Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Singapore cảnh báo rủi ro thị trường vốn toàn cầu rối loạn

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) cảnh báo “rối loạn tiềm ẩn” trên các thị trường vốn ngắn hạn toàn cầu và căng thẳng thanh khoản đối với các công ty tài chính có thể lan sang các ngân hàng và doanh nghiệp trong bối cảnh rủi ro đối với sự ổn định tài chính quốc tế ngày càng gia tăng.

MAS kêu gọi các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao hoặc có dự trữ tiền mặt thấp tìm cách củng cố vị thế thanh khoản và quản lý thời hạn đáo hạn nợ của họ. Ảnh: Reuters

Trong báo cáo đánh giá hàng năm được công bố hôm 25-11, MAS kêu gọi các ngân hàng trung ương đẩy mạnh vai trò là nhà tạo lập thị trường trong trường hợp căng thẳng thanh khoản xuất hiện, có thể gây ra gián đoạn nghiêm trọng trên các thị trường vốn ngắn hạn cốt lõi. MAS xem đây là vấn đề rủi ro tức thời nhất đối với sự ổn định tài chính toàn cầu.

MAS cho biết: “Các biện pháp can thiệp có mục tiêu và mang tính tạm thời nhằm làm dịu sẽ giúp tránh gián đoạn trong hoạt động của thị trường mà không cản trở việc thắt chặt chính sách tiền tệ cần thiết để ứng phó áp lực lạm phát trong nền kinh tế”.

MAS là tổ chức quản lý tiền tệ mới đây nhất đã cảnh báo rủi ro về sự ổn định tài chính đang gia tăng khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới chống lại lạm phát bằng chiến dịch tăng lãi suất. Đầu tháng này, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng đã cảnh báo sự kết hợp độc hại giữa suy thoái, lạm phát tăng cao, chi phí vay đắt đỏ và thanh khoản thấp hơn đang đe dọa sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính ở khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) gồm 19 nước thành viên.

Các biến động tài chính ở Anh, nơi ngân hàng trung ương buộc phải hành động để ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường trái phiếu chính phủ, và Hàn Quốc cho thấy rõ tình trạng mong manh hiện tại của thị trường vốn. Với lợi suất nợ ngắn hạn ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, các cơ quan quản lý ở Hàn Quốc gần đây đã gấp rút ngăn chặn khủng hoảng tín dụng sau vụ vỡ nợ của một nhà phát triển bất động sản bằng cam kết bơm ít nhất 50.000 tỉ won (38 tỉ đô la Mỹ) vào thị trường trái phiếu.

Theo báo cáo của MAS, các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và thị trường biến động mạnh có thể dẫn đến mất cân bằng thanh khoản mà các ngân hàng trung ương và cơ quan tài chính cần giải quyết thỏa đáng để tránh dẫn đến việc thanh lý tài sản một cách mất trật tự.

MAS nhận thấy nền kinh tế toàn cầu đang bị bủa vây bởi lãi suất tăng, lạm phát cao hơn, tăng trưởng chậm lại, các căng thẳng địa chính trị leo thang cùng với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã che khuất triển vọng ổn định tài chính.

Các bài kiểm tra căng thẳng (stress test) của MAS tại Singapore cho thấy khu vực doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình đều có khả năng chống chịu tốt. Tuy nhiên, theo MAS, những khu vực này nên chuẩn bị cho các điều kiện tài chính vĩ mô khó khăn hơn khi các chỉ số về tổn thương tài chính trong nước đã tăng lên. MAS đánh giá các doanh nghiệp Singapore nhìn chung có các vùng đệm đầy đủ để giảm nhẹ tác động của các cú sốc doanh thu, chi phí kinh doanh và lãi suất. Cơ quan này kêu gọi các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao hoặc có dự trữ tiền mặt thấp tìm cách củng cố vị thế thanh khoản và quản lý thời hạn đáo hạn nợ của họ.

MAS cho biết hầu hết các hộ gia đình ở Singapore dường như đều có khả năng chống chọi tốt với các cú sốc về thu nhập và lãi suất, đồng thời tỷ lệ các khoản vay thế chấp xấu dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, có một số hộ gia đình được cho là dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc bất lợi, vì vậy, cần phải thận trọng về việc vay thêm nợ trong môi trường hiện tại, MAS khuyến cáo.

MAS kêu gọi các ngân hàng Singapore chủ động giám sát và quản lý rủi ro tín dụng do những áp lực tiềm ẩn đối với chất lượng tài sản trước rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu và đà tăng của lãi suất. Đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở, MAS cảnh báo lãi suất cao hơn và những bất ổn kinh tế vĩ mô có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong thời gian tới.

Đối với các doanh nghiệp địa phương, tỷ lệ thanh khoản của các ngành khách sạn, nhà hàng, xây dựng và bất động sản vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, trong khi hầu hết các ngành khác hiện đang có mức thanh khoản ngang bằng hoặc vượt quá mức trước đại dịch Covid-19.

MAS cũng cảnh báo về các yếu tố dễ tổn thương từ tài sản tiền ảo và tài chính phi tập trung đang gây ra “rủi ro nghiêm trọng” đối với sự ổn định tài chính toàn cầu thông qua các mối liên kết với hệ thống tài chính truyền thống.

Theo Bloomberg, WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới