Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sống chậm nhưng không… lười

Thanh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Chậm như lười”, có thể có một câu ca thán như vậy. Đúng là con lười (một loài vật sống chủ yếu ở các khu rừng nhiệt đới Nam Mỹ) rất chậm, chúng có thể tiêu biểu cho sự sống chậm ở một loài động vật.

Con lười biết tiết kiệm tối đa năng lượng, mỗi ngày một con lười chỉ tiêu tốn 110 calo, ngang với lượng calo từ một củ khoai tây nướng. Nhưng chúng vẫn sống khỏe. Sự chậm chạp ở giống lười là sự chậm chạp có chủ ý, nhằm mục đích duy trì giống loài, vì thế ta cũng đừng vội trách chúng vì sao chậm, vì sao “lười” như thế, trong khi cả thế giới động vật, nhất là loài người, hùng hục vội vã cả ngày cả đêm.

Có thể nói, sống nhanh cũng nhằm mục đích duy trì giống loài, và sống chậm cũng không ngoài mục đích ấy. Tôi không phải con lười, dĩ nhiên, và tôi không lười nhác, rất ham việc và chăm việc. Nhưng tôi lại muốn sống chậm như... lười, thế thì làm sao nhỉ? Cuộc đời không dài, mình lại sống chậm, chẳng biết có nên?

Nhưng tôi sẽ cảm thấy mệt mỏi nếu bị buộc phải sống gấp, sống nhanh, phải nói tía lia cái miệng, phải vừa nói vừa diễn, như kiểu các vị giám khảo trong các chương trình truyền hình thực tế bây giờ. Không ai nói họ giả vờ, mà nếu họ có giả vờ thật, cũng chả bận gì tới ai! Nhưng tôi sẽ cảm thấy mệt mỏi, nếu lâm vào hoàn cảnh của họ.

Cũng có thể, tôi thích sống chậm như con lười, vì như con lười, tôi không thích sống nhanh, tôi muốn nhẩn nha để tận hưởng cuộc sống, chẳng hạn. Con lười có triết lý sống của nó, và ta nên tôn trọng những gì nó nghĩ. Sống chậm để hòa hợp với môi trường, để tiết kiệm tối đa năng lượng, tiết kiệm thức ăn (là lá cây), lối sống ấy đâu có tệ. Nó cũng chả hại ai. Con lười không muốn tranh giành với ai về bất cứ cái gì.

Nhưng, với con người, vẫn có thể sống chậm mà vẫn không... lười, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được. Nhất là trong thời dịch Covid-19 đầy hiểm nguy này, khi buộc phải ở nhà, phải sống trong phạm vi hẹp, nhiều khi rất hẹp, thì mỗi người chúng ta phải tự tìm mọi cách để có thể làm việc, có thể kiếm được việc làm trong không gian hẹp.

Và với sinh hoạt tiết giảm, thậm chí tối giản, chúng ta có thể tiếp tục sống cho qua thời dịch bệnh. Sống như thế, dĩ nhiên tốc độ phải chậm, và chúng ta chấp nhận sống chậm. Nhưng tư duy lại phải năng động, đầu óc phải nhanh, và như thế, dù những tìm kiếm của chúng ta có kết quả rất nhỏ, đó vẫn là “mini - sáng tạo”. Như thế, sống chậm vẫn có ích. Và đó không hề là chuyện lười biếng.

Lười là khi ta tránh việc, lánh nặng tìm nhẹ, không muốn hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ của mình mà đẩy việc sang cho người khác. Còn chỉ sống chậm như một cách thích ứng, một cách hòa nhập với điều kiện sống trong thời gian có hạn, thì hoàn toàn không phải lười. Sống chậm nhưng vẫn đầy trách nhiệm với cuộc sống. Sống chậm nhưng không bao giờ từ chối nghĩa vụ của mình. Sống chậm nhưng biết sống vì người khác. Tất cả những điều ấy đều đối lập với sự lười biếng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới