(KTSG Online) - Singapore sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa cánh cửa biên giới từ 19-10 mà không cách ly khách nhập cảnh từ nhiều nước. Đây là nỗ lực xây dựng lại hình ảnh một trung tâm hàng không quốc tế thời sống chung với Covid.
Thậm chí ngay cả khi chính phủ Singapore nói rằng đất nước này sẵn sàng sống chung với virus gây dịch Covid-19, các nguy cơ lâu dài vẫn lúc ẩn, lúc hiện.
Singapore cùng lúc cần phải trả lời rất nhiều câu hỏi. Cuộc khủng hoảng sức khỏe sẽ thay đổi cách thế giới kinh doanh. Liệu một trung tâm du lịch và thương mại sẽ tìm ra những cách thức mới để thu hút con người và nguồn vốn đầu tư? Singapore sẽ giải quyết nạn lão hóa dân số và cải thiện đời sống của công nhân có thu nhập thấp như thế nào?
Sáu tháng trung chuyển
Bắt đầu từ tháng 9 rồi, chương trình nhập cảnh không cách ly dành cho khách đã tiêm vaccine chỉ áp dụng cho Đức và Brunei. Từ 19-10, khách đã tiêm chủng đầy đủ từ tám quốc gia, bao gồm Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ sẽ nhập cảnh mà không cần cách ly nếu có xét nghiệm âm tính. Từ tháng 11, danh sách sẽ có thêm Hàn Quốc.
Thông báo này đánh dấu bước tiến mới trong chiến lược nối lại các đường bay quốc tế của Singapore, đặc biệt trong bối cảnh chuyển sang sống chung với Covid. Số ca nhiễm ở Singapore đã vượt trên 3.000 ca mỗi ngày ở Singapore. Với dân số gần 5,5 triệu người, đây là nơi có tỷ lệ nhiễm ca mới tính theo số dân thuộc loại cao nhất thế giới, nhưng hầu hết các ca không có triệu chứng hoặc rất nhẹ.
Các giới hạn đi lại, tụ tập đã được lập lại bởi đây là cách câu giờ, chuẩn bị cho quá trình sống chung với SARS-CoV-2. Sự thất vọng hay chống đối của người dân, dù rằng rất thấp, cũng đã buộc chính phủ phải cân nhắc “chuyện đi dây” giữa một bên là mở cửa và một bên là không để hệ thống bệnh viện bị quá tải.
Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp hôm 9-10, Thủ tướng Lý Hiển Long đã nói rằng Singapore sẽ đạt được trạng thái bình thường mới và có thể nới lỏng các giới hạn khi số ca nhiễm bình ổn, thậm chí có khi là hàng trăm ca mỗi ngày.
“Chúng ta sẽ mất ít nhất là ba tháng, và có thể dài hơn là sáu tháng để đạt được điều đó. Sau khi đợt dịch này lui, chúng ta sẽ có thể đối phó các đợt khác trỗi dậy trong tương lai, đặc biệt là nếu các chủng mới xuất hiện. Chúng ta có thể thắt chặt các quy định lần nữa nếu số ca tăng quá nhanh nhằm bảo vệ hệ thống chăm sóc sức khỏe và nhân viên y tế”, ông Lý phát biểu.
Ngã rẽ quan trọng
Về nhiều mặt, Singapore đang phân vân trước một lối rẽ quan trọng. “Tôi cho rằng một quá trình tự vấn lương tâm, soi rọi chính mình ở cấp độ cao nhất trong chính phủ khi đang tìm cách xây dựng lợi thế cạnh tranh với tầm nhìn xa hơn, vượt qua một số thế mạnh truyền thống của Singapore”, phó giáo sư Walter Theseira của Đại học Khoa học Xã hội Singapore (SUSS).
Dịch Covid đã cho thấy những sức mạnh này, chẳng hạn như các biện pháp giãn cách được thiết kế kỹ lưỡng, bao gồm dùng các ứng dụng công nghệ trong truy vết và tiêm chủng… Singapore luôn được xem là hình ảnh trong chống dịch và kiểm soát dịch trong các giai đoạn.
Nhưng cuộc khủng hoảng cũng làm lộ những điểm yếu của nền kinh tế tiên tiến và xã hội giàu có của đảo quốc. Sự bùng nổ số ca nhiễm trong các ký túc xá chật chội đã cho thấy một sự thật mà ngay cả chính Singapore đang cố giấu. Đó là ngành xây dựng, đóng tàu và nhiều ngành công nghiệp khác dựa vào lao động giá rẻ.
Đóng cửa biên giới không chỉ làm suy sụp ngành du lịch và các ngành dịch vụ liên quan, nhưng cũng chặn luôn các dòng nhân lực: áo trắng, áo xanh và cả công nghệ mới. Thống kê dân số công bố vào tháng 9 rồi cho thấy số lượng người nước ngoài chỉ còn 1,47 triệu người đến cuối tháng 6-2021, giảm 10,7% so với năm trước.
Sau năm 2020 suy thoái vì dịch, nền kinh tế Singapore đã có nhiều dấu hiệu hồi phục. Chính sách kiểm soát dịch thắt chặt lần này “sẽ có thể ảnh hưởng nhiều mảng dịch vụ, đặc biệt là ẩm thực, bán lẻ, giải trí, khách sạn và các dịch vụ liên quan. Tuy nhiên, các mảng chiếm tỷ lệ nhỏ trong toàn bộ nền kinh tế”, nhà kinh tế Chua Hak Bin của ngân hàng Maybank Kim Eng ghi nhận.
Những tác động bên ngoài sẽ làm trầm trọng thêm các tổn thương bên trong. Sự phát triển chậm lại của kinh tế Trung Quốc trong nửa năm cuối 2021 sẽ ảnh hưởng thành tích xuất khẩu – ngân hàng DBS Group Holdings cảnh báo.
Tăng trưởng các mảng sản xuất chính – như điện tử, máy móc và dược phẩm – đã giảm còn 11,2% trong tháng 8 sau khi đã giảm trong tháng 7 trước đó. Tương tự, xuất khẩu dầu thô cũng suy giảm trong hai tháng liên tiếp, và chỉ còn tăng 2,7% trong tháng 8.
Tìm kiếm mô hình kinh tế mới thời hậu dịch
Sự chuyển tiếp của Covid từ đại dịch sang bệnh đặc hữu hay cúm mùa là quá trình “ẩm ương và không suôn sẻ”, nhà kinh tế Irvin Seah của DBS cảnh báo. Nhưng đáng lo hơn cả là sự bất định luôn hiển hiện đối với sự thành công của mô hình kinh tế Singapore.
Nỗ lực hồi phục du lịch, một yếu tố chính của mô hình này, đã thất bại hay trật nhịp so với kế hoạch. Chẳng hạn, như mô hình hội nghị Connect@Changi đưa ra vào tháng 2. Khách quốc tế bay đến Changi và được đưa vào phòng kín, không tiếp xúc trực tiếp với doanh nhân địa phương, đàm phán xong thì bay về. Nhưng sau đó, Connect@Changi trở thành nơi cách ly và điều trị bệnh nhân Covid.
Một thách thức khác là chính sách thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu từ 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia, dự kiến sẽ thực hiện từ năm 2023. Hiện tại thì mức thuế doanh nghiệp ở Singapore là 17%.
“Chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn trong thu hút đầu tư và chúng ta cần phải làm việc chăm chỉ hơn, đặc biệt là khi chúng ta chỉ là một quốc gia nhỏ bé. Các nước khác có mức tương tự nếu không nói là hấp dẫn và thuyết phục hơn. Sự chăm chỉ sẽ nâng cấp nguồn nhân lực, hạ tầng, tính kết nối và môi trường kinh doanh tại Singapore”, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong phát biểu tại Quốc hội hồi tháng 7.
Các khuynh hướng xã hội có thể làm tình hình tệ hơn. Bên cạnh sự sụt giảm nghiêm trọng số công nhân nước ngoài, Singapore cũng đang đối diện nguy cơ lão hóa dân số. Chỉ tính trong nước, số cư dân từ 65 tuổi trở lên chiếm 16%, tăng so với con số 15,2% của năm trước. Một vấn đề được quan tâm đặc biệt là hỗ trợ các bậc cao niên ở tầng thu nhập thấp và khuyến khích họ tham gia vào lực lượng lao động.
Tan Poh Lin, phó giáo sư thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, cho rằng: “Các giải pháp dành cho thế hệ đặc biệt là rất cần thiết do những cách biệt về giáo dục và thu nhập, bao gồm việc đào tạo công nghệ để thu hẹp các bất lợi dễ nhận thấy trong việc thuê mướn người lao động lớn tuổi, vốn có những kỹ năng và chuyên môn đã rất lạc hậu”.
Bà Tan cũng cho rằng trong tương lai gần, đặc biệt là sau những đổ vỡ kinh tế do Covid gây ra, một chính sách hỗn hợp bao gồm khai thác tài sản tích lũy của hộ gia đình và các hỗ trợ của chính phủ sẽ quan trọng hơn trong việc tạo an toàn tài chính cho người già tầng lớp ít thu nhập.
“Chúng ta có thể tận dụng cơ hội của việc dịch chuyển sang hình thức làm việc linh hoạt, tức làm việc trực tuyến tại nhà, để tăng cơ hội tham gia vào nền kinh tế của người già”, bà Tan phát biểu.
Trong thông điệp quốc gia cuối tháng 8, Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhấn mạnh sự lo lắng về những người có thu nhập thấp – không chỉ thế hệ cao tuổi mà cả những tài xế giao hàng của nền kinh tế. “Lao động có thu nhập thấp đặc biệt căng thẳng hơn tầng lớp khác. Họ có ít tiền tiết kiệm để xoay xở trong dịch. Suốt mùa dịch, tình trạng tài chính của họ càng khốn đốn hơn”, ông phát biểu.
Vai trò trung tâm tài chính của Singapore vẫn tiếp tục gia tăng trong dịch, đặc biệt là việc đảo quốc đã biết cách khẳng định vị trí “trung tâm ngân hàng và quản lý quỹ đầu tư cá nhân” – nhà kinh tế Chua của Maybank nhận xét. Sự chuyển dịch vốn và tài năng từ Hồng Kông sang Singapore, vị thế hưởng lợi từ đối đầu thương mại Mỹ - Trung, sự xuất hiện của các nền kinh tế số và kinh tế xanh – Singapore đang tận hưởng tất cả các xu hướng đó.
Nhưng con đường phía trước không phải lúc nào cũng bằng phẳng.
“Tôi cho rằng dịch Covid đã đem lại nhiều cơ hội lẫn thách thức, bởi vì giờ đây mọi người đã nhận ra rằng chuỗi sản xuất và kinh doanh toàn cầu - nếu tập trung ở một nước nào đó - thì dễ bị tổn thương. Singapore có cơ hội chạy đà khi tìm cách xây dựng nền sản xuất tiên tiến và các công nghệ số”, phó giáo sư Theseira của Đại học Khoa học Xã hội Singapore kết luận.