Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Số người siêu giàu của châu Á giảm mạnh nhất thế giới

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lượng dân số siêu giàu của châu Á - được định nghĩa là các cá nhân có giá trị ròng cực cao, hơn 30 triệu đô la Mỹ - đã giảm 10,9% trong năm ngoái, đánh dấu mức giảm mạnh nhất so với các khu vực còn lại của thế giới.

Năm ngoái, trong 10 nền kinh tế có lượng người siêu giàu cao nhất thế giới, chỉ có Ấn Độ chứng kiến sự gia tăng số lượng cá nhân có giá trị tài sản ròng cao, với mức tăng 3,2% lên 8.880 người. Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về số người siêu giàu dù giảm 4,9% trong năm 2022. Ảnh: Daily Mail

Thông tin trên được nêu ra trong một báo cáo của Công ty dữ liệu Altrata (Anh) phát hành trong tuần này. “Dân số siêu giàu của châu Á giảm gần 11% trong năm 2022, nhiều hơn so với bất kỳ khu vực nào, xuống còn 108.370 người”, báo cáo cho hay.

Nguyên nhân là do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để kiểm soát Covid-19 của Trung Quốc, cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng như tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng ở châu Á.

Báo cáo lưu ý, các thị trường siêu giàu thiên về công nghệ như Hàn Quốc và Đài Loan cũng chịu sức ép lớn khi hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng bị ảnh hưởng do tác động của chiến sự Ukraine.

Theo báo cáo, tổng tài sản ròng của dân số siêu giàu ở châu Á đạt 12,13 ngàn tỉ đô la so với 11,73 ngàn tỉ đô la của giới siêu giàu ở châu Âu.

Châu Âu chứng kiến dân số siêu giàu giảm 7,1%, xuống còn 100.850 cá nhân có giá trị ròng cao trong năm ngoái. Các nhà nghiên cứu Altrata chỉ ra rằng, chiến sự Ukriane -  Nga đã gây ra tác động trực tiếp, làm giảm đáng kể giá trị tài sản của giới siêu giàu ở châu Âu.

Cú sốc lạm phát do Moscow thắt chặt nguồn cung năng lượng, tâm lý lo ngại rủi ro gia tăng và tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng là các nguyên nhân chính khiến dân số siêu giàu của khu vực này suy giảm.

Ấn Độ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới vào năm 2022, nhờ đó, dân số siêu giàu của nước này tăng 3%.

Báo cáo của Altrata  cho biết, Bắc Mỹ, thị trường siêu giàu lớn nhất thế giới với tổng tài sản ròng là 16,47 ngàn tỉ đô la, giảm 4% xuống còn 142.990 cá nhân. Nguyên dân chính là do chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kể từ tháng 3-2022 để chống lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập niên.

Trung Đông, Mỹ Latin và Caribê chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng cá nhân siêu giàu. Năm ngoái, Trung Đông ghi nhận mức tăng dân số siêu giàu 15,7%, phần lớn là do giá hàng hóa năng lượng tăng đột biến. Trong khi đó, dân số siêu giàu của Mỹ Latin và Caribê tăng 17,5%.

Trong 10 nền kinh tế có lượng người siêu giàu cao hàng đầu được trích dẫn trong báo cáo, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Hồng Kông, chỉ có Ấn Độ chứng kiến ​​sự gia tăng số lượng cá nhân có giá trị tài sản ròng cao.

“Ấn Độ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm 2022. Điều đó hỗ trợ mức tăng 3% dân số siêu giàu của nước này”, báo cáo của Altrata nhấn mạnh.

Nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 7,8% trong quí 2-2023, đánh dấu tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong một năm.

Trong thập niên qua, 10 thị trường siêu giàu lớn nhất đều nằm ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Nhưng Altrata cho rằng có thể sẽ có một “sự thay đổi khiêm tốn” trong 10 năm tới, với Saudi Arabia, Brazil và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chứng kiến dân số siêu giàu tăng trưởng mạnh mẽ.

Trên toàn cầu, số lượng người siêu giàu giảm hơn 5,4% trong năm 2022. Đây là mức giảm hàng năm đầu tiên trong 4 năm gần nhất.

Hồng Kông vẫn dẫn trước thành phố New York với tư cách là thành phố có dân số siêu giàu lớn nhất thế giới, với 12.615 người so với 11.845 người ở New York. Tuy nhiên, vị trí dẫn đầu của Hồng Kông đã thu hẹp đáng kể, khi nhóm người siêu giàu của thành phố này giảm 23% năm ngoái, trong khi New York tăng 2,3%.

Dân số siêu giàu của Singapore ghi nhận mức tăng 13,4% lên 4.160 người vào năm ngoái. Singapore đứng ở vị trí thứ 7 trong danh sách 10 thành phố có dân số siêu giàu lớn nhất. Trong khi đó, dân số siêu giàu Tokyo giảm 27% xuống còn 3.710 người, đứng ở vị trí thứ 9.

Bất chấp những biến động gần đây, Altrata dự đoán số lượng người siêu giàu trên toàn cầu sẽ tăng trong 5 năm tới, từ 395.070 lên 528.100 người, chủ yếu là nhờ sự gia tăng nhanh chóng của dân số siêu giàu ở châu Á. Tài sản của giới siêu giàu của thế giới dự kiến tăng hơn 30%, lên 60,3 ngàn tỉ đô la vào năm 2027. Bắc Mỹ được kỳ vọng duy trì vị thế là khu vực siêu giàu hàng đầu thế giới.

 Theo CNBC, SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới