toàn cầu trả giá vì căng thẳng Mỹ – Trung

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cho rằng, nền kinh tế toàn cầu nên chuẩn bị cho bất ổn khó lường trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tuột dốc vì các vấn đề thương mại và địa chính trị.

Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong trò chuyện chuyện tại một cuộc hội thảo đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Lý Quang Diệu ở Singapore hôm 14-8. Ảnh: IPS

Trò chuyện tại một cuộc hội thảo đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Lý Quang Diệu ở Singapore hôm 14-8, ông Lawrence Wong, người sẽ kế nhiệm chiếc ghế Thủ tướng tương lai của đảo quốc sư tử, nhấn mạnh: “Cạnh tranh khốc liệt, gay gắt sẽ là đặc điểm nổi bật trong mối quan hệ song phương (giữa Mỹ và Trung Quốc)”.

Mối quan hệ xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc đang tác động đến nền kinh tế toàn cầu vào thời điểm nhu cầu hàng hóa đang suy giảm mạnh. Singapore, nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại. đối mặt với triển vọng tăng trưởng chậm hơn trong bối cảnh phục hồi ở Trung Quốc đang chững lại và kỳ vọng tăng trưởng hạ nhiệt ở Mỹ.

Lawrence Wong Singapore cảnh báo sự “cạnh tranh cực độ” giữa Mỹ và Trung Quốc, với việc hai bên tung ra các các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nhau, có thể là “thảm họa” đối với nền kinh tế toàn cầu.

“Chúng tôi đã thấy sự phân nhánh trong lĩnh vực chip bán dẫn cao cấp. Và tôi chắc chắn rằng sự phân phân nhánh này sẽ mở rộng sang các lĩnh vực mới, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ đang gây tranh cãi như điện toán lượng tử hoặc trí tuệ nhân tạo”, Phó Thủ tướng Lawrence Wong nói khi đề cập đến các chính sách của Mỹ nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip cao cấp.

Ông tin rằng các biện pháp hạn chế khác nhau của phương Tây nhắm vào việc Bắc Kinh tiếp cận các công nghệ tiên tiến khó có thể “kìm hãm Trung Quốc”.

Phó Thủ tướng Lawrence Wong cho biết chính sách Trung Quốc của Washington được coi là “vấn đề lớn của thế giới”.

Ông cho rằng khi nói đến vấn đề an ninh, các quốc gia nhìn chung đều nhận thức được những thiệt hại phụ liên quan đến việc sử dụng một số loại vũ khí có sức sát thương trên phạm vi rộng. Nhưng vì trước đây, thế giới chưa từng chứng kiến sử dụng các biện pháp tài chính trong các tranh chấp song phương – như cuộc đối đầu Mỹ-Trung hiện nay – “thiệt hại phụ” do việc sử dụng chúng gây ra là vẫn là ẩn số.

“Chuyển động từ cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ dẫn chúng ta đến một con đường thảm khốc đối với nền kinh tế toàn cầu”, ông nói.

Trong diễn biến mới nhất về cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường này, Tổng thống Joe Biden tuần trước ký một sắc lệnh hành pháp cấm đầu tư mới của Mỹ vào Trung Quốc ở các lĩnh vực nhạy cảm như điện toán lượng tử, chip tiên tiến và trí tuệ nhân tạo (AI).

Khi được hỏi về tác động của các hạn chế công nghệ của phương Tây đối với Trung Quốc, nhà lãnh đạo số 2 của Singapore, nhận định các nỗ lực hiện đại hóa khác nhau của Trung Quốc, bao gồm cả quân sự,  khó có thể bị chệch hướng.

“Các hạn chế này sẽ làm chậm khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các năng lực công nghệ cao cấp ở một mức độ nào đó, nhưng sẽ không ghìm Trung Quốc xuống mãi được”, ông nói.

Các nước trong khu vực đang bị đặt vào sự lựa chọn khó khăn giữa việc đứng về phía Mỹ hay Trung Quốc trong bối cảnh các căng thẳng địa chính trị ngày càng gay gắt bao gồm cả vấn đề Đài Loan.Ông cho rằng hiện tại, “không có sự cân bằng” trong quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời cho biết thêm. Singapore muốn duy trì quan hệ chặt chẽ với cả hai.

“Sẽ có một cái giá phải trả cho một nền kinh tế toàn cầu không xuất phát từ tính hiệu quả kinh tế mà là những cân nhắc và yêu cầu cấp bách về địa chính trị và an ninh”, vị lãnh đạo này lưu ý thêm, điều đáng lo ngại là môi trường bên ngoài ngày càng trở nên ít thân thiện hơn với ới các quốc gia nhỏ như Singapore.

Wong, người được cho là sẽ kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long vào khoảng thời gian bầu cử vào năm 2025, cảnh báo về những “tai nạn và tính toán sai lầm” có thể xảy ra khi hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới đối đầu tại các điểm nóng địa chính trị trong khu vực, bao gồm cả eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Những căng thẳng đó sẽ dẫn đến những rủi ro gia tăng đối với tăng trưởng trong khu vực. Tuần trước, Bộ Công thương Singapore đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của đất nước xuống còn  0,5 -1,5% , thay vì 0,5 -2,5% như dự báo trước đó.

Theo Bộ Thương mại Singapore, năm nay, Singapore vẫn tự tin tránh được suy thoái kinh tế, trong bối cảnh hoạt động của các doanh nghiệp liên quan đến hàng không và du lịch vẫn mạnh mẽ, cũng như các lĩnh vực hướng tới người tiêu dùng như thương mại bán lẻ và dịch vụ thực phẩm và đồ uống được kỳ vọng tăng trưởng.

Theo Bloomberg, SCMP

1 BÌNH LUẬN

  1. Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chưa chắc chết. Trong một thế giới đa cực, cạnh tranh, đầy màu sắc, mọi nền kinh tế đều phải tự trang bị cho mình một động lực phát triển đa dạng. Nếu cứ mãi phụ thuộc vào các ông lớn, làm sao các ông nhỏ lớn nổi thành người ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới