Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Số người vỡ nợ ở Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Số người vay tiền vỡ nợ ở Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, phản ánh rõ mức độ trì trệ của nền kinh tế của đất nước và gây trở ngại cho quá trình phục hồi hoàn toàn.

Người lao động nhập cư ở một nhà ga tại Thượng Hải. Ảnh: Flickr

Theo số liệu từ các tòa án địa phương ở Trung Quốc, hiện có tổng cộng 8,54 triệu người, hầu hết trong độ tuổi từ 18-59, chính thức bị chính quyền đưa vào danh sách đen sau khi không thanh toán được các khoản vay, từ vay thế chấp mua nhà cho đến vay doanh.

Con số đó tương đương với khoảng 1% người trưởng thành ở Trung Quốc trong độ tuổi lao động, tăng so với con số 5,7 triệu người vỡ nợ vào đầu năm 2020 do lệnh phong tỏa kiểm soát đại dịch và các hạn chế khác cản trở tăng trưởng kinh tế, khiến thu nhập hộ gia đình suy giảm.

Số lượng người vỡ nợ tăng vọt sẽ làm tăng thêm khó khăn trong việc củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối nền kinh tế lớn lớn thứ hai thế giới. Tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng cũng làm nổi bật vấn đề Trung Quốc  thiếu luật phá sản cá nhân có thể giúp giảm tác động tài chính và xã hội từ các khoản nợ tăng vọt.

Theo luật pháp Trung Quốc, những người quá hạn trả nợ trong danh sách đen bị cấm tham gia một loạt hoạt động kinh tế, bao gồm mua vé máy bay và thanh toán qua các ứng dụng di động như Alipay và WeChat Pay. Điều này càng tạo thêm lực cản cho nền kinh tế vốn đang lao đao vì khủng hoảng bất động sản và niềm tin của người tiêu dùng. Người vay tiền sẽ bị đưa vào danh sách đen sau khi bị các chủ nợ như ngân hàng khởi kiện vì nợ quá hạn, nhưng sau đó, tiếp tục bỏ lỡ thời hạn thanh toán tiếp theo.

“Số người vỡ nợ tăng vọt ở Trung Quốc là sản phẩm của không chỉ các vấn đề mang tính chu kỳ mà còn cả về cơ cấu. Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn”, Dan Wang, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Hang Seng Bank China bình luận.

Cuộc khủng hoảng nợ cá nhân diễn ra sau làn sóng vay tiền của người tiêu dùng Trung Quốc. Theo Viện Tài chính và phát triển quốc gia, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh, tính đến tháng 9, nợ hộ gia đình tính theo phần trăm GDP của Trung Quốc tăng gần gấp đôi trong thập niên qua, lên 64%.

Tuy nhiên, các khoản nợ này ngày càng trở nên khó quản lý khi tăng trưởng tiền lương của người lao động Trung Quốc đình trệ hoặc suy giảm trong bối cảnh kinh tế bất ổn. Nhiều người tiêu dùng mất khả năng trả nợ khi họ phải vật lộn kiếm sống hoặc tìm việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đạt mức mức kỷ lục 21,3% trong tháng 6, khiến giới chức trách phải ngừng báo cáo dữ liệu.

“Tôi sẽ thanh toán nợ thẻ tín dụng 28.000 nhân dân tệ (4.000 đô la Mỹ) khi tôi kiếm được việc làm nhưng tôi không biết khi nào có việc làm”, John Wang, một nhân viên văn phòng ở Thượng Hải, người đã không trả được nợ sau khi bị sa thải vào tháng 5 nói.

Trong tháng này, Ngân hàng Thương nhân Trung Quốc cho biết, các khoản nợ xấu quá hạn thanh toán 90 ngày từ thẻ tín dụng của ngân hàng này tăng 26% trong năm 2022 so với năm trước. Theo dữ liệu của China Index Academy, một công ty tư vấn ở Thượng Hải, trong 9 tháng đầu năm 2023, có 584.000 ngôi nhà bị tịch biên ở Trung Quốc do người vay thế chấp mất khả năng trả nợ. Con số này tăng gần 1/3 so với một năm trước đó.

Cuộc sống của những người vỡ nợ nằm trong danh sách đen có thể gặp khó khăn khi họ đối mặt hàng loạt hạn chế do nhà nước áp đặt. Những người này và gia đình của họ bị cấm làm việc cho chính phủ và thậm chí còn có thể bị cấm sử dụng đường thu phí.

Jane Zhang, chủ một công ty quảng cáo ở tỉnh Giang Tây, người không trả được nợ ngân hàng, cho biết rất hoảng sợ khi hồi tháng 5, tòa án địa phương cấm cô sử dụng WeChat Pay để mua đồ ăn cho đứa con mới biết đi.

“Tôi lo con trai tôi sẽ bị bỏ đói vì tôi không có tiền mặt trong tay và tất cả các giao dịch mua sắm hàng ngày của tôi đều được thực hiện thông qua WeChat Pay”, Zhang, người sau đó đã xin tòa bỏ lệnh cấm thanh toán di động trong khi vẫn giữ nguyên các hình phạt khác nói.

Zhang quyết định đóng cửa công ty quảng cáo vì các cơ quan chính quyền địa phương bị cấm làm việc với các công ty nằm trong danh sách đen. “Tòa nói cuộc sống của tôi sẽ trở lại bình thường nếu tôi trả hết nợ. Nhưng làm sao tôi có thể kiếm tiền khi đang phải đối mặt với quá nhiều hạn chế?”,  Zhang nói.

Khi tình trạng vỡ nợ tăng cao, các chuyên gia pháp lý đề xuất ban hành luật phá sản cá nhân để giảm nợ cho những người mất khả năng thanh toán.

“Chúng ta cần tìm ra cách giúp những cá nhân vỡ nợ đứng lên trở lại”, Liu Junhai, giáo sư luật của Đại học Nhân dân Trung Quốc, người giúp soạn thảo luật phá sản doanh nghiệp của Trung Quốc nói.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu minh bạch liên quan đến tài chính cá nhân đã khiến các biện pháp đó khó thực hiện. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đạt được rất ít tiến bộ trong việc thông qua quy định về công khai tài sản cá nhân do vấp phải phản ứng dữ dội từ các quan chức chính quyền và các nhóm lợi ích khác vì họ  lo ngại quy định này có thể làm lộ ra các hành vi tham nhũng.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới