Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sôi động cuộc đua cung cấp năng lượng tái tạo cho Singapore

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Singapore - đảo quốc nhỏ giàu có, đầy tiềm năng nhưng còn nhiều hạn chế về tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả tài nguyên tái tạo như năng lượng gió. Vì vậy, nhu cầu đặc biệt về năng lượng tái tạo ở đảo quốc sư tử luôn hấp dẫn nhiều nước trong khu vực cùng bước vào cuộc đua sôi động, trong đó có Việt Nam.

Singapore đặt ra mục tiêu nhập khẩu 4 GW điện sạch đến 2035 từ các nước trong khu vực, chiếm 30% tổng nguồn cung điện năng của Singapore, góp phần đạt phát thải ròng CO2 bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050 theo như cam kết của Chính phủ.

Thực hiện cam kết này, từ năm 2021-2022, Cơ quan Quản lý thị trường Năng lượng Singapore (EMA) đã hai lần phát hành yêu cầu chào giá (RFP) nhập khẩu và cung cấp năng lượng sạch vào Singapore. Theo Bộ trưởng thứ hai Bộ công thương Singapore, đến tháng 2-2023 EMA đã nhận được hơn 20 đề xuất cung cấp điện sạch theo các hồ sơ yêu cầu chào giá.

Là quốc gia có sự liên kết với Singapore thông qua dự án lưới điện tích hợp Lào - Thái Lan – Malaysia - Singapore (LTMS PIP), Lào đã trở thành một trong những nước đầu tiên tham gia cuộc đua cung cấp năng lượng sạch cho Singapore từ nguồn thủy điện với công suất ban đầu là 100 MW.

Malaysia cũng không đứng ngoài cuộc với dự án hợp tác giữa công ty điện do Chính phủ bang sở hữu Sarawak Energy Bhd (Malaysia), Tập đoàn Sembcorp Industries và Tập đoàn SB (Singapore) cung cấp thủy điện từ Kuching (Sarawak) đến Singapore thông qua đường cáp ngầm cao thế dưới biển dài khoảng 700 km.

Tuy nhiên, để bảo vệ an ninh năng lượng cho đất nước thì Chính phủ Liên bang Malaysia dưới thời Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob vào tháng 10-2021 đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu năng lượng tái tạo (NLTT). Mặc dù vậy thì theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia - Nik Nazmi, Chính phủ Malaysia hiện nay đã họp bàn hai lần và hiện đang xem xét dỡ bỏ chính sách cấm xuất khẩu năng lượng tái tạo.

Cũng theo ông Nik Nazmi, đề xuất chính thức bằng văn bản sẽ sớm được Bộ Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu đệ trình.

Ngày 15-3, Tập đoàn Keppel của Singapore lần đầu tiên nhận được phê duyệt có điều kiện từ EMA để nhập khẩu 1 GW điện sạch từ Cam-pu-chia. Keppel thông qua công ty con là Keppel Energy Pte Ltd đã ký Thỏa thuận mua và xuất khẩu điện lâu dài (PPEA) với Tập đoàn Royal Group Power Company, Ltd. của Cam-pu-chia. “Thương vụ” sẽ xuất khẩu 1 GW điện sạch, chủ yếu từ nguồn điện mặt trời, thủy điện và có thể cả điện gió từ Cam-pu-chia sang Singapore, thông qua đường cáp cao thế dưới biển dài khoảng 1.000 km kết nối hai nước.

Lễ ký thỏa thuận mua và xuất khẩu điện giữa Kepple Energy Pte Ltd (Singapore) và Royal Group Power Company, Ltd. (Cam-pu-chia).

Còn tại Indonesia, ngày 16-3 Bộ trưởng Bộ Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan và Bộ trưởng Bộ An ninh Singapore Teo Chee Hean thay mặt hai Chính phủ Indonesia và Singapore ký bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tạo điều kiện cho việc đầu tư vào các cơ sở hạ tầng điện mặt trời, hydrogen, ammonia cũng như pin lưu trữ năng lượng, xuất khẩu năng lượng sạch vào Singapore.

Doanh nghiệp hai nước cũng đã ký hàng loạt các thỏa thuận hợp tác trong giai đoạn 2021-2022. Theo đó, công ty NLTT có trụ sở tại Singapore Quantum Power Asia và đối tác là Công ty Đức Ib Vogt vào tháng 4-2022 đã công bố dự kiến đầu tư 5 tỉ đô la Mỹ để xây dựng hệ thống điện mặt trời công suất 3,5 GW. Cùng với đó là hệ thống pin lưu trữ năng lượng công suất 12 GWh trên quần đảo Riau của Indonesia ở Biển Đông, bắt đầu đưa điện sạch vào Singapore từ 2032 nếu được EMA phê duyệt.

Tháng 1-2022, các công ty gồm Masdar của Abu Dhabi (UAE), Tuas Power (Singapore), EDF Renewables (Pháp) và Indonesia Power cũng ký bản ghi nhớ (MOU) phát triển 1,2 GW điện mặt trời tại Indonesia, cùng hệ thống lưu trữ năng lượng để xuất khẩu sang Singapore.

Trước đó, năm 2021 Công ty Sembcorp (Singapore), PLN Batam (Indonesia) và nhà phát triển NLTT Indonesia Trisurya Mitra Bersama (Suryagen) đã ký thỏa thuận để xây dựng 1 GW điện mặt trời tại các khu vực Bintan, Batam và Karimun cùng hệ thống lưu trữ năng lượng lớn phục vụ nhu cầu của địa phương và xuất khẩu sang Singapore.

Đối tác “kinh tế số, kinh tế xanh” giữa Singapore - Việt Nam

Là nước trong khu vực Đông Nam Á có tiềm năng dồi dào nhất về năng lượng tái tạo với công suất ước tính khoảng 600 GW điện gió ngoài khơi theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc đua hấp dẫn và sôi động này.

Năm 2023, Singapore và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác “kinh tế số, kinh tế xanh”. Trong khuôn khổ mối quan hệ hợp tác tốt đẹp đó, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), đơn vị thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đã ký thỏa thuận phát triển chung (JDA) với Tập đoàn Sembcorp của Singapore đầu tư trang trại điện gió ngoài khơi khoảng 2,3 GW tại Việt Nam, cùng hệ thống pin lưu trữ năng lượng để xuất khẩu khoảng 1.2 GW năng lượng sạch sang Singapore thông qua tuyến cáp ngầm cao áp dưới biển. Hiện tại PTSC đã nộp hồ sơ và đang chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt cho phép tiến hành khảo sát địa điểm thực hiện dự án.

Lễ trao thỏa thuận phát triển chung giữa Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và Tập đoàn Sembcorp (Singapore).

Chưa bao giờ cuộc đua cung cấp năng lượng sạch cho Singapore từ các nước trong khu vực Đông Nam Á đang nóng hơn bao giờ hết với sự tham gia của các nước Cam-pu-chia, Lào, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Theo một số nguồn tin, Thái Lan được cho cũng sẽ sớm tham gia. Miếng bánh 4 GW năng lượng sạch nhập khẩu đầy hấp dẫn của Singapore đang trở lên bé nhỏ hơn bao giờ hết và những quốc gia chậm chân sẽ rất có thể trắng tay trong việc chiếm lĩnh thị phần đầy khốc liệt này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới