Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Singapore duy trì sức cạnh tranh bằng cách đào tạo lại toàn bộ nguồn nhân lực

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Rơi vào tình thế kẹt: dân số số giảm nhưng tâm lý phản đối lao động nhập cư ngày càng dâng cao, chính phủ Singapore quyết định đào tạo toàn bộ nguồn nhân lực trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ để duy trì sức cạnh tranh và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Chương trình tái trang bị kỹ năng của Singapore, có tên gọi SkillsFuture, đang hỗ trợ tái trang bị, nâng cao kỹ năng cho hàng trăm ngàn người lao động mỗi năm.

Một sự kiện quảng bá chương trình SkillsFuture hồi đầu tháng 7 tại Singapore. Ảnh: sp.edu.sg

Để bảo đảm chỗ làm việc hiện tại ở chi nhánh của Công ty công nghệ tài chính và thanh toán PayPal tại Singapore, Gangadevi Balakrishnan, một kỹ sư phần mềm, đã tham gia chương trình SkillsFuture.

Balakrishnan, 29 tuổi, nói: “Cá nhân tôi rất yêu thích chuyên ngành trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng. Vì vậy, tôi sẽ tìm kiếm những chương trình và khóa học liên quan đến những lĩnh vực này”.

Chương trình SkillsFuture được khởi động từ năm 2014 nhằm đào tạo lại toàn bộ lực lượng lao động của đất nước. Chương trình gồm hơn 24.000 khóa học khác  nhau từ công nghệ số hóa đến quản lý kinh doanh. Chính phủ trợ cấp đến 90% học phí của các khóa học, bên cạnh đó, còn cung cấp tín dụng 500 đô la Singapore cho những người từ 25 tuổi trở lên để họ có thể trang trải phần chi phí học tập còn lại.

SkillsFuture là sáng kiến nhằm ứng phó cơn khủng hoảng thiếu hụt nhân tài có thể ngày càng nghiêm trọng do dân số của đảo quốc Sư tử đang suy giảm.

Lý Quang Diệu, vị thủ tướng đầu tiên của Singapore, từng nói rằng nếu không có lao động nhập cư, nền kinh tế Singapore sẽ sụp đổ vào năm 2050 vì lúc đó, trung bình 1,5 người lao động sẽ phải nuôi một người già.

Trong thời kỳ tăng trưởng cao của Singapore thập niên 1980 và 1990, dòng người nhập cư đã bù đắp cho tỷ lệ sinh thấp ở trong nước. Nhưng ngày càng có nhiều dân bản địa lo ngại về đà tăng của số lượng lao động nhập cư, thậm chí, một số ý kiến nói rằng người nước ngoài đang đánh cắp việc làm của người dân địa phương.

Đáp lại, chính phủ đã thắt chặt các hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài, vốn đang chiếm gần 30% dân số Singapore.

Năm ngoái, dân số người nước ngoài của Singapore giảm 10% xuống còn 1,47 triệu người, chủ yếu do các biện pháp kiểm soát Covid-19. Tổng dân số Singapore cũng lần đầu tiên giảm hai năm liên tiếp (2020 và 2021).

Điều đó khiến Singapore không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đẩy mạnh tái đào tạo lực lượng lao động hiện có, bao gồm cả người trung niên và cao tuổi. Chính phủ Singapore kỳ vọng các nỗ lực nâng cao năng suất của người lao động sẽ duy trì động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Cuộc vận động tái trang bị kỹ năng cho người lao động ở Singapore đã bước vào giai đoạn thứ hai và tăng tốc trong đại dịch Covid-19. Người lao động trong nước được tiếp cận với các khoản tín dụng để trang trải chi phí cho các khóa học. Tuy nhiên, cũng có nhiều chương trình hợp tác giữa chính phủ với với các công ty trong và ngoài nước để phát triển các kỹ năng phù hợp với yêu cầu công việc.

PayPal, Microsoft, Siemens và một số tập đoàn tên tuổi khác là đối tác của chương trình SkillsFuture và các ban ngành liên quan của Singapore. Một chương trình hợp tác công tư để tái đào tạo người lao động như vậy có rất ít tiền lệ trên thế giới.

Năm ngoái, có khoảng 660.000 người lao động ở Singapore tham gia các khóa đào tạo của SkillsFuture, tăng so với 540.000 người trong năm 2020. Con số này tương đương 25% tổng dân số ở độ tuổi lao động của Singapore. Khoảng 24.000 doanh nghiệp ở Singapore cử nhân viên tham gia các khóa học của SkillsFuture, tăng so với 14.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Các khóa học liên quan đến các kỹ năng trong ngành công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe và kiểm toán chứng kiến lượng người học đăng ký đông nhất.

Giám đốc điều hành SkillsFuture, Tan Kok Yam cho biết: “Covid-19 và những thay đổi mà đại dịch này tạo ra đã cho người dân Singapore thấy rằng các yêu cầu tại nơi làm việc có thể thay đổi rất nhanh. Điều này đã thúc đẩy người dân Singapore tìm cách nâng cấp kỹ năng cho bản thân”.

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng nói: “Chúng ta không thể thay đổi đặc điểm di truyền của dân số. Nhưng chúng ta có thể phát huy tối đa tiềm năng của họ bằng con đường giáo dục và đào tạo”.

Với mức tăng trung bình 3% mỗi năm kể từ năm 2015, năng suất lao động trên đầu người ở Singapore trong năm 2020 đạt 170.000 đô la Mỹ. Đối với một nước giàu như Singapore, sẽ rất khó khăn để đẩy năng suất lao động trên đầu người lên mức cao hơn.

Luxembourg, nơi có tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người ở mức cao nhất thế giới, cũng đang đối mặt với tốc độ tăng trưởng năng suất lao động chậm lại. Vì vậy, nước này đã khởi động một dự án trang bị các kỹ năng nâng cao. Từ năm 2020, công nghệ số hóa đã được bổ sung vào chương trình giảng dạy bắt buộc cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở của Luxembourg.

Dân số giảm, kéo theo tăng trưởng kinh tế chậm lại đi sẽ là một thực trạng mà Nhật Bản và các nền kinh tế tiên tiến khác như Singapore cần phải giải quyết trong tương lai. Thúc đẩy chuyển đổi số, giảm bớt quy định quản lý để thúc đẩy tăng trưởng cũng như đào tạo lại lực lượng lao động có thể là con đường giúp họ tránh được viễn cảnh đó.

Theo Nikkei Asia, Straits Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới