(KTSG Online) – Bộ Công Thương vừa công bố danh sách 161 thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. So với lần công bố vào tháng 8-2023 thì số thương nhân được nhận giấy chứng nhận giảm gần 24%.
- Xuất khẩu gạo Việt Nam lập kỷ lục với gần 4,7 tỉ đô la trong năm qua
- Ổn định đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo
Trong số 161 thương nhân này, TPHCM có 36 thương nhân đủ điều kiện, tiếp đến là Cần Thơ với 34 thương nhân, Long An 22 thương nhân, Đồng Tháp 15 thương nhân, An Giang 14 thương nhân, theo TTXVN.
Một số địa phương chỉ có 1 thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo là Hà Nam, Hậu Giang, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Thanh Hóa.
Trước đó, trong danh sách công bố vào tháng 8-2023, cả nước có tổng cộng 210 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, nhưng đến tháng 10-2023 chỉ còn 170 thương nhân. Tính ra, so với lần công bố vào 8-2023 thì trong lần công bố này, số thương nhân giảm là 49, tương đương khoảng gần 24%.
Theo Bộ Công Thương, năm 2023 xuất khẩu gạo đạt trên 8,1 triệu tấn, giá trị thu về gần 4,7 tỉ đô la Mỹ.
Về thị trường, các chuyên gia thương mại dự báo giá gạo xuất khẩu sẽ còn biến động theo chiều hướng tăng trong năm 2024 do các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ, theo TTXVN.
Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia như Indonesia, Philippines gia tăng sẽ có tác động làm tăng giá gạo xuất khẩu. Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu hecta, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn, đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo.