(KTSG) - Cùng với sự sinh sôi nảy nở các nội dung âm nhạc do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra, cuộc chiến xoay quanh quyền tác giả giữa một bên là các hãng phát hành âm nhạc cùng các nghệ sĩ và một bên là những nội dung “giả mà như thật” được tạo ra với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ tối tân này cũng trở nên ngày càng quyết liệt hơn.
Trong tháng 4 vừa qua, ba siêu sao Drake, The Weeknd và Rihanna - vốn thuộc quyền quản lý của ông lớn trong ngành âm nhạc là Universal Music Group (UMG) - bỗng thấy giọng hát của họ xuất hiện trong các tác phẩm âm nhạc được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, dù trước đó họ không hề biết đến sự tồn tại của những nhạc phẩm đó.
Lý do đơn giản là vì đấy không phải giọng thật của họ, mà chỉ là sự sao chép hoàn hảo dưới “bàn tay ma thuật” của AI. Tài bắt chước của kỹ thuật máy học điệu nghệ đến nỗi đích thân Drake phải lên tiếng trên mạng xã hội Instagram, anh đã gọi đây là “giọt nước làm tràn ly”.
Khi phiên bản AI thành công rực rỡ
Mọi chuyện có lẽ cũng chẳng gây ồn ào như thế nếu các nhạc phẩm do AI tạo ra này chỉ đơn thuần vì mục đích “cho vui”, để chia sẻ miễn phí trên các nền tảng xã hội nhằm cho mọi người thấy AI đã đạt được những bước tiến vượt trội đến mức nào. Nhưng nó đã không diễn ra theo hướng vô hại như vậy.
Tác phẩm gây tranh cãi gay gắt nhất trong số đó là một bài hát được sáng tác mới hoàn toàn mang tên Heart on my sleeve do một “nhạc sĩ” vô danh - người được biết đến với nick name tự đặt ghostwriter - nhào nặn phần nhạc và lời, còn các “ca sĩ” thể hiện là Drake và The Weeknd phiên bản AI. Bài hát này gây ra căng thẳng trong ngành âm nhạc ở chỗ, nó đã được phân phối thành công trên nhiều dịch vụ phát nhạc trực tuyến, bao gồm những tên tuổi lớn như Spotify, YouTube (YouTube Music) và Apple Music.
Tính đến thời điểm 17-4 vừa qua, bản nhạc đã có hơn 250.000 lượt phát trên Spotify, còn tổng lượt phát trên YouTube của chỉ riêng các video đăng lại tính đến cuối tháng 5 cũng lên đến hàng triệu. Trên nền tảng video hàng đầu này, ghostwriter còn tự hào tuyên bố trong một comment: “Đây mới chỉ là bước khởi đầu mà thôi”.
Nhưng nhân vật này không đắc chí được lâu. Cũng vào thời điểm ngày 17-4 đó, bài hát này đã bị gỡ khỏi các nền tảng lớn như Spotify, YouTube và Apple Music theo yêu cầu từ phía UMG; công ty này cũng đưa ra tuyên bố chính thức về vấn đề AI sao chép giọng hát, trong đó có đoạn “các nền tảng [phát trực tuyến] có trách nhiệm cơ bản về mặt pháp lý và đạo đức trong việc ngăn chặn hành vi sử dụng dịch vụ của họ theo cách gây hại cho nghệ sĩ”.
Trước đó không lâu, UMG cũng gửi e-mail cho Spotify và Apple Music để khẳng định rằng họ sẽ không ngần ngại tiến hành các bước để bảo vệ quyền lợi của mình cũng như của các nghệ sĩ thuộc công ty.
Spotify đáp lại lời kêu gọi
Những thông điệp nói trên từ phía UMG có vẻ như đã được CEO Spotify là Daniel Ek nghe thấy rất rõ ràng. Spotify đang rất lo ngại về tác động của âm nhạc do AI tạo ra đối với chủ thể quyền tác giả trong ngành giải trí.
Tại cuộc họp báo cáo kết quả tài chính quí 1-2023 tổ chức vào ngày 25-4, khi đang trình bày về dự án DJ cá nhân hóa có AI hỗ trợ của chính Spotify, Ek đã được đề nghị nêu ý kiến về những phản ứng tiêu cực xoay quanh quyền tác giả từ phía một số hãng âm nhạc lớn.
Với thái độ thận trọng, Ek đã chỉ ra điểm khác biệt giữa DJ AI của Spotify với công nghệ AI rộng hơn trong phạm vi liên quan đến bản quyền. Vị CEO này khẳng định rằng những phản ứng trong toàn ngành âm nhạc đối với DJ AI của họ đều mang tính tích cực. Rồi sau đó ông mới đi trực tiếp vào vấn đề.
Theo Ek, phản ứng tiêu cực từ các công ty phát hành âm nhạc và phương tiện truyền thông, chủ yếu liên quan đến các vấn đề như “tên tuổi và hình ảnh”, khái niệm thực sự của quyền tác giả, đối tượng nào sở hữu quyền đối với một nhạc phẩm mà ai đó tải lên mạng xã hội rồi tuyên bố đó là bài hát của Drake trong khi thực tế lại không phải như vậy, cùng nhiều vấn đề khác.
Đó là “những mối quan tâm chính đáng”. Ek cũng đồng thời xác nhận rằng Spotify đang làm việc với các đối tác của họ nhằm cố gắng thiết lập một cơ chế mà cả hai bên đều cho phép hoạt động sáng tạo và đổi mới diễn ra sôi nổi, nhưng đồng thời cũng phải bảo vệ tất cả những người sáng tạo nội dung hoạt động trên nền tảng phát nhạc trực tuyến này.
Những bình luận của Ek có vẻ như là muốn nhắm đến ông lớn cụ thể là UMG, vì công ty này đã bày tỏ lo ngại rằng một số hệ thống AI có thể đã được đào tạo bằng nội dung đã đăng ký quyền tác giả mà không nhận được sự đồng ý cần thiết từ chủ thể quyền tác giả sở hữu hoặc sản xuất nội dung đó, và tất nhiên là cũng không trả phí tác quyền cho họ. Vậy nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi UMG rất mau lẹ trong việc đưa ra các thông báo gỡ bỏ nội dung do AI tạo ra vi phạm quyền tác giả của họ.
“Tôi nghĩ mình chưa từng thấy điều gì tương tự như AI”. Tuyên bố của Ek trong cuộc họp báo cáo tài chính nói trên đại diện cho tiếng nói chính thức của nền tảng âm nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới đối với vấn nạn vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc, song không phải là lời cảnh báo đầu tiên.
Ủng hộ thắt chặt kiểm soát
Các đơn vị khác trong ngành này cũng đã sớm nhận ra được nguy cơ đến từ AI. Jeronimo Folgueira, Giám đốc điều hành của Deezer - dịch vụ phát ngạc trực tuyến phổ biến tại Pháp - đã phát biểu trong cuộc họp báo cáo kết quả tài chính năm 2022 của công ty: “Tôi ủng hộ thắt chặt việc kiểm soát những nội dung chúng ta cho phép tải lên nền tảng cũng như chất lượng của danh mục âm nhạc”.
Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng đây là những vấn đề mà các công ty phát nhạc trực tuyến phải tập trung nghiên cứu và giải quyết trong thời đại âm nhạc do máy tạo đột ngột trở nên phổ biến mạnh mẽ như hiện nay, và Deezer đã có động thái phối hợp với các hãng ghi âm để thực hiện hành động cụ thể xoay quanh việc tăng cường kiểm soát.
Về tốc độ phát triển của “những nhà sáng tác nhạc AI”, Daniel Ek cũng thừa nhận rằng đây là lĩnh vực dù còn rất mới song đã có những bước tiến đáng kinh ngạc. Anh cho biết: “Tôi nghĩ mình chưa từng thấy điều gì tương tự như AI trong ngành công nghệ, sự đổi mới và tiến bộ đang diễn ra rất nhanh và được phản ánh trong tất cả những điều thực sự thú vị mà cũng rất đáng sợ mà mọi người đang làm với AI vào thời điểm này”.
Rõ ràng, đối với không chỉ Spotify nói riêng mà còn với toàn bộ các loại hình sáng tạo nói chung, những câu hỏi lớn đang được đặt ra về việc đối tượng nào sở hữu quyền tác giả gì trong nội dung do AI tạo ra, và đâu là cách để xác định giá trị một cách công bằng trong những tác phẩm mô phỏng diện mạo và chất giọng của một nghệ sĩ cụ thể...
Để tìm ra được đáp án cho những câu hỏi hóc búa đó, có lẽ toàn bộ các lĩnh vực giải trí, công nghệ và sáng tạo phải hợp sức cùng nhau làm sáng tỏ cách thức mà AI được đào tạo, và đây là vấn đề đang có rất nhiều điều mơ hồ mà chưa có gì sáng tỏ.
(*) Chuyên gia thương mại hóa tài sản sở hữu trí tuệ