Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sốt ruột lo vuột mất thị trường lớn

Đào Loan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tết Nguyên Đán vừa qua, người Trung Quốc đã lên đường đi du lịch nước ngoài sau ba năm không thể xuất ngoại vì dịch Covid-19. Việt Nam cũng đón được một số ít từ dòng du khách này nhưng giới kinh doanh nhiều phần sốt ruột, lo lắng bị chậm chân khi cao điểm du lịch quốc tế mùa hè 2023 – trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam – đã gần kề.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam, với khoảng 5,8 triệu lượt khách đến vào năm 2019. Ảnh: Đào Loan

Việc Chính phủ Trung Quốc mở cửa biên giới, dỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch sau gần ba năm thắt chặt để chống dịch Covid-19 và cho phép người dân nước này được gia hạn hộ chiếu đã hết hạn, đăng ký hộ chiếu mới từ đầu tháng 1-2023 đã tạo nên sự tăng trưởng bùng nổ cho thị trường du lịch.

Thị trường khổng lồ đã khởi động

Theo thông tin từ Công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys, lượng người Trung Quốc đặt vé máy bay đi nước ngoài lập tức tăng trưởng nhanh chóng. Từ ngày 26-12-2022, thời điểm chính phủ nước này thông báo các chính sách trên đến ngày 3-1-2022, lượng đặt vé đã tăng đến 192% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy lượng đặt vé máy bay đi nước ngoài trong tuần lễ trên vẫn thấp hơn 85% so với mức trước đại dịch nhưng công ty này kỳ vọng, thị trường du lịch nước ngoài của Trung Quốc sẽ tăng mạnh vào quí 2 năm nay, khi các hãng hàng không lên lịch khai thác cho mùa hè và mùa xuân.

Kênh tin tức CNBC dẫn nguồn từ đại lý du lịch trực tuyến Trip.com cho biết, lượng đặt chuyến bay từ đất liền đến các điểm đến nước ngoài trong bốn ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ đã tăng gấp bốn lần so với một năm trước. Số liệu về các chuyến bay được đặt trên nền tảng này trong bốn ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán, bắt đầu từ ngày 21-1, cho thấy du khách Trung Quốc chủ yếu đến các điểm du lịch ở châu Á. Trong đó, ba điểm thu hút nhiều hành khách nhất là Bangkok, Phuket của Thái Lan và Singapore.

Trong dòng dịch chuyển đó, một số khách du lịch đã đến Việt Nam vào các ngày 28 tháng Chạp, và các ngày mùng 2, mùng 3 Tết. Dự kiến, từ thời điểm đó cho đến giữa cuối tháng tới, Hãng hàng không VietJet sẽ tổ chức khoảng 35 chuyến bay đưa khách Trung Quốc từ các tỉnh An Huy, Hồ Nam và Tứ Xuyên đến Khánh Hòa với tần suất 4-5 chuyến bay/tuần, mỗi chuyến có khoảng 180-220 khách du lịch.

Cùng với VietJet, hãng hàng không China Southern cũng đã lên kế hoạch mở lại các chuyến bay thương mại nối Khánh Hòa với một số thành phố lớn của Trung Quốc từ cuối tháng tới. Hồi trước dịch Covid-19, Khánh Hòa là địa phương đón nhiều khách Trung Quốc nhất cả nước.

Một số khảo sát cho thấy, nhu cầu du lịch của người Trung Quốc đang bị dồn nén ở mức cao và đã bắt đầu lên đường ngay khi chính phủ mở cửa biên giới. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường sẽ đi từ từ và dự kiến đến giữa cuối năm nay mới thực sự tăng trưởng cao.

Công ty ForwardKeys dẫn một báo cáo cho biết, có hơn 60% số người Trung Quốc tham gia khảo sát về du lịch trả lời là muốn đi du lịch bên ngoài Trung Quốc vào năm nay. Những người này cho biết, rất hào hứng khi được thư giãn cũng như trải nghiệm phong cảnh, ẩm thực, văn hóa và mua sắm ở nước ngoài. Các điểm đến Đông Nam Á có nhiều khả năng được hưởng lợi đầu tiên từ sự quay trở lại của du khách Trung Quốc.

ForwardKeys cũng dẫn ý kiến nhà phân tích Yelinuer Kadeerbieke của Dragon Trail International, một công ty nghiên cứu về thị trường Trung Quốc, cho biết kết quả khảo sát của công ty cho thấy quá trình phục hồi mảng du lịch nước ngoài sẽ bắt đầu từ trong giai đoạn nửa đầu năm nay nhưng đến nửa cuối năm mới thực sự thực sự tăng trưởng.

Theo khảo sát, có 42% số người được hỏi cho biết sẽ đi du lịch nước ngoài vào tháng 7 và tháng 8, trong đó có 32% lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ trong tuần lễ vàng mùa thu bên ngoài Trung Quốc.

Doanh nghiệp Việt sốt ruột

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, vào năm 2019, với hơn 5,8 triệu lượt, Trung Quốc chiếm một phần ba tổng lượng khách quốc tế đến cả nước. Vì vậy, sự chuyển động của thị trường này đem đến kỳ vọng lớn cho việc phục hồi mảng du lịch quốc tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, không dễ để đánh thức được thị trường lớn này sau một giấc ngủ dài đến ba năm. Nhiều doanh nhân cho biết, hiện đang đứt gãy thông tin nên chưa thể dự báo được diễn biến của thị trường. Thêm vào đó, do Trung Quốc là một thị trường có nhiều điểm đặc biệt cho nên cần có sự chung tay từ cơ quan xúc tiến, quản lý điểm đến trung ương để có thể đón được lượng khách lớn.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết doanh nghiệp đã chuẩn bị để đón khách nhưng hiện chưa có những phản hồi đáng kể từ đối tác dù theo dõi thị trường rất sát sao. “Cộng đồng doanh nghiệp đã sẵn sàng nhưng thị trường chưa thực sự chuyển động”, ông nói.

Theo ông, để sớm đón được dòng khách lớn, cơ quan quản lý du lịch Trung ương, thậm chí là Chính phủ cần có sự trao đổi song phương về chủ trương phát triển du lịch giữa hai nước. Từ chủ trương này, doanh nghiệp hai bên sẽ làm việc cụ thể về các kế hoạch gửi khách, giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục của thị trường.

“Vẫn có một số khách lẻ tự đi du lịch nhưng không phải là số lượng lớn, có thể lấp đầy số phòng trống ở nhiều điểm đến. Vì thế, tôi cho rằng cần phải có trao đổi từ cơ quan quản lý nhà nước để các đối tác tham gia mạnh mẽ hơn để tăng nhanh lượng khách”, ông Dũng nói.

Theo ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Travelink, một số đối tác Trung Quốc đã nối lại thông tin và hỏi về một số sản phẩm nhưng cần thêm thời gian để nối lại kế hoạch gửi khách. Tương tự như doanh nghiệp Việt hồi mới mở cửa, bạn hàng cũng bị thiệt hại rất lớn vì đại dịch cho nên chưa thể khởi động ngay.

Với khách du lịch cũng vậy, tuy muốn đi du lịch nhưng nhiều người đang chờ thêm thông tin từ những người đã đi du lịch rồi mới quyết định, nhiều người lại chờ cấp lại hộ chiếu và cũng có phân khúc bị ảnh hưởng từ dịch bệnh nên chưa thể lên đường.

“Dù rất muốn đón khách trở lại nhưng có lẽ phải từ giữa năm nay mới có những chuyển động đáng kể”, ông nói và cho biết, sẽ khó có thể thu hút khách từ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu vì phân khúc này bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch bệnh. Những người đi du lịch đầu tiên sẽ là nhóm khách trẻ và khách gia đình. Các sản phẩm có thể bán tốt trong giai đoạn đầu là những dịch vụ bán theo combo, tour ngắn ngày, tour nghỉ dưỡng và tour dành cho nhóm nhỏ và gia đình.

Một điều đáng lưu ý về thị trường là những khảo sát gần đây cho thấy, tuy tìm kiếm khá nhiều thông tin về các điểm du lịch ở châu Á nhưng lại chưa có nhiều người Trung Quốc tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam. Điều này sẽ khiến việc thu hút khách trong giai đoạn đầu sẽ khó khăn hơn. Thêm vào đó, thị trường cũng cần lực đẩy, chẳng hạn như chính sách thị thực nới lỏng để tăng trưởng tốt hơn.

Trong báo cáo mới đây, ForwardKeys đánh giá, các điểm đến Đông Nam Á sẽ là những nới có nhiều khả năng được hưởng lợi đầu tiên từ sự quay trở lại của du khách Trung Quốc. Tuy nhiên, những nước có quy định kiểm dịch dễ dàng như không yêu cầu du khách từ nước này phải xét nghiệm Covid-19 và có thủ tục thị thực đơn giản sẽ đón được nhiều du khách.

Chẳng hạn, lượng khách đến Thái Lan, Indonesia, Campuchia… đang tăng trưởng cao nhờ những chính sách thông thoáng, trong đó Indonesia miễn thị thực cho khách Trung Quốc, Thái Lan cấp thị thực tại cửa khẩu còn Campuchia cũng tạo điều kiện đi lại dễ dàng du khách.

“Nới lỏng thủ tục cấp thị thực và việc thực hiện những chương trình làm việc, tiếp thị mang tầm quốc gia đến những thành phố lớn của nước này là rất quan trọng để tạo sự hồi phục đáng kể cho thị trường. Với Trung Quốc, việc làm ăn ở cấp doanh nghiệp với doanh nghiệp khó đem lại hiệu quả lớn”, ông Thành nói và cho rằng, Việt Nam nên cấp thị thực dài hạn, kéo dài một năm, cho phép du khách Trung Quốc qua lại nhiều lần để tăng thêm sức cạnh tranh tranh kế hoạch hồi phục thị trường quan trọng này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới