Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Singapore: Tài xế công nghệ có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tài xế của các nền tảng gọi xe và giao hàng theo yêu cầu ở Singapore sẽ được chi trả bảo hiểm tai nạn lao động và đóng góp bảo hiểm xã hội vào Quỹ Phòng xa trung ương (CPF), một chương trình tiết kiệm quốc gia để chi trả lương hưu.

Các tài xế công nghệ ở Singapore bao gồm tài xế giao đồ ăn của Grab sẽ được chi trả bảo hiểm tai nạn lao động và đóng góp bảo hiểm xã hội theo các luật hiện hành đang áp dụng cho nhân viên chính thức. Ảnh: Straits Times

Các quyền lợi mới nói trên của tài xế công nghệ nằm trong số 12 đề xuất của Ủy ban Tư vấn về người lao động làm việc cho các nền tảng công nghệ (ACPW) vừa được chính phủ Singapore thông qua hôm 23-11. ACPW được thành lập hồi tháng 9-2021 nhằm tìm kiếm các biện pháp nâng cao quyền lợi của giới tài xế công nghệ.

Trước nay, tài xế công nghệ ở đảo quốc Sư tư được xem là người “tự doanh” (self-employed person), do vậy họ không được hưởng các quyền lợi đầy đủ như nhân viên làm việc toàn thời gian chính thức theo luật định.

Các đề xuất của ACPW vẫn chưa xem tài xế công nghệ là lao động chính thức của các nền tảng gọi xe và giao hàng. Tuy nhiên, theo các đề xuất mới, họ sẽ được hưởng các quyền lợi quan trọng như được chi trả bồi thường trong trường hợp bị tai nạn trong quá trình làm việc cũng như hưởng lương hưu về sau này.

Theo các đề xuất mới này, tài xế công nghệ dưới 30 tuổi được phép, hay nói chính xác hơn là bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội vào CPF, đồng thời các công ty vận hành nền tảng công nghệ cũng phải đóng góp phần tương ứng của họ. Mức đóng góp vào CPF sẽ tương đương với mức mà các nhân viên chính thức và chủ sử dụng lao động hiện nay đang đóng. Những tài xế công nghệ trên 30 tuổi có thể lựa chọn tham gia đóng góp vào CPF trên cơ sở tự nguyện.

Chính phủ Singapore cho phép tài xế công nghệ và các nền tảng đóng góp vào CPF với mức tăng dần theo một lộ trình 5 năm, cho đến khi đạt các mức đóng góp phổ biến hiện nay là 20% thu nhập (đối với người lao động, và 17% thu nhập đối với doanh nghiệp). CPF là hệ thống an sinh xã hội dành cho tất cả công dân và người lao động thường trú tại Singapore. Đây là một trong những chương trình hưu trí dựa trên mức đóng góp lâu đời nhất của châu Á.

Bên cạnh đó, các đề xuất mới cũng yêu cầu các nền tảng gọi xe và giao hàng phải cung cấp bảo hiểm tai nạn lao động cho các đối tác tài xế ở mức tương đương với mức mà các nhân viên chính thức được hưởng theo Đạo luật Bồi thường thương tích khi làm việc (Wica). Đạo luật này yêu cầu doanh nghiệp phải chi trả các khoản bồi thường cho nhân viên bị tai nạn trong công việc bao gồm chi phí điều trị y tế, thu nhập mất mát trong thời gian điều trị cũng như số tiền bồi thường một lần cho các trường hợp thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong.

Tài xế công nghệ được hưởng gói bảo hiểm tai nạn lao động cơ bản này bất kể số giờ làm việc của họ là bao nhiêu và bất kể số nền tảng mà họ đang làm việc.

Đây là một thay đổi đáng hoan nghênh đối với những người làm việc trên các nền tảng vì họ dành nhiều thời gian trên đường, vì vậy rất dễ xảy ra rủi ro tai nạn hoặc thương tích. Trong thời gian tham vấn kéo dài một năm của ACPW với hơn 20.000 tài xế công nghệ, chỉ 36% số người được hỏi cho biết họ hài lòng với các lợi ích y tế hiện tại.

Hiện nay, các biện pháp bảo vệ tài xế công nghệ còn kém xa các tiêu chuẩn của đạo luật Wica cả về phạm vi và số lượng.

ACPW nhận thấy dù có một số nền tảng đã tự nguyện bồi thường cho tài xế công nghệ khi họ bị thương trong công việc, nhưng điều này được áp dụng không thống nhất trên các nền tảng khác nhau, ví dụ đôi khi phụ thuộc vào số giờ mà một tài xế công nghệ đã làm việc.

Mức chi trả bảo hiểm tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn của các nền tảng hiện nay phần lớn nằm trong phạm vi từ 10.000-30.000 đô la Singapore, thấp hơn nhiều so mức bồi thường bảo hiểm tai nạn cho nhân viên chính thức lên tới 289.000 đô la Singapore theo đạo luật Wica.

Ngoài việc thiết lập một tiêu chuẩn bảo hiểm tai nạn lao động cho tài xế công nghệ, ACPW sẽ phải xây dựng các quy tắc xử lý cho hai vấn đề đặc thù khác.

Đầu tiên, làm thế nào để phân chia tiền bồi thường cho một tài xế công nghệ nếu người này làm việc cho nhiều nền tảng cùng một lúc, điều thường thấy trong lĩnh vực này.

Và thứ hai, do tính linh hoạt của công việc, khi nào thì tài xế công nghệ được xem là đang làm việc và khi nào thì không, một định nghĩa giúp xác định liệu họ có thể yêu cầu bồi thường tai nạn trong công việc hay không.

Những thay đổi trên sẽ tác động đến khoảng 73.200 người lao động dựa trên các ứng dụng ở Singapore, chủ yếu là tài xế của các nền tảng gọi xe và giao hàng.

Tại cuộc họp báo hôm qua, Bộ trưởng Nhân lực Singapore Koh Poh Koon cho biết các đề xuất trên sẽ được đưa vào luật và dự kiến có hiệu lực sớm nhất là vào cuối năm 2024.

Straits Times, Business Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới