(KTSG Online) - Singapore soán ngôi Hồng Kông để trở thành nền kinh tế tự do nhất thế giới, theo báo cáo công bố mới đây của Viện Fraser, tổ chức tư vấn chính sách công ở Canada.
- Các yếu tố giúp Singapore trở thành trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu
- Singapore thành thỏi nam châm hút giới đầu tư Trung Quốc
Báo cáo Chỉ số tự do kinh tế thế giới năm 2023 của Fraser dựa trên dữ liệu từ năm 2021, năm gần đây nhất có số liệu thống kê có thể so sánh được trên 165 nền kinh tế. Chỉ số này đo lường sự tự do kinh tế của các cá nhân, hoặc khả năng tự họ đưa ra các quyết định kinh tế.
Một số tiêu chí được Viện nghiên cứu Fraser sử dụng để đánh giá chỉ số tự do kinh tế bao gồm mức độ dễ dàng trong thương mại quốc tế, quyền tự do gia nhập và cạnh tranh trên thị trường, các quy định kinh doanh, sự can thiệp quân sự, tính ổn định của hệ thống pháp lý cùng với các thước đo khác.
Báo cáo cho thấy, lần đầu tiên kể từ khi Viện Fraser giới thiệu Chỉ số tự do kinh tế thế giới bắt đầu vào năm 1970, Hồng Kông tụt xuống vị trí thứ hai để nhường lại vị trí số một cho Singapore.
Theo báo cáo, các rào cản pháp lý mới mà Bắc Kinh áp đặt đối với việc gia nhập kinh doanh, và các giới hạn trong việc sử dụng lao động nước ngoài làm gia tăng chi phí lao động, khiến thứ hạng của Hồng Kông suy giảm.
“Sự tụt hạng của Hồng Kông là một ví dụ cho thấy tự do kinh tế có mối liên hệ mật thiết như thế nào với tự do dân sự và chính trị”, Matthew Mitchell, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Fraser, giải thích.
Vào năm 2020, Trung Quốc đã áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông. Theo luật mới, tội ly khai và nổi loạn có thể bị phạt tù lên tới chung thân. Tuy nhiên, những ý kiến chỉ trích cho rằng luật này hạn chế quyền tự trị của Hồng Kông, vốn được quản lý theo mô hình một quốc gia hai chế độ kể từ sau khi được Anh trao trả về Trung Quốc.
Mitchell cho rằng, động thái siết chắt quản lý an ninh và những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát khu vực tư nhân ở Hồng Kông chắc chắn sẽ khiến tự do kinh tế suy giảm.
Báo cáo của Viện Fraser giải thích những cải thiện về quy mô bộ máy chính quyền và các cơ quan quản lý đã giúp điểm số tự do kinh tế của Singapore tăng lên để chiếm vị trí dẫn đầu.
Singapore được hưởng lợi từ làn sóng chuyên gia và doanh nghiệp nước ngoài đã rời khỏi Hồng Kông để đến kinh doanh ở quốc gia Đông Nam Á này.
Thụy Sĩ, New Zealand và Mỹ lần lượt chiếm vị trí thứ ba, thứ tư và thứ năm trong chỉ số trên. Anh đứng ở vị trí thứ chín, trong khi Nhật Bản và Đức lần lượt chiếm vị trí thứ 20 và 23.
Trong một báo cáo hồi tháng 3, Hội đồng Đại Tây Dương, tổ chức tư vấn các vấn đề quốc tế, có trụ sở ở Washington, cũng nhận định rằng, những thay đổi trong chuẩn mực chính trị của có thể khiến vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của thành phố này gặp rủi ro.
Trong khi đó, Singapore vẫn giữ được quyền tự do kinh tế vững chắc nhờ việc bảo vệ quyền sở hữu cũng như thực thi các quy định chống tham nhũng, theo The Heritage Foundation. Singapore cũng có chế độ thuế cạnh tranh và môi trường pháp lý minh bạch hơn.
Phản hồi trước báo cáo của Viện Fraser, người phát ngôn của chính quyền Hồng Kông cho biết thành phố đang nỗ lực tăng cường hỗ trợ thị trường và quản lý doanh nghiệp “theo cách phù hợp để đảm bảo môi trường kinh doanh cởi mở và công bằng”.
Người phát ngôn cũng bác bỏ những kết luận của báo cáo liên quan sự xói mòn niềm tin vào sự công bằng của Hồng Kông. Người phát ngôn khẳng định Hồng Kông có “mức độ tự chủ cao” và xem “bình đẳng trước pháp luật” là nguyên tắc cơ bản.
Theo CNBC, IBTimes