(KTSG Online) - Chỉ trong vòng ba tháng gần đây đã xảy ra ít nhất ba vụ cán bộ trong bộ máy công quyền hành hung, hăm doạ người dân chỉ vì bị nhắc nhở vì đậu xe ô tô cản đường. Cách hành xử kiểu ỷ thế ỷ quyền bất chấp luật lệ và đạo đức xã hội như vậy - mà dân gian thường gọi là “ông trời con” - đã làm hình ảnh người cán bộ công chức trong mắt người dân trở nên hết sức xấu xí.
Điểm qua thì tất cả người gây ra vụ việc đều là người có chức vụ: một người là Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), một người là đại úy - Phó đội trưởng thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh Bình Dương) và một người là Phó trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên (Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế).
Đáng nói nhất là cách hành xử rất thiếu văn hoá trong cả ba vụ này, nếu đúng như báo chí tường thuật lại vụ việc. Trong vụ đầu tiên xảy ra tại Hà Nội, ông vụ phó đã thẳng tay tát vào mặt người phụ nữ hàng xóm khi đôi bên lời qua tiếng lại(1).
Trong vụ thứ nhì tại Bình Dương, viên đại úy công an đã thách thức khi được yêu cầu đậu xe tránh lối đi: “mày ngon thì cứ gọi công an lên đi, tao công an nè”. Sau khi xảy ra cự cãi, nhóm người đàn ông đã lao vào đánh người phụ nữ. Trong đó, người tự xưng là công an dùng tay đấm, thúc chỏ vào lưng, đầu và bụng người phụ nữ trước sự chứng kiến của nhiều người(2).
Mới đây nhất, đêm 16-4 vừa qua tại Thừa Thiên Huế, khi người phụ nữ chủ nhà yêu cầu lái xe đậu lùi lại tránh cửa ra vào thì ông phó trưởng phòng xuất hiện và thay vì lùi xe thì ông ta lái xe thẳng vào chặn luôn cửa nhà người dân và thách thức: “lỡ sai rồi thì sai luôn, sai thêm chút cũng không sao”, “chủ nhà thích chi thì anh chiều, muốn báo công an thì anh báo giúp, muốn đăng Hue-S thì anh thách luôn”, rồi doạ tiếp “anh làm ở Sở Nội vụ đây”(3).
Với sự phổ biến của mạng xã hội, smartphone và camera an ninh, hành vi đáng xấu hổ của những vị cán bộ công chức “ông trời con” này đều được ghi lại tường tận và lan toả khắp nơi trên internet khiến họ không thể chối cãi.
Thật khó chấp nhận cách hành xử trong các vụ việc nói trên vì đánh người khác trong khi mình sai là hành vi mang tính côn đồ; đằng này đường đường là đàn ông mà lại đi đánh phụ nữ thì cái sai càng nhân đôi nếu xét theo quy chuẩn đạo đức của một xã hội văn minh.
Tất nhiên, những cán bộ này đều bị cơ quan xử lý kỷ luật như đình chỉ công tác, hạ lương, cắt thi đua… nhưng có lẽ các biện pháp này chưa đủ. Khác với một công dân bình thường, người công chức là đại diện của bộ máy công quyền. Họ không thể hành xử tuỳ tiện, thách thức người dân, xem thường pháp luật trong khi lẽ ra họ phải là người gương mẫu trong việc chấp hành và thượng tôn pháp luật.
Vì vậy, để giải quyết tận gốc tình trạng “ông trời con” này, cần mạnh tay loại trừ họ khỏi bộ máy để làm gương, tránh xảy ra tiếp những vụ việc tương tự làm xấu mặt bộ máy công quyền.
Trong truyện Kiều, Hồ Tôn Hiến là tổng đốc trọng thần trong lúc say rượu đã có những hành vi “không chuẩn mực về đạo đức” - theo cách gọi của chúng ta hiện nay - với Thuý Kiều. Khi tỉnh rượu, viên tổng đốc này đã biết tự hổ thẹn rằng:
Hạ công chén đã quá say,
Hồ công đến lúc rạng ngày nhớ ra.
Nghĩ mình phương diện quốc gia,
Quan trên nhắm xuống người ta trông vào.
Phải tuồng trăng gió hay sao,
Sự này biết tính thế nào được đây?
Là công bộc đất nước thì phải luôn nhớ và luôn phải giữ gìn hình ảnh phương diện quốc gia mà mình đại diện, không thể hành xử tuỳ tiện!
---------------------
(1) https://vtc.vn/khien-trach-pho-vu-truong-cua-bo-tn-mt-danh-phu-nu-vi-cho-do-o-to-ar660198.html
(2) https://tienphong.vn/xuat-hien-clip-5-nguoi-dan-ong-danh-1-phu-nu-gay-xon-xao-o-binh-duong-post1430180.tpo
(3) https://thanhnien.vn/nhac-do-xe-cho-dung-nguoi-dan-to-bi-pho-phong-so-noi-vu-co-tinh-thach-thuc-post1449546.html
Công bộc/ công chức/ công dân. Cả ba đối tượng này đều sở hữu những phẩm chất riêng biệt. Công bộc là quan chức tinh hoa của xã hội, có sứ mệnh phục vụ nhân dân và đất nước. Công chức là viên chức của nhà nước, có trách nhiệm thực hiện và gìn giữ kỷ cương phép nước. Công dân, trước hết phải là người dân biết tuân thủ pháp luật, đạo đức xã hội, biết chăm lo cho bản thân mình và gia đình. Một công bộc/ công chức giỏi trước hết phải là công dân tốt. Nếu ai cũng vậy thì lo gì quốc gia không hùng mạnh, phú cường ? Ngược lại, thì sẽ xã hội sẽ rối loạn, đất nước sẽ lầm than.
Bộ máy công quyền nói riêng, quản trị nói chung, để trở nên hữu hiệu, thì cần có 5T (Tinh gọn/ Tinh hoa/ Tinh tường/ Tinh thông/ Tinh tấn) – 5K (Không biết/ Không dám/ Không thể/ Không muốn/ Không cần tham nhũng) – 5L (Lương đủ/ Lộc vừa/ Lợi tài/ Lạc chuẩn/ Lậu miễn).