Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sợ chết thúi xác không ai hay

Pha Lập

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Người già sống một mình, nhất là ở các thành phố lớn, có nỗi lo chết đã nhiều ngày mà không ai biết.

Ông K. ở quận Phú Nhuận, có người bạn gần 70 tuổi sống trong căn biệt thự bên quận 7, TPHCM. Những ngày gần đây, cứ vào tầm 8 giờ sáng mỗi ngày, ông bạn gọi điện thoại hỏi thăm ông K. khỏe không, uống cà phê chưa. Ông K. bèn điện lại hỏi vì sao ông bạn cứ sáng nào cũng gọi điện cho ông. Người bạn giải thích vợ con đã ra nước ngoài định cư, ông ở một mình, sáng nào cũng điện ông K. để báo tin mình còn sống. Nếu sáng nào, ông K. không nghe ông gọi điện thì chịu khó chạy qua quận 7, coi thử ông chết chưa để lo giùm hậu sự.

Bạn ông K. chỉ là một trong cả triệu người sắp già và già đang sống một mình trên khắp nước Việt Nam(*). Người già hay nghĩ đến cảnh “mai sau về với ông bà…”, nên người già ở một mình, nhất là tại các thành phố lớn, có nỗi lo chết thúi xác trong nhà mà chẳng ai hay vì ngại để lại hai điều phiền phức sau đây cho người sống.

Một là, phần lớn người Việt theo đạo thờ ông bà, hàng năm đều cúng giỗ người thân đã khuất. Người chết một mình không ai hay sẽ khiến con cháu không biết chính xác giờ mất, ngày mất để chôn hay hỏa táng theo giờ hạp và làm giỗ đúng ngày.

Hai là, khi xác người bắt đầu phân hủy, việc thu dọn xác và trả lại hiện trường như trước rất mất công, rất cực. Chưa kể có lúc công an phải điều tra để biết đó là cái chết bình thường hay án mạng.

Để tránh cảnh chết thúi xác không ai hay, ngoài cách gọi điện thoại hằng ngày của bạn ông K., nhiều người tự chọn những cách phù hợp với hoàn cảnh của mình. Có người giao mật khẩu thẻ ATM cho bạn vong niên để lo hậu sự. Có người về quê ở vùng nông thôn sống để bà con làng xóm kịp thời phát hiện mình đã chết…

Nói chung, người già sống một mình có mong muốn “chết biết liền”. Nhiều người trong số họ đủ tiền để trả cho dịch vụ tạm gọi là “chết biết liền”. Ở Việt Nam, dịch vụ kiểu đó chỉ có nhà dưỡng lão. Tuy nhiên số lượng nhà dưỡng lão còn thiếu so với nhu cầu.

Theo Công ty bảo hiểm Bảo Việt (BVI), tính đến năm 2021, Việt Nam có khoảng 80 cơ sở chăm sóc người cao tuổi ngoài công lập. Trong số 63 tỉnh thành cả nước, chỉ có 32 tỉnh có viện dưỡng lão, phần lớn thuộc khu vực tư nhân.

Hơn nữa, nhiều người có tiền không muốn vào nhà dưỡng lão vì nhiều lý do, chẳng hạn thích nghe tiếng rao hàng rong ở phố.

Trong khi đó, các công ty bán bảo hiểm nhân thọ không lưu tâm đến nhu cầu “chết biết liền” của người già sống một mình. Nếu lưu tâm thì với công nghệ phát triển như ngày nay, các công ty bảo hiểm có thể đáp ứng nhu cầu đó một cách êm xuôi.

Một số vụ, số liệu về người chết một mình

Nội dung Nguồn
1 Đầu tháng 3-2023, ông N.X.N (61 tuổi), sống một mình, được phát hiện chết trong nhà  ở phường Phú Tài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Thi thể ông đang phân hủy, được cho là đã chết khoảng 1 tuần.

 

baobinhthuan.com.vn, ngày 2-3-2023

 

2 Cuối tháng 2-2022, thi thể một phụ nữ 58 tuổi đang phân hủy, được phát hiện trong một căn nhà trên đường Trường Sa, quận 3, TPHCM. Người phụ nữ này sống một mình.

 

plo.vn, ngày 25-2-2022

 

3 Tháng 5-2023, thi thể ông Robert Alton, nhân viên kế toán về hưu, 70 tuổi  được phát hiện ở TP Bolton – Anh. Ông được cho là đã chết từ 6 năm trước.

 

dailymail.co.uk, ngày 10-5-2023

 

4 Năm 2021, Hàn Quốc có hơn 3.300 người chết trong cô đơn, đa số là người từ 50 tuổi trở lên.

 

tuoitre.vn, ngày 14-2-2022

 

5 Ước tính hàng năm có 30.000 người Nhật chết một mình trong nhà, không được phát hiện trong vài ngày hoặc nhiều tuần. https://www.nippon.com/en/in-depth/d00736/

 

 

(*) https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2021/08/Dan-so-gia-hoaVI.pdf

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới