Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

S&P Global: lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh hơn khi áp lực lạm phát giảm

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước đang lo lắng đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm nhiều do sức mua giảm và lạm phát các thị trường lớn tăng cao thì khảo sát mới nhất về doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam của S&P Global thực hiện cho thấy kết quả ngược lại.

Báo cáo mới nhất về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global thực hiện được IHS Markit công bố hôm nay (5-9) cho rằng số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh hơn khi áp lực lạm phát giảm. Các nhà sản xuất báo cáo số lượng đơn đặt hàng mới tăng từ cả khách hàng trong nước và nước ngoài.

Khảo sát của S&P Global thực hiện trong tháng 8-2022 cho thấy lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh hơn khi áp lực lạm phát giảm. Ảnh minh họa: TL

Theo báo cáo mới nhất về chỉ số PMI (Purchasing Managers’ Index) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global thực hiện, dữ liệu tháng 8 cho thấy tăng trưởng trong ngành sản xuất của Việt Nam đạt tốc độ nhanh hơn trong bối cảnh nhu cầu cải thiện, cùng với sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tăng nhanh hơn trong tháng.

Báo cáo cho rằng các công ty được hỗ trợ thêm khi tốc độ tăng chi phí đầu vào tiếp tục giảm mạnh, và giá cả đầu ra cũng tăng nhẹ. Trong khi đó, hiệu suất hoạt động của người bán hàng đã cải thiện lần đầu tiên trong 33 tháng.

Cụ thể chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đạt 52,7 điểm trong tháng 8, tăng so với 51,2 điểm của tháng 7 và báo hiệu sự cải thiện mạnh mẽ của sức khỏe lĩnh vực sản xuất vào thời điểm giữa quí 3 của năm 2022.

PMI ngành sản xuất Việt Nam được S&P Global thu thập từ phần trả lời cho các câu hỏi gửi cho các nhà quản trị mua hàng trong một nhóm với khoảng 400 nhà sản xuất. Các nhóm khảo sát được phân chia theo lĩnh vực và quy mô lao động của công ty, dựa trên đóng góp vào GDP. Những câu trả lời khảo sát được thu thập ở nửa cuối của mỗi tháng.

Báo cáo chỉ ra rằng các điều kiện kinh doanh đến nay đã cải thiện trong 11 tháng liên tiếp. Sản lượng ngành sản xuất đã lấy lại động lực tăng trong tháng 8 sau khi đã chậm lại trong tháng 7. "Lần tăng thứ năm liên tiếp này của sản lượng là mạnh khi các công ty tiếp tục phục hồi từ đại dịch Covid-19 và có số lượng đơn đặt hàng mới tăng", báo cáo nêu về kết quả khảo sát.

Các nhà sản xuất báo cáo số lượng đơn đặt hàng mới tăng từ cả khách hàng trong nước và nước ngoài. Cũng giống như sản lượng, tổng số lượng đơn đặt hàng mới cũng tăng mạnh hơn so với tháng 7. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết số lượng khách hàng tăng, nhu cầu cải thiện và giá cả cạnh tranh là những nhân tố góp phần vào tăng trưởng lần này.

Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence Andrew Harker nhận định trong báo cáo rằng: "Động lực tăng trưởng đã mạnh lên trong ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 8 khi chỉ số PMI mới nhất cho thấy những lực cản mà các công ty đã phải đối mặt trong những năm gần đây đã nhẹ bớt. Điểm ấn tượng nhất trong tháng 8 là tốc độ tăng chi phí đầu vào tiếp tục giảm mạnh, và chi phí chỉ tăng nhẹ trong kỳ khảo sát này".

Điều này theo ông Andrew Harker là đã giúp các công ty có thể hạn chế mức tăng giá đầu ra, từ đó thúc đẩy thêm nhu cầu. Các nhà sản xuất cũng được hưởng lợi từ việc rút ngắn thời gian giao hàng lần đầu tiên kể từ tháng 11-2019, một bước ngoặt đáng kể từ tình trạng chậm trễ giao hàng xảy ra phổ biến vào thời điểm này năm ngoái.

Ông cho rằng khi những lực cản đối với nguồn cung đã giảm, các công ty có thể tập trung vào việc tăng số lượng đơn đặt hàng mới và mở rộng sản xuất trong thời gian còn lại của năm 2022.

Áp lực chi phí giảm đã hỗ trợ cho các công ty trong nỗ lực áp dụng mức giá bán cạnh tranh. Tốc độ tăng giá cả đầu vào chậm lại đáng kể lần thứ hai liên tiếp và là mức tăng yếu nhất trong thời gian 27 tháng tăng chi phí.

Trước tình hình đó, các công ty cũng đã tăng giá bán hàng với tốc độ chậm hơn, và mức tăng chỉ là nhẹ.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất tăng số lượng nhân viên trong tháng 8. Giống như sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới, tốc độ tạo việc làm đã nhanh hơn vào thời điểm giữa quí 3.

Báo cáo cho thấy việc làm tiếp tục tăng đã góp phần làm giảm lượng công việc tồn đọng lần thứ hai trong ba tháng qua. Mức giảm lượng công việc chưa thực hiện là đáng kể nhất trong thời gian hơn một năm, theo báo cáo.

Để đáp ứng yêu cầu sản lượng cao hơn, các công ty cũng tăng hoạt động mua hàng, và đây là lần tăng thứ 11 liên tiếp. Theo đó, tồn kho hàng mua tiếp tục giảm khi hàng hóa đầu vào được dùng vào sản xuất. Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm khi sản phẩm đã được chuyển đi cho khách hàng.

Kỳ vọng các điều kiện thị trường sẽ tương đối ổn định trong năm tới và nhu cầu khách hàng sẽ cải thiện đã hỗ trợ cho niềm tin về triển vọng sản lượng trong năm tới. Tâm lý kinh doanh đã cải thiện hơn so với tháng 7 và là cao hơn mức trung bình của lịch sử chỉ số.

Những người trả lời khảo sát của S&P Global cho biết một số công ty tiếp tục báo cáo tăng chi phí vận tải dù giá dầu lửa và các nguyên liệu khác giảm.

Kết quả khảo sát trên của S&P Global được xem là khá ngược với những gì mà các doanh nghiệp trong ngành chế biến đồ gỗ, dệt may, da giày... gần đây than rằng họ bị đột ngột cắt đơn hàng, phải giảm sản xuất khi các nhà nhập khẩu ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu... khó khăn do bị lạm phát tăng cao, tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều...

Gần đây, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho rằng hầu hết đơn hàng giảm cũng do một phần khách hàng nhận định sai thị trường nên năm 2022 đặt nhiều hơn cầu thị trường cùng với tình hình lạm phát, chiến tranh, cước tàu tăng cao… khách hàng bán không được. Điều này dẫn đến nguy cơ người lao động tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đơn hàng bị sụt giảm nhiều.

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cũng cho rằng tình hình lạm phát ở các thị trường xuất khẩu lớn của doanh nghiệp trong nước tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp dệt may cũng gặp khó khăn khi đơn hàng dự báo sẽ bị sụt giảm trong những tháng cuối năm.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8-2022 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 16,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước (Trà Vinh giảm 26,6%; Hà Tĩnh giảm 15%). Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1-8-2022 tăng 0,6% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 23,2% so với cùng thời điểm năm trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới