Sinh nghề, tử nghiệp
Tấn Đức
![]() |
Trong một cơ sở làm đồ gốm ở Bình Dương. Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG) - Nghề truyền thống là kế sinh nhai qua nhiều thế hệ của không ít gia đình ở khu vực nông thôn và ngoại thành. Đây là phương tiện kiếm sống, nhưng nó cũng là nguyên nhân trực tiếp lấy đi sinh mạng của không ít người gắn bó với nghề và gia đình của họ.
Sống chung với hiểm họa
Báo cáo môi trường quốc gia vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố đã cho thấy một bức tranh màu xám về hiện trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề.
Trong báo cáo, các tác giả thường xuyên dùng những cụm từ “rất cao”, “nghiêm trọng” để diễn đạt tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề và nó xuất hiện hầu như tại tất cả các dạng ô nhiễm, từ không khí, chất thải rắn cho đến nước mặt và nước ngầm.
Kết quả khảo sát tại 52 làng nghề cho thấy, gần một nửa bị ô nhiễm nặng đối với không khí, nước, đất hoặc cả ba dạng. Đáng ngại nhất, hậu quả của những ô nhiễm này không phải đợi đến thế hệ mai sau, mà những người sinh sống trong khu vực đã phải trả giá ngay từ những thế hệ trước bằng chính sức khỏe và sinh mạng của mình.
Dạng ô nhiễm phổ biến nhất là môi trường không khí. Tuy tính chất ô nhiễm tùy thuộc vào đặc thù của hoạt động sản xuất theo ngành nghề và loại hình sản phẩm, nhưng loại này xuất hiện ở hầu hết các ngành, từ những nghề phải sử dụng nhiều chất đốt như tái chế phế liệu, sản xuất vật liệu xây dựng và gốm sứ, chế biến lương thực thực phẩm cho đến những ngành hầu như không cần chất đốt như thủ công mỹ nghệ, chăn nuôi, giết mổ gia súc, ươm tơ, dệt vải…
Thành phần khí thải ra môi trường, mà các chuyên viên nghiên cứu xác nhận được, hầu hết là những hóa chất gốc axít, gồm: SOx, Nox và những khí cực độc CO, hơi axít, chì, cùng các loại bụi kim loại nặng như kẽm, sắt, crôm, nicken… với hàm lượng có nơi cao gấp 10 lần tiêu chuẩn Việt Nam. Những chất thải này rất độc hại, đặc biệt là với hệ hô hấp.
Cũng như không khí, tình trạng ô nhiễm môi trường nước xuất hiện ở hầu hết các làng nghề. Bình quân, lượng nước thải tại mỗi làng nghề trong diện khảo sát lên tới 5.000- 7.000 mét khối/ngày. Trong đó, bên cạnh những chất ô nhiễm cơ bản như BOD, COD với nồng độ vượt tiêu chuẩn từ vài chục đến 200 lần, trong nước thải làng nghề còn chứa nhiều loại hóa chất được các chuyên gia xếp vào loại rất độc, đó là các axít, muối kim loại, xyanua và các kim loại nặng, gồm: thủy ngân, chì, crôm, kẽm, đồng.
Bên cạnh đó, ở làng nghề chế biến lương thực thực phẩm, còn phát hiện chứa nhiều vi khuẩn coliform (gây bệnh tiêu chảy) với số lượng từ hàng trăm ngàn đến hàng chục tỉ đơn vị trên 100 mi li lít nước, trong khi tiêu chuẩn Việt Nam chỉ là 50.000. Không chỉ nguồn nước mặt, các chất độc hại đã bắt đầu xâm nhập vào tầng nước ngầm và cá biệt có nơi nước ngầm đã bị ô nhiễm nặng, chẳng hạn như tại làng dệt nhuộm Phùng Xá, Vạn Phúc (Hà Nội) và làng sản xuất tinh bột Tân Phú Đông (Đồng Tháp).
Ngoài ra, các làng nghề còn bị chất thải rắn đe dọa và hầu như tất cả đều là chất thải không thể hoặc rất khó phân hủy. Đó là xỉ than, phế phẩm và cặn hóa chất, phế liệu bao bì nhựa, nhãn mác, tạp chất không tái sinh và vụn kim loại.
Đặc điểm chung của các làng nghề hiện nay là không có hệ thống xử lý chất thải. Vì vậy, tất cả các chất gây ô nhiễm đều được thải trực tiếp ra môi trường. Điều đáng ngại là nguy cơ mà người lao động phải tiếp xúc với các chất độc hại rất cao, đến 85-95% đối với ô nhiễm khói bụi và nhiệt và gần 60% đối với hóa chất.
Tử nghiệp
Các cuộc điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tỷ lệ người mắc bệnh trong những năm gần đây tại các làng nghề có xu hướng tăng cao, nhất là những người trong độ tuổi lao động. Tuổi trung bình của người bị mắc bệnh có chiều hướng ngày càng trẻ, khoảng 30-40 tuổi so với 40-50 cách nay hơn năm năm.
Tác hại của việc phải sống trong môi trường ô nhiễm nhìn thấy rất rõ trong tuổi thọ của người dân sống tại các làng nghề. Bản báo cáo kết luận: “Các kết quả nghiên cứu cho thấy, tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề ngày một giảm, thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình của cả nước”. Các căn bệnh thường gặp trong các làng nghề là bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, bệnh phụ khoa, tim mạch, mắt và các bệnh ngoài da…
Thiệt hại về sức khỏe nặng nề nhất là các làng nghề tái chế kim loại, là nơi người dân phải chung sống với những chất ô nhiễm rất độc là kim loại nặng và hơi axít, hơi kiềm. Tại các làng nghề này, tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi, tiêu hóa, mắt lên đến 0,35-1% và lao phổi 0,4-0,6% dân số. Riêng bệnh phụ khoa, có những nơi tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh tới 67%.
Thống kê tại một làng nghề tái chế kim loại tại Nam Định từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ người bị chết vì bệnh ung thư phổi, gan và dạ dày chiếm đến 25,5% số ca tử vong, chỉ thấp hơn một chút so với người chết vì già. Tiếp đến là chết vì tai biến mạch máu não 19,6%. Ở một làng nghề tái chế kim loại khác ở Bắc Ninh, trên 60% dân số có các triệu chứng bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, bệnh ngoài da. Đáng ngại hơn là tỷ lệ này ở hai nhóm người trực tiếp và không trực tiếp tham gia sản xuất ngang nhau.
Số liệu thống kê tại các làng nghề tái chế kim loại khác cũng bi đát không kém, với tỷ lệ lao phổi đến 4,7%, bệnh đường hô hấp trên 40%, thậm chí có làng đến một nửa cư dân bị bệnh thần kinh. Các làng nghề giấy, chế biến lương thực thực phẩm, dệt nhuộm… tỷ lệ mắc bệnh hô hấp, tiêu hóa, thần kinh và ung thư cũng rất cao. Chẳng hạn như làng dệt lụa Vạn Phúc (Hà Nội) cứ 100 ca bệnh, thì có hai ca bị ung thư.
Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm ở các làng nghề sẽ mang lại nhiều hệ quả xấu cho nền kinh tế. Tình trạng sức khỏe kém do tác động trực tiếp của các chất gây ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của lực lượng lao động, làm gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và gánh nặng bệnh tật. Đồng thời, môi trường bị phá hủy cũng tác động trực tiếp tới các ngành du lịch, sản xuất nông nghiệp, thủy sản… Ngoài ra, đây còn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến xung đột lợi ích giữa các cộng đồng và trong một cộng đồng.
Báo cáo môi trường quốc gia đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề. Trong đó, bên cạnh việc phải xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, các quy chuẩn, thì sản xuất sạch hơn được các chuyên gia cho là hướng tiếp cận khả thi và hiệu quả. Nó không chỉ mang lại hiệu quả về sinh thái, mà còn góp phần cải thiện thu nhập và đời sống của người dân.
Giải pháp này giúp sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguyên liệu, nhiên liệu và nước, tận thu chất thải để sản xuất ra sản phẩm phụ. Kết quả mang lại là giảm mức phát thải chất ô nhiễm ra môi trường, tiết kiệm chi phí cho cơ sở sản xuất.
Nhưng về lâu dài, Nhà nước vẫn phải quy hoạch lại không gian làng nghề theo hướng tập trung thành cụm công nghiệp và tách khỏi khu dân cư. Những cụm công nghiệp này phải có hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nhưng nhất thiết Nhà nước phải hỗ trợ thì mới có hy vọng thành công.