Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sống ‘bình thường mới’, khó vậy sao?

Lê Uy Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đến thời điểm này, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều thấy rằng không thể truy vết để “bắt sạch” F0 cho bằng được, thay vào đó đã xác định phải chấp nhận sống chung với con virus gây ra đại dịch kinh hoàng gần hai năm nay – Covid-19.

Sống chung với Covid được hiểu là từ đây chúng ta phải sống theo một trạng thái “bình thường mới”. Nhưng thế nào là “bình thường mới” dường như đang được các tỉnh, thành trên cả nước, mỗi nơi diễn giải và hành xử mỗi kiểu, theo ý chí của địa phương mình, dẫn đến những rối loạn trong đời sống xã hội, và đặc biệt đang có những biểu hiện làm lung lay nền tảng pháp quyền.

Bỏ qua những bất cập, lúng túng trước đó vì thiếu quy định chung, lẽ ra người dân, doanh nghiệp và cả xã hội đến nay có thể được vui mừng sau khi có một sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương để chấm dứt tình trạng lộn xộn nói trên. Sự thống nhất đó đã được Chính phủ thể hiện bằng Nghị quyết 128 ban hành từ ngày 11-10-2021, quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Nội hàm của trạng thái sống “bình thường mới” phần nào đã được làm rõ thông qua nghị quyết này, mà trước tiên là quyền được đi lại của người dân giữa các địa phương sau 4 tháng trời gần như bị “phong tỏa”. Và để đi lại như thế nào để “thích ứng an toàn, linh hoạt…” trong điều kiện bình thường mới, Bộ Y tế cũng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể. Đáng lưu ý là hướng dẫn này để áp dụng thống nhất trong cả nước theo tinh thần Nghị quyết 128.

Thế nhưng, theo báo chí phản ánh những ngày qua, vẫn đang có một sự trì kéo, níu giữ tình trạng “cát cứ”của tỉnh này, tỉnh nọ, được biện hộ bằng vô vàn lý lẽ để chưa thể thực hiện ngay chỉ đạo áp dụng biện pháp kiểm soát dịch thống nhất từ Chính phủ.

Đầu tiên phải kể đến nỗi ám ảnh xét nghiệm tràn lan, như một tiêu chí hàng đầu để được “thông chốt”. Kế đến, vào được địa bàn rồi thì còn phải thực hiện cách ly y tế theo quy định của từng địa phương.

Tại Nghị quyết 128, Chính phủ yêu cầu các tỉnh tạm dừng áp dụng các chỉ thị 15, 16 và 19. Người đã tiêm đủ vaccine theo quy định không những không phải cách ly tập trung mà còn được miễn việc xét nghiệm bắt buộc. Cùng với đó, Bộ Y tế hướng dẫn không chỉ định xét nghiệm đối với những người dân thực hiện đi lại, trừ các trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Nhưng như báo Tuổi Trẻ ngày 16-10 phản ánh(1), nhiều tỉnh, thành vẫn “mỗi nơi một kiểu”, vẫn duy trì hoạt động kiểm soát như thời điểm trước khi có nghị quyết này. Chẳng hạn, ở Đồng Tháp, người dân ra vào tỉnh phải đảm bảo tiêm 2 mũi vaccine và có giấy xác nhận âm tính Covid-19. Ở Vĩnh Long, vẫn duy trì các biện pháp giống như khi áp dụng chỉ thị 19 của Chính phủ với các chốt kiểm soát ra vào tỉnh, cách ly người ra vào địa phương từ nay đến hết 31-10.  Ở Thừa Thiên Huế, tỉnh "khuyến cáo" người đến/về từ vùng xanh, vùng vàng có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, thực hiện khai báo y tế, quét mã QR, tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày, v.v… Đặc biệt ở Đà Lạt, vẫn thực hiện cách ly tập trung với trường hợp người từ ngoài tỉnh tới Đà Lạt dù đã tiêm 2 mũi vaccine. Nội dung này trái với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế (Tuổi Trẻ 14-10)(2).

Rồi cũng có câu chuyện mới cách đây vài ngày, đó là bảy địa phương phía nam sông Hậu đang có dự thảo chương trình “Liên kết phối hợp các tỉnh, thành phố khu vực Nam sông Hậu trong phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế”. Trong đó, dự kiến sẽ nối lại các loại hình vận tải hành khách liên tỉnh.

Với bản tin này, vấn đề đi lại liên tỉnh một lần nữa lại được người đọc quan tâm. Người đọc không khỏi thắc mắc: “Lại tiếp tục có những quy định đi lại dành riêng giữa các địa phương này nữa sao?”, “Sao không thực hiện việc đi lại liên tỉnh theo sự chỉ đạo thống nhất từ Chính phủ?”, “Còn nếu sẽ tuân thủ chỉ đạo từ Chính phủ thì sao lại phải có một chương trình liên kết riêng giữa các địa phương này với nhau trong phòng chống dịch Covid-19?” v.v. Khá nhiều tâm tư cho những người đang có ý định đi đến các địa phương này.

Chưa cần đến phải có trình độ quản lý của một người đứng đầu địa phương, mà có lẽ ngay những người dân hay những doanh nghiệp bình thường cũng thấy được những tác động và hệ lụy của tình trạng “mỗi nơi mỗi kiểu” nói trên. Chẳng hạn, một doanh nhân cần bay đến một địa phương khác để làm việc với đối tác và bay về trong ngày nhưng theo quy định của địa phương ấy thì phải ở lại tại nơi lưu trú, cách ly y tế, theo dõi sức khỏe trong vòng 7 ngày mới được về. Tương tự, một người dân từ quê ra thành phố khám bệnh định kỳ cũng phải có giấy xét nghiệm, có giấy xác nhận của địa phương nơi cư trú (để xác định vùng màu gì), phải chịu cách ly theo dõi sức khỏe 7 ngày…

Tất nhiên, sống chung với Covid không có nghĩa là lơ là các biện pháp phòng chống dịch, nhưng đừng nhân danh chuyện này để cho phép địa phương đẻ thêm quy định riêng trong khi Chính phủ đã có quy định thống nhất cho cả nước. Sự “cát cứ” địa phương trong thực tế thời gian qua đã gây đứt gãy trong nền kinh tế cũng như bao khó khăn trong đời sống người dân.

Thêm một điều nữa cũng đáng lo ngại, đó là kỷ cương phép nước cần được giữ nghiêm. Thời gian qua đã có những chỉ đạo từ Chính phủ chưa được một số địa phương tuân thủ triệt để. Mới đây nhất là Nghị quyết 128 của Chính phủ đã được ban hành nhưng các địa phương vẫn chần chừ chưa thực hiện ngay hoặc được vận dụng “linh hoạt” theo cách riêng của mình.

"Sống chung với Covid", hay như "sống với trạng thái bình thường mới", có lẽ cần được các cấp chính quyền thay đổi cách suy nghĩ trong điều hành phòng chống dịch, dựa trên các cơ sở khoa học, thực tế dịch tễ và yêu cầu từ các cơ quan chuyên môn, hơn là từ các biện pháp ngăn chặn mang tính hành chính. Cần chấp nhận không bao giờ có thể làm sạch F0 trong địa bàn của mình.

Ngược lại, về phía người dân, từ nay không thể sinh hoạt tự do như chưa hề có dịch Covid-19 xảy ra. Các hình thức sinh hoạt cá nhân, đi lại, hội họp, làm việc v.v. đều phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng dịch mà cơ quan y tế bắt buộc hoặc khuyến cáo.

---------------

(1) https://tuoitre.vn/kiem-soat-di-lai-van-moi-noi-mot-kieu-20211015235939454.htm

(2) https://tuoitre.vn/sau-huong-dan-cua-bo-y-te-da-lat-van-quyet-cach-ly-tap-trung-nguoi-da-tiem-2-mui-vac-xin-20211014212902901.htm

2 BÌNH LUẬN

  1. Để sống chung với covid một cách “bình thường mới” ít ra phải có được mấy điều kiện tiên quyết:
    – Tỷ lệ tiêm vaccine: nếu tính cho người trên 18 tuổi thì mới có 10 tỉnh trên 80% xong mũi 1, và 5 tỉnh trên 70% xong mũi 2. Đa phần dưới 50% ở mũi 1, còn nếu tính cả trẻ em thì còn thấp hơn nhiều.
    – Cơ sở y tế: thành phố HCM với sự hỗ trợ của cả nước nhưng với số ca mắc khoảng 5% dân số nhưng hệ thống y tế vẫn quá tải nên tỷ lệ tử vong khá cao, các tỉnh khác ngoại trừ Hà Nội liệu có thể chống đỡ với bao nhiêu ca mắc.
    – Hệ thống giám sát truy vết về y tế: chưa có hệ thống nào hoạt động trọn vẹn và thống nhất, dữ liệu về tiêm vaccine còn chưa đảm bảo chính xác chưa nói đến việc di chuyển.

    Như vậy cả 3 điều kiện này đều chưa đáp ứng và chắc còn một thời gian không ngắn nên bắt buộc phải đi từng bước một. Một người đi về từ vùng nguy cơ cấp 4 theo quy định sẽ phải xét nghiệm và kể cả cách ly, nhưng nếu số lượng người di chuyển lớn, hệ thống hỗ trợ về thông tin không đảm bảo về tính chính xác và tức thời thì dựa vào đâu để xác định họ di chuyển từ vùng nào. Trên thực tế Hà Nội làm nghiêm vậy mà vẫn phát sinh 2 ca phá rào di chuyển từ phía Nam ra ngay khi vừa mở cửa. Vậy nên có thể hiểu tại sao các tỉnh cứ đòi giấy xét nghiệm. Việc sống bình thường phải được nhìn từ nhiều phía và cần giải quyết những vấn đề căn cơ, nếu không rất khó có được sự đồng thuận, tổn thất kể cả về thời gian sẽ càng lớn.

  2. “Bình thường mới “là ngôn từ của học giả, báo chí và các nhà lãnh đạo. Còn người dân bình thường đơn giản chỉ muốn quay trở lại… bình thường thôi! Hai điều này tương phản với nhau và còn khoảng cách lớn. Để rút ngắn khoảng cách thì nhà chức trách phải thay đổi trước để người dân THẤY & TIN, những gì trước đây không tốt hoặc tệ quá thì cần chỉnh sửa sớm. Từ đó người dân mới HIỂU & LÀM theo những gì chúng ta mong đợi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới