(KTSG) - Đọc kỹ Luật Cư trú 2020 chúng ta sẽ thấy luật chỉ nói sau ngày 31-12-2022 sổ hộ khẩu bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng như một tài liệu xác nhận về cư trú, chứ luật không nói bỏ luôn khái niệm hộ khẩu. Khái niệm hộ khẩu vẫn còn đó, thể hiện qua hai chức năng cơ bản: xác định nơi cư trú của một công dân đồng thời xác định mối quan hệ gia đình giữa những người cùng nơi cư trú.
Chính vì vậy, câu chuyện sổ hộ khẩu vẫn còn dai dẳng trên các phương tiện thông tin đại chúng mặc dù Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo khi giải quyết thủ tục hành chính, tuyệt đối không yêu cầu người dân xuất trình giấy xác nhận cư trú.
Sổ hộ khẩu bằng giấy được bãi bỏ từ đầu năm 2023 sẽ được thay thế bằng nhiều phương cách như sử dụng thẻ căn cước công dân, sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ căn cước công dân, tra cứu thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sử dụng ứng dụng VNeID... Tuy nhiên, hầu hết các phương cách này chỉ giúp xác định nơi cư trú của công dân chứ không giúp xác định mối quan hệ gia đình giữa các công dân với nhau.
Trong khi đó, trong các giao dịch dân sự hiện nay, các bên liên quan vẫn rất cần có một tài liệu, một cuốn sổ, một ứng dụng nào đó giúp xác định mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ con cái... như mua bán nhà đất, đăng ký định mức điện nước, vay ngân hàng, xin học đúng tuyến... Vì thế mới nảy sinh nhu cầu đi xin giấy chứng nhận cư trú vì trong mẫu giấy này có hai mục giúp làm được việc đó gồm họ tên chủ hộ, họ tên các thành viên trong hộ gia đình và quan hệ với chủ hộ.
Thiết nghĩ thay cho cuốn sổ hộ khẩu bằng giấy, cần thực hiện một loại sổ hộ khẩu điện tử mà công dân có thể truy cập dễ dàng để sử dụng khi cần. Nói cách khác, thẻ căn cước công dân nhằm phục vụ mục đích xác định nhân thân và nơi cư trú của công dân, còn sổ hộ khẩu điện tử nhằm xác định mối quan hệ giữa các công dân có liên quan với nhau.
Những vấn đề còn lại chỉ là các giải pháp công nghệ giúp thực hiện ý tưởng nói trên và đây chính là nơi cần có sự góp ý của người dân sao cho việc thực hiện sổ hộ khẩu điện tử là thuận tiện nhất. Khả thi nhất là cải tiến cách người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hiện nay chỉ mới hiển thị 8 mục thông tin cơ bản gồm (1) họ, chữ đệm và tên khai sinh; (2) ngày, tháng, năm sinh; (3) giới tính; (4) nơi đăng ký khai sinh; (5) quê quán; (6) nơi thường trú; (7) số định danh cá nhân; (8) số chứng minh nhân dân. Nay chỉ cần bổ sung thêm các mục như quan hệ với chủ hộ, họ tên vợ hoặc chồng, họ tên cha mẹ... là đủ để làm thành một dạng hộ khẩu điện tử. Với khả năng truy cập và xuất trình thông tin này trong tay, người dân sẽ không cần phải đi xin giấy xác nhận cư trú và các bên thứ ba cũng không cần yêu cầu thêm các loại giấy tờ nào khác.
Tra cứu Cơ sở dữ liệu quốc gia là một trong bảy phương thức thay sổ hộ khẩu nên không cần ban hành thêm văn bản pháp luật nào nữa, cũng không cần làm thêm một ứng dụng nào khác mà chỉ bổ sung các trường thông tin đã có sẵn trong cơ sở dữ liệu. Ngoài ra nếu làm sao cho người dân, khi truy cập để tra cứu thông tin cá nhân như hướng dẫn sẽ thấy hiển thị thông tin đầy đủ như trong giấy xác nhận cư trú cũng sẽ giúp đơn giản hóa quy trình cấp giấy này khi cần.
Trên VNEID, khi truy cập vào định danh điện tử cấp hai của tôi , đã có đầy đủ thông tin hộ khẩu, tên chủ hộ, các thành viên trong sổ hộ khẩu .Nhưng vấn đề là không biết có chỉ đạo từ ai, mà UBND phường không công nhận thông tin trên đó, phải xin xác nhận cư trú nếu muốn công nhận anh em tôi chung một hộ khẩu, thậm chí địa chỉ cư trú in trên cccd cũng không được công nhận
Ứng dụng VNeid hiện nay đã có chức năng như sổ hộ khẩu rồi. Đầy đủ thông tin công dân và các mối quan hệ của các thành viên trong gia đình đều được thể hiện đầy đủ.
Nên rút kinh nghiệm từ bài học ứng dụng Covid. Tránh tình huống mỗi ngành, mỗi kiểu, dân tình khổ sở. Mỗi một ứng dụng (app) khi đưa vào sử dụng chính thức, cần phải trải qua công đoạn kiểm tra kỹ lưỡng (test alpha/beta…). Môi trường công nghệ hiện nay hoàn toàn cho phép cơ quan chức năng tiến hành thử nghiệm rộng rãi, để người dân tiếp cận cách vận hành và sử dụng, thử nghiệm đầy đủ và chắc chắn rồi thì mới chính thức ban hành. Kể cả sau khi ban hành chính thức, cũng phải có bộ phận theo dõi liên tục để chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung, chứ không phải mọi việc cứ thế là xong. Quy trình này hoàn toàn không mới, đã có, đã rõ, đã làm. Đề nghị áp dụng ngay và luôn.