Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Số hóa là con đường khó khăn, nhưng cơ hội cho SME vẫn còn

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong bối cảnh khó khăn chung sau đại dịch, các doanh nghiệp sớm triển khai chuyển đổi số có sức chống chịu tốt hơn. Chính điều này đã thúc đẩy gia tăng nhu cầu số hóa trong tất cả các ngành nghề. Dù đối mặt với những khó khăn riêng về tài chính và con người, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vẫn còn nhiều cơ hội để chuyển đổi số để từ đó thích nghi với những chuyển biến của thị trường.

Đây là nội dung chủ đạo được các diễn giả chia sẻ trong buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Áp lực chuyển đổi số hậu đại dịch: Nguy và Cơ” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Ngân hàng Bản Việt tổ chức ngày 18-11.

Chuyển đổi số: không thể chậm chân

Theo ông Will Nguyễn, Thành viên điều hành/Partner, KPMG Việt Nam, các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu áp dụng công nghệ từ thập kỷ trước, chủ yếu trong khâu vận hành, và tới thời điểm hiện nay thì đã bắt đầu bước vào giai đoạn nâng cấp. Còn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), qua các cuộc khảo sát và chia sẻ gần đây phần lớn đã cho biết họ hiểu được tầm quan trọng của công nghệ và đều đang muốn áp dụng vào hoạt động kinh doanh, sản xuất.

“Đại dịch Covid-19 đã tạo ra quyết tâm mạnh mẽ hơn nơi các doanh nghiệp để làm sao chuyển đổi được chính họ, vì chỉ có công nghệ mới có thể duy trì sự kết nối với đối tác và khách hàng”, ông Will Nguyễn đánh giá.

Các diễn giả trình bày quan điểm tại cuộc tọa đàm “Áp lực chuyển đổi số hậu đại dịch: Nguy và Cơ” vào ngày 18-11.

Áp lực này ngày càng rõ rệt hơn khi nhìn cụ thể từng ngành nghề. Ông Phan Việt Hải, Giám đốc Công nghệ thông tin, Ngân hàng Bản Việt, cho rằng công nghệ là lợi thế cạnh tranh của ngân hàng và hiện ngân hàng nào cũng đang trong giai đoạn đầu tư nhiều.

Sức ép cũng đến từ phía khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, vì nếu không có giải pháp thì rất khó tiếp cận đối tượng khách hàng mới và trẻ. “Nếu ngân hàng không cung cấp được phương án nhanh và hiệu quả nhất thì rất khó tiếp cận được khách hàng”, ông Hải chia sẻ.

Ở lĩnh vực logistics, ông Trần Chí Dũng, Trưởng ban Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ước tính khoảng 80-90% quy trình nghiệp vụ của doanh nghiệp lớn đã được số hóa.

Ở nhóm doanh nghiệp nhỏ, theo ông Dũng, có khoảng 10% là đầu tư công nghệ làm dịch vụ trung gian cho các hãng logistics lớn cần dịch vụ thuê ngoài. Tuy nhiên, còn 90% công ty sử dụng các giải pháp chỉ mới mang tính số hóa nghiệp vụ, chưa có tính quản lý xuyên suốt. “Nhu cầu chuyển đổi số là rất cao”, ông Dũng đánh giá.

Theo ông Will Nguyễn, yếu tố công nghệ hiện nay thực sự ăn sâu vào tư tưởng kinh doanh, thậm chí có doanh nghiệp chưa ra mắt sản phẩm đã phải nghĩ đến yếu tố công nghệ, nền tảng đứng sau. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động thì đây vẫn là bài toán khó.

“Thách thức ở đây là có quá nhiều sự lựa chọn, trong khi lãnh đạo của SME chưa đủ kinh nghiệm để đưa ra quyết định, trong khi đa phần vừa phải tham gia hoạch định chiến lược cũng như vận hành. Doanh nghiệp nên chọn giải pháp nào, hay từ bỏ các tính năng tiện ích bây giờ nhưng có thể lại là sự cản trở trong tương lai?”, đại diện KPMG Việt Nam cho biết.

“Áp lực chuyển đổi số hậu đại dịch: Nguy và Cơ” vào ngày 18-11 là cuộc tọa đàm trực tuyến đầu tiên nằm trong chuỗi ba sự kiện liên tiếp với chủ đề: “Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Cơ hội nào để phục hồi sau đại dịch”.

Thách thức thứ hai được nhắc nhiều đến là nguồn lực. Theo đó, doanh nghiệp vẫn phải hoạt động để tồn tại, chia sẻ nguồn lực thời gian từ phía nhân viên, những công việc hàng ngày nhưng vẫn phải tham gia chuyển đổi.

Dù vậy, SME cũng có những lợi thế nhất định. “Doanh nghiệp nhỏ là cơ hội áp dụng công nghệ thành công dễ dàng nhất, vì quy mô không quá phức tạp, không nhiều dữ liệu trong quá khứ để chuyển đổi. Doanh nghiệp càng nhỏ thì càng chuyển đổi dễ hơn, tự tin để chuyển đổi”, ông Will Nguyễn cho biết.

“Nhỏ vẫn có võ”

Một ví dụ điển hình là trường hợp của Ngân hàng Bản Việt, dù có quy mô nhỏ, nhưng kết quả thu được từ các hoạt động chuyển đổi số trong những năm gần đây là khá tốt.  “Ngân hàng Bản Việt không thể xây dựng hệ sinh thái như những ngân hàng lớn khác được, như Big 4 chẳng hạn. Tuy nhiên, chúng tôi có thế mạnh là nhỏ và linh hoạt, có sự quan tâm từ ban lãnh đạo nên đưa ra các phương án thực hiện số hóa tương đối sớm và hiệu quả”, ông Phan Việt Hải đến từ Ngân hàng Bản Việt, chia sẻ.

Theo ông Hải, để giải quyết bài toán này, Ngân hàng tập trung vào việc tìm hiểu các xu hướng để lựa chọn phương án đầu tư phù hợp. Lãnh đạo gặp nhau thường xuyên, tự học lẫn nhau và làm việc với đơn vị tư vấn, tìm hiểu về mô hình chuyển đổi số phù hợp của các tổ chức tương tự ngân hàng.

“Khi đã có kiến thức, tư vấn, sự am hiểu nghiệp vụ và tình hình hoạt động thì chúng tôi đưa ra lộ trình số hóa phù hợp với ngân hàng cho đến thời điểm hiện tại. Chúng tôi bắt đầu từ các giải pháp đơn giản, xây dựng văn hóa và thói quen của đội ngũ, tạo ra quick-win, giảm chi phí, từ đó thu hút thêm khách hàng”, ông Hải kể lại quá trình số hóa của ngân hàng.

Mặt khác, Ngân hàng Bản Việt còn chọn hướng đi kết nối với đối tác bên ngoài. Với các đơn vị fintech, Ngân hàng kết nối để mở rộng phạm vi giao dịch, còn với các SME, ngân hàng “nhúng” giải pháp thanh toán vào nền tảng quản lý khác của doanh nghiệp như về kế toán, nhân sự, hóa đơn, thuế,… Trong thời gian tới, các dịch vụ trực tuyến sẽ được đẩy mạnh, thay thế cho các dịch vụ tại quầy nếu khách hàng bận rộn.

Ở góc độ quan sát chuỗi cung ứng, ông Dũng cho rằng cơ hội hiện nay trong ngành vẫn còn nhiều. Thực tế trong mùa dịch vừa qua thì có nhiều công ty sụp đổ, nhưng đơn hàng vẫn đổ dồn về những công ty có quy trình chặt chẽ, có hệ thống thông tin với chủ hàng, bên ngân hàng, đối tác hay bảo hiểm. “Nhiều doanh nghiệp không giải quyết được vấn đề của khách hàng thì họ sẽ đổ về công ty có hệ thống thông tin tốt, công nghệ tốt”, ông Dũng đánh giá.

Theo chia sẻ của đại diện VLA, có những công ty nhỏ nhưng doanh số tăng đến 50-60% trong quí vì sử dụng hệ thống công nghệ đạt chuẩn quốc tế. “Nhu cầu thị trường nhiều, lượng cung tải thấp, nhu cầu cao, vấn đề là xử lý thông tin”, ông Dũng chia sẻ.

Tại tọa đàm, nhiều câu hỏi về vấn đề an ninh, bảo mật khi sử dụng các giải pháp số của bên thứ ba cũng được nhắc đến. Ông Will Nguyễn của KPMG Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp cần thận trọng khi lựa chọn giải pháp, cần biết rõ nguồn gốc. Bởi theo vị chuyên gia này, các nhà cung ứng có tên tuổi đã và đang đầu tư nhiều vào các hoạt động an toàn, bảo mật.

Tương tự, ông Hải của Ngân hàng Bản Việt cho rằng các đối tác cung cấp giải pháp điện toán đám mây có quy mô lớn thì thường là nhà cung ứng có nhiều khách hàng tại nhiều thị trường khác nhau,  họ phải tuân thủ nguyên tắc bảo mật ở nhiều nền kinh tế, quốc gia tiên tiến, nên doanh nghiệp có thể an tâm sử dụng giải pháp của các nhà cung ứng này.

Về những khuyến nghị dành cho SME, ông Dũng cho rằng các doanh nghiệp cần phải có sự kết nối với nhau vì “không ai một mình làm hết mọi thứ”. Bài toán chi phí đầu tư công nghệ cũng có thể được giải quyết nếu có đầy đủ các bên tham gia trong nền tảng, theo kiểu cộng đồng. Nhưng khía cạnh khác thì chủ doanh nghiệp cần phải chủ động, sáng tạo chứ không thể ngồi im chờ đợi sự hỗ trợ nào đó.

Mối quan hệ cộng sinh cũng được nhắc đến giữa ngân hàng và SME. Theo ông Hải, trong xu hướng kinh doanh nền tảng hiện nay, dữ liệu của doanh nghiệp ngày càng trở nên rõ ràng hơn, minh bạch hơn nên khi doanh nghiệp cần vay vốn thì việc thẩm định sẽ diễn ra tự động và giao dịch sẽ rất nhanh.

“Công nghệ thì ngân hàng đã sẵn sàng. Còn các doanh nghiệp SME nên tận dụng sức mạnh hệ sinh thái để kinh doanh, quản trị, tiếp cận dịch vụ đối tác, đơn vị tài chính một cách dễ dàng hơn”, ông đưa ra khuyến nghị.

Kinh doanh nền tảng và phân tích dữ liệu sẽ lên ngôiMột xu hướng được nhiều diễn giả nhắc đến hiện nay là kinh doanh trên các nền tảng do những “ông lớn” khác xây dựng. Những tập đoàn này không thể nào có hết tất cả các dịch vụ nên sẽ kết hợp thêm với các nhà cung cấp, đưa dịch vụ của SME đến người tiêu dùng. Đây là cơ hội cho các SME.Doanh nghiệp do đó cần nghiên cứu ứng dụng các giải pháp số, trong đó có giải pháp điện toán đám mây. Các những nhà cung cấp giải pháp sẽ luôn cập nhật, nâng cấp chức năng chứ các SME không thể nào tự đầu tư được. Xu hướng này cũng dẫn tới xu hướng phân tích dữ liệu, nếu không thì không rất khó cạnh tranh được. Theo đó, từ việc gia nhập nền tảng, các quan hệ hợp tác, sẽ dẫn đến nhu cầu phân tích dữ liệu. Nếu như  dữ liệu trước đây là sở hữu riêng, thì giờ kết nối với nhau cũng sẽ mang đến công cụ và cơ hội phân tích mạnh mẽ hơn, để hiểu được cả xu hướng liên quan đến lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới