Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Song mây Indonesia được sử dụng làm vật liệu chế tạo nội thất xe điện

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) –  Hãng xe điện Nio đã bắt đầu giao mẫu sedan ET7 mới tại thị trường Trung Quốc. Tính năng lái tự động và khả năng chạy tối đa 1.000 km được xem là những ưu điểm để cạnh tranh với Model S của Tesla. Nhưng ET7 còn có một đặc điểm độc đáo khác: mây – loại dây leo rừng nhiệt đới – được sử dụng cho các bộ phận nội thất trong xe.

Rừng nhiệt đới của Indonesia có đến 600 loài mây. Đây là siêu vật liệu công nghệ cao trong tương lai được sử dụng trong xe điện và cả máy bay. Ảnh: Forest Journalism Fund

Hãng xe điện có trụ sở tại Thượng Hải cho biết họ là hãng đầu tiên sử dụng karuun – một loại vật liệu công nghệ cao được làm từ mây – trong chế tạo xe hơi.

Phá vỡ định kiến “mây tre lá” truyền thống

Mây là tên gọi chung cho hàng trăm loài cây thân gỗ leo được tìm thấy trong rừng nhiệt đới của Indonesia cũng như các khu vực khác của Đông Nam Á. Mây khác tre ở chỗ đặc ruột và có độ dẻo dai cao, dễ uốn tạo hình. Đây là loại vật liệu truyền thống sử dụng trong đồ nội thất và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

Công ty Out for Space của Đức sử dụng mây đã qua xử lý như một chất thay thế tự nhiên cho nhựa trong các chi tiết nội thất xe hơi, đồ gỗ nội thất và thậm chí cả các bề mặt có tiếp xúc.

Nhà thiết kế Julian Reuter đã nhận ra tiềm năng chưa được khai thác của mây trong chuyến thăm một chợ hàng thủ công trên đảo Bali. Trở lại Đức, ông đã cùng với nhà đồng sáng lập Peter Kraft thử nghiệm loại vật liệu thô này.

Cả hai đã định hình lại tiềm năng thiết kế của mây, và họ thu hút sự chú ý của các hãng xe toàn cầu. Sự đổi mới của họ có thể thổi bùng sức sống của thế kỷ 21 vào ngành công nghiệp mây tre cổ truyền của Indonesia, thúc đẩy loại cây là nguồn hoa lợi chính của người dân ở đây.

Felix Wurster, giám đốc điều hành của Out for Space, nói rằng: “Chúng tôi đã đưa mây vào các không gian khác nhau. Chưa bao giờ ai nghĩ rằng mây sẽ xuất hiện trong lĩnh vực xe điện và điện thoại di động”.

Có đến 600 loài mây thuộc phân họ Calamoideae. Sau khi thu hoạch và làm sạch, mây được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau nhờ độ bền dẻo và dễ uốn. Loại nguyên liệu được sử dụng qua nhiều đời nhưng công dụng của nó chưa bao giờ đi ra khỏi không gian nội thất và thủ công.

Karuun, vật liệu dẫn xuất mới, được sản xuất bằng cách tiêm chất bền màu với tia cực tím vào từng các mạch mao quản của thanh mây đã được cắt tỉa. Sau đó, mây được cắt ô vuông và dán thành tấm hoặc khối.

Được thành lập vào năm 2015, Out for Space bắt đầu sử dụng karuun để sản xuất đồ nội thất ở Indonesia, nhưng bị gián đoạn một năm sau đó khi một nhà thiết kế trẻ người Đức tại Nio bắt gặp sản phẩm tại một triển lãm thương mại thiết kế.

Wurster kể lại rằng: “William Li, người sáng lập của Nio, đã rất ngạc nhiên trước câu chuyện về karuun – vật liệu mây từ Indonesia với công nghệ của Đức. Ông lập tức thấy thích thú và bắt đầu thúc đẩy việc sử dụng mây làm vật liệu trong xe của Nio”. Mẫu xe mới ET7 có các dây mây có vân sọc được sử dụng làm nội thất trong xe.

Kể từ khi hợp tác với Nio, Wurster cho biết, Out for Space đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các nhà sản xuất xe hơi. Nhiều thỏa thuận đã được ký kết và Wurster đã không tiết lộ các chi tiết, trong đó có hợp đồng với Mercedes-Benze trong một mẫu xe sản xuất năm 2020.

Năm nay, Out for Space có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất ván ghép karuun chủ yếu lên 150.000 m2.

Theo Out for Space, karuun lấy tên từ harta karun, có nghĩa là kho báu ẩn giấu trong tiếng Bahasa Indonesia. Kho báu cho các hãng xe toàn cầu là một vật liệu linh hoạt thân thiện với môi trường và có thể tái chế.

Mẫu xe mới ET7 của Nio có đến 14 bộ phận nội thất làm từ mây. Hãng xe Trung Quốc tự tin sẽ cạnh tranh với Model S của Tesla bằng tính năng thân thiện môi trường, bên cạnh tính năng tự lái và pin có thể chạy 1.000 cây số. Ảnh: ReShareIt

Sự minh bạch của chuỗi cung ứng

Mây được thu hoạch thủ công và cần rừng mưa nhiệt đới để phát triển, chứ không phải các khu cây công nghiệp độc canh. Vì thế, xác minh tính bền vững của loại thực vật này có thể là một thách thức. Indonesia vốn cung cấp đến 80% nguồn mây cho thế giới. Nhưng ngay tại nước này và trên thế giới, thị trường nguồn tài nguyên rừng này được xem là phi chính thức. Vì thế, tính minh bạch của chuỗi cung ứng là cả một vấn đề.

Việc tạo ra giá trị trên thị trường quốc tế hiện tại và tiềm năng là rất khó. Tổ chức Mây tre đan quốc tế (INBAR), một cơ quan liên chính phủ độc lập, mới đây ước tính thương mại toàn cầu các sản phẩm mây tre đan trị giá khoảng 363 triệu đô la vào năm 2019.

Con số này khá thấp bởi mây thường được xem là một loại gỗ. Chuyên gia truyền thông Charlotte King của INBAR nói rằng thị trường có thể đã trị giá khoảng 6 tỉ đô la.

Adhi Nugraha, một nhà thiết kế cao cấp và là giảng viên thiết kế công nghiệp tại Học viện Công nghệ Bandung, cho biết tính trạng buôn lậu mây hiện rất khó kiểm soát tại Indonesia. Dù đất nước vạn đảo có nguồn song mây dồi dào, nhưng trớ trêu là việc kiểm được dây mây ở thị trường nội địa rất khó khăn.

“Ngành đồ gỗ nội thất đang gặp khó khăn do nguồn cung cấp nguyên liệu mây từ các hãng song mây ở Kalimantan và Sulawesi rất thấp. Trong khi các nhà sản xuất mây tre đan phàn nàn rằng không có thị trường nội địa đủ lớn để có thể tiêu thụ nguồn nguyên liệu thô mà họ thu hoạch từ rừng nhiệt đới”, ông Nugraha nói.

Indonesia đã có lệnh cấm xuất khẩu mây thô từ năm 2011.

Các số liệu chính thức cho thấy một bức tranh nhộn nhạo của thị trường. Theo Bộ Môi trường và Lâm nghiệp, mây thô được khai thác hợp pháp từ rừng của Indonesia đã tăng từ 1.360 tấn trong năm 2019 lên 91.424 tấn vào năm ngoái.

Adhi Hadhi từ Cơ quan quản lý sản xuất lâm nghiệp bền vững nói rằng có sự khác biệt trong thống kê và dữ liệu. “Nhưng chính phủ đang cải thiện việc quản lý các loại lâm sản ngoài gỗ, bao gồm cả song mây”.

Wurster thừa nhận rằng ngành công nghiệp mây vẫn chưa đạt được sự minh bạch đầy đủ. Với sự tài trợ của chính phủ Đức, Out for Space đang phát triển một ứng dụng theo dõi để khách hàng có thể biết chính xác nguồn gốc mây họ mua.

“Đây là lý do tại sao chúng tôi có những nông dân karuun ngày nay, những người trồng và khai thác may với đối tác của chúng tôi ở Indonesia. Chúng tôi biết những khu vực họ trồng mây và thu hoạch mây”, Wurster nói.

Out for Space đang kết hợp với đối tác địa phương Vivere Group để mở rộng sản xuất, đồng thời hỗ trợ các dự án trồng rừng để mở rộng nguồn nguyên liệu thô ở Indonesia.

Wurster tin rằng mây thô và loại vật liệu karuun sẽ được sử dụng trong nhiều sản phẩm và thiết kế khác.

“Các nghiên cứu khoa học sẽ mang lại vai trò mới cho mây. Đây có thể là nguyên vật liệu cho ngành công nghệ cao như công nghiệp chế tạo máy bay chẳng hạn. Một loại siêu vật liệu cho tương lai”, Wurster nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới