Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Số ca mắc nặng tăng 500%, sốt xuất huyết tại TPHCM ở mức báo động

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, bệnh sốt xuất huyết hiện đang ở mức báo động. So với cùng kỳ năm 2021, số ca nặng và tử vong tăng rất cao, trong đó số ca mắc nặng lên đến 175 trường hợp tăng 500% so với cùng kỳ.
Nhiều trẻ em mắc sốt xuất huyết phải nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TPHCM). Ảnh: Minh Thảo

Chiều 19-5, tại buổi họp báo về phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TPHCM rất đáng báo động. Tính đến trưa ngày 19-5, có tổng cộng 8.248 ca mắc sốt xuất huyết, so với cùng kỳ tăng 33,3%.

Đáng chú ý nhất là số ca nặng lên đến 175 trường hợp, tăng 500% so với cùng kỳ. Số ca tử vong là 6 người (tăng 300%).

Theo ông Tâm, bệnh sốt xuất huyết không lây truyền trực tiếp từ người qua người mà thông qua muỗi vằn, bệnh này không có thuốc đặc trị hay thuốc phòng ngừa.

Để bảo vệ bản thân cùng gia đình khi đang vào mùa mưa, ông Hồng Tâm lưu ý hiện TPHCM đang vào mùa mưa, người dân không nên để nước ứ đọng tạo điều kiện cho lăng quăng sinh sôi phát triển. Khi phát hiện người lớn hay trẻ nhỏ sốt, mệt mỏi, đau cơ không rõ nguyên nhân, trên da có các nốt sốt xuất huyết thì nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện, cơ sở y tế khám điều trị.

Ngoài ra, nhằm phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cùng ngành y tế thành phố cũng đang giám sát chặt chẽ công tác phòng chống dịch bệnh tại các quận, huyện thông qua các hoạt động kiểm tra để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết.

Tại buổi họp báo ngày 19-5, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, cho biết hiện bệnh sốt xuất huyết tại TPHCM đang ở mức báo động. So với cùng kỳ năm 2021, số ca nặng và tử vong tăng rất cao.

Thông tin về bệnh tay chân miệng, tính đến hôm nay (19-5), Phó Giám đốc phụ trách HCDC cho biết hiện TPHCM có 2.370 ca bệnh, so với cùng kỳ giảm 74,6%, chưa có tử vong. Tuy nhiên, ngành y tế thành phố vẫn triển khai  các hoạt động giám sát, khuyến cáo các trường học.

Bệnh tay chân miệng mắc phổ biến ở nhóm từ 10 tuổi trở xuống, phổ biến nhất dưới 5 tuổi. Vì vậy, trẻ nhỏ cần được vệ sinh tay thường xuyên, đúng cách; vệ sinh nhà cửa, vật dụng xung quanh (đồ chơi, sàn nhà, vật dụng…)

Về việc chuẩn bị tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết TPHCM sắp triển khai tiêm mũi 4 và tiêm mũi 2 vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ 5 tuổi đến dưới 11 tuổi. Việc tiêm mũi 4 vẫn đang triển khai theo kế hoạch của UBND TPHCM, Bộ Y tế không có quy định thời gian hoàn tất mũi 4.

Về khoảng cách tiêm giữa các mũi vắc-xin, bà Quỳnh Như cho biết những người mắc Covid-19 phải sau 3 tháng mới được tiêm mũi 4 và mũi 4 được tiêm sau khi tiêm mũi 3 ít nhất là 4 tháng.

Bên cạnh đó, hiện thành phố đang rà soát các đối tượng để chuẩn bị tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 4. Theo đó, đối tượng được tiêm (nhắc lại lần 2) là người từ 50 tuổi trở lên (hơn 1 triệu người); người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp.

Đối với nhóm trẻ chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (mũi 1 và 2), hiện thành phố cũng đang tiếp tục triển khai tiêm cho trẻ nhóm tuổi này.

Minh Thảo

Trước đó, ngày 9-5, UBND TPHCM đã có văn bản khẩn gửi đến các đơn vị trên địa bàn thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa trên địa bàn thành phố. Vừa qua, TPHCM ghi nhận các quận, huyện có số trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong tháng 4 bao gồm quận 12, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn.

UBND TPHCM yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo hệ thống ngành y tế, bệnh viện, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, phương tiện cấp cứu để tiếp nhận thu dung và điều trị người bệnh kịp thời; tổ chức tập huấn về phòng bệnh, chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời giám sát chặt chẽ ca bệnh, côn trùng trung gian truyền bệnh nhằm theo dõi và phát hiện sớm, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh trong vòng 24 giờ.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới