(KTSG Online) - Singapore sẽ tăng thuế đối với tầng lớp giàu có nhất của nước này, bao gồm thuế đánh vào thu nhập, bất động sản và siêu xe, để tăng thu ngân sách khoảng 600 triệu đô la Singapore (447 triệu đô la Mỹ) mỗi năm.

Đây là một phần trong nỗ lực củng cố quỹ dự trữ quốc gia vốn bị hao hụt lớn do phải trích ra để phục vụ các chương trình cứu trợ kinh tế thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Và cũng là cách để Singapore giải quyết mối lo bất bình đẳng thu nhập nổi rõ lên trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Theo dự thảo ngân sách năm tài chính 2022, được Bộ trưởng Tài chính Singapore, Lawrence Wong trình bày trước Quốc hội hôm 18-2, thuế thu nhập cá nhân tăng với người giàu sẽ giúp ngân sách nhà nước có thêm 170 triệu đô la Singapore mỗi năm, trong khi đó, thuế bất động sản mới sẽ đóng góp thêm 380 triệu đô la Singapore , và thuế mới với siêu xe sẽ giúp thu về 50 triệu đô la mỗi năm.
Ông Lawrence Wong nhấn mạnh biện pháp đánh thuế cao hơn đối với người giàu sẽ giúp luân chuyển một phần của cải tích lũy trở về lại với nền kinh tế và “giúp xây dựng một xã hội công bằng hơn, nơi mà mọi người có thể mưu cầu thành công dù họ có hoàn cảnh xuất thân như thế nào”.
Hiện tại, những người dân có thu nhập hàng năm trên 320.000 đô la Singapore mỗi năm sẽ phải đóng mức thuế 22% đối với phần thu nhập vượt con số này. Nhưng kể từ năm 2024, mức thuế đánh vào phần thu nhập từ 500.000 đến 1 triệu đô la Singapore sẽ là 23% và phần thu nhập vượt quá 1 triệu đô Singapore là 24%. Quy định mới sẽ ảnh hưởng đến 1,2% người nộp thuế thu nhập cao nhất ở Singapore.
Bộ trưởng Lawrence Wong nói sẽ lý tưởng hơn nếu đánh thuế vào tài sản ròng của những cá nhân giàu có nhưng ông thừa nhận hiện tại điều này không dễ thực hiện.
Singapore, vốn đã là một trong những nơi có chi phí cao nhất thế giới đối với những người sở hữu xe. Nhưng bắt đầu từ tuần tới, Singapore sẽ áp dụng một khung lệ phí trước bạ mới đối với những chiếc xe đắt tiền. Theo đó, lệ phí trước bạ đối sẽ được tính ở mức 220% đối với phần giá trị thị trường của mỗi chiếc xe vượt quá 80.000 đô la Singapore.
Ông Lawrence Wong cũng cho biết Singapore sẽ tăng thuế đối với bất động sản đầu tư và bất động sản có giá trị cao kể từ năm 2023. Cụ thể, đối với bất động sản nhà ở có chủ sở hữu sinh sống, mức thuế đối với phần giá trị hàng năm (annual value - AV) vượt quá 30.000 đô la Singapore của bất động sản đó sẽ tăng lên mức 6-32% so với mức 4-16% hiện nay. AV của một bất động sản nhà ở được định nghĩa là tổng tiền cho thuê hàng năm ước tính mà chủ nhà có thể thu được nếu họ cho thuê bất động sản đó, chứ không dựa trên thu nhập thực tế nhận được.
Đối với bất động sản nhà ở không có chủ sở hữu sinh sống, bao gồm các bất động sản đầu tư, thuế đánh vào giá trị hàng năm của nó sẽ tăng lên mức 12-36% mỗi năm từ mức 10-20% hiện nay. Bộ trưởng Lawrence Wong ví dụ một căn nhà liền kề không có chủ sở hữu sinh sống có giá trị hàng năm 150.000 đô la sẽ chịu mức thuế mới là 43.000 đô la Singapore mỗi năm, thay vì 24.000 đô la theo mức thuế hiện tại.
Bên cạnh đó, Singapore sẽ tăng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) lên 8% từ tháng 1 năm sau và 9% vào năm 2024, so với mức 7% hiện nay. Trong hai năm qua, chính phủ Singapore đã cam kết chi 100 tỉ đô la Singapore (74,4 tỉ đô la Mỹ) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế ứng phó tác động của đại dịch Covid-19, khiến quỹ dự trữ quốc gia hao hụt đáng kể.
Do vậy, Singapore phải tìm cách tăng nguồn thu để tài trợ cho chi tiêu ngân sách trong tương lai, ước tính có thể lên hơn 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2030. Bộ trưởng Lawrence Wong ước tính ngân sách quốc gia mức thâm hụt tổng thể 5 tỉ đô la Singapore trong năm 2021 và dự báo sẽ tiếp tục thâm hụt 3 tỉ đô la nữa trong năm nay.
Singapore đang thoát ra cơn suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra, nhưng vẫn phải xoay xở duy trì tính hấp dẫn như một trung tâm tài chính toàn cầu, trong khi phải đề phòng những bức xúc về bất bình đẳng giàu nghèo ở trong nước và chi phí sinh hoạt của người dân gia tăng.

Singapore là nền kinh tế cởi mở, ổn định, có công nghệ tiên tiến với mức thuế thấp. Nước này không đánh thuế các khoản thừa kế, cổ tức, lãi vốn (capital gains). Chính sách thuế thông thoáng này giúp Singapore thu hút những người giàu trên thế giới đến sinh sống từ người đồng sáng lập Facebook, Eduardo Saverin, cho đến tỉ phú ngành game Forrest Li. Nó cũng tạo ra sự phát triển bùng nổ của dịch vụ ngân hàng cá nhân (phục vụ khách hàng giàu có), các công ty quản lý tài sản gia đình.
Dấu hiệu của giàu có xuất hiện khắp mọi nơi ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh. Doanh số bán các căn nhà gỗ bungalow cao cấp, với giá bán tương đương với các biệt thự ở thành phố, tăng gấp ba lần vào năm 2021, theo Knight Frank Singapore. Phí hội viên sân golf tăng 40% so với trước đại dịch, lên tới 350.000 đô la Singapore (262.000 đô la Mỹ) đối với người trong nước và cao hơn thế nữa đối với người nước ngoài.
Nhưng trong năm 2020, thu nhập hộ gia đình trung bình tổng thể của Singapore lần đầu tiên giảm sau một thập niên, với 1/10 dân số nghèo nhất bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Những người lao động có thu nhập thấp đang vật lộn để kiếm sống.
Gần đây, A. Rahim M. Taha, một nhân viên khử khuẩn đã bị bỏ tù 5 tuần vì từ chối xét nghiệm Covid-19. Anh sợ nếu kết quả dương tính, anh sẽ bị cách ly và mất khoản trợ cấp chuyên cần hàng tháng 100 đô la Singapore. Vụ việc đã khiến Tổng thống Singapore, Halimah Yacob kêu gọi giới chủ doanh nghiệp trả lương tốt hơn cho những người lao động thu nhập thấp.
Hôm 18-2, Bộ trưởng Lawrence Wong cũng công bố gói chi tiêu 500 triệu đô la Singapore để hỗ trợ việc làm và kinh doanh như một phần của dự thảo ngân sách cho năm 2022. Ông cũng đề xuất chi 560 triệu đô la Singapore để giúp người dân Singapore đối phó với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng trong năm nay. Ông cho biết chính phủ dự định chi 9 tỉ đô la Singapore trong 5 năm tới để triển khai các biện pháp hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp.
Theo Bloomberg, Straits Times