(KTSG) - Người xưa có câu “ngọc bất trác bất thành khí”, tức là viên ngọc thô chưa được mài giũa thì chưa thể thành món đồ trân bảo. Nền âm nhạc trực tuyến và các startup công nghệ âm nhạc Việt Nam là những viên ngọc thô như vậy. Nhưng cũng đã có những viên ngọc mới tỏa sáng hoặc đang trên con đường hóa kỳ lân, startup đạt giá trị tỉ đô…
ZingMP3 và NhacCuaTui là hai nền tảng nhạc số Việt Nam quen thuộc trong gần hai thập niên. Nay còn có những cái tên mới - các startup công nghệ âm nhạc đúng nghĩa.
- Thăng hoa cảm xúc cùng những kiệt tác âm nhạc cổ điển và lãng mạn
- Để tránh bị kiện xâm phạm bản quyền âm nhạc trên mạng xã hội
Chật vật giữa “thời” và “số”
Năm 2005, NhacSo.net được xem là một trong những nền tảng nhạc trực tuyến hình thành sớm nhất tại Việt Nam. Hai năm sau, năm 2007, ZingMP3 ra mắt thị trường và nhanh chóng trở thành nền tảng nhạc số hàng đầu tại Việt Nam. ZingMP3 còn được ghi nhận là nền tảng nhạc số đầu tiên sở hữu bản quyền nhạc quốc tế, mở đường cho việc phát triển và thực thi bản quyền nhạc số tại Việt Nam. Chính vì thế, nhiều nhà nghiên cứu truyền thông đã chọn năm 2007 là cột mốc hình thành nền tảng nhạc số Việt Nam, đem lại làn gió mới cho nền công nghiệp âm nhạc Việt - tương tự như những thay đổi mà Làn Sóng Xanh mang lại khi hình thành vào năm 1997.

Nhưng thói quen xài miễn phí của người Việt đã không thể xây dựng nền móng cho ngành công nghiệp âm nhạc trực tuyến. Suốt 12 năm tính từ cột mốc bản quyền nói trên, thị trường đã đón chào và vẫy tay vĩnh biệt rất nhiều trang web, nhiều nhà đầu tư bật khóc. Ngay cả “cây đại thụ” đầu tiên NhacSo.net cũng bị công ty mẹ là FPT Telecom xóa sổ năm 2016, với lý do “thay đổi mô hình hoạt động”.
Năm 2019 mở ra trào lưu mới. Mọi ca sĩ ra đĩa hay ca khúc mới đều chuẩn bị sẵn clip, MV và một đối tác phát hành nhạc số. Mọi chuyện thay đổi, nhiều người nói “thời đã đến với nhạc số, chứ không phải là số”.

Đó là năm Sơn Tùng M-TP phát hành ca khúc Hãy trao cho anh với sự tham gia của nam rapper người Mỹ Snoop Dogg trên nền tảng NhacCuaTui. Ca khúc đạt hơn 10 triệu lượt nghe chỉ sau hai ngày, 100 triệu lượt nghe sau hai tuần. Cho đến nay, tốc độ này vẫn chưa bị xô đổ.
Sự bùng nổ và lấn át của ca khúc “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” nhân các sự kiện diễu binh, diễu hành dịp 30-4 vừa qua đã bắt buộc mọi người chú ý đến quá trình phát triển và quy mô của nền âm nhạc số Việt Nam trong thời gian qua. Hôm 2-5, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - tác giả của ca khúc - cho biết ca khúc đã đạt trên 3 tỉ lượt xem, được sử dụng trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok, YouTube, X… Hôm 17-5, nhạc sĩ nói trên trang cá nhân rằng số lượng view đã đạt trên 5 tỉ… Vẫn cần một đơn vị kiểm định độc lập xác tín các số liệu này.
Bản quyền tạo bệ phóng
Thị trường nhạc số Việt Nam đạt giá trị gần 40 triệu đô la trong năm 2024, theo Statista. Quảng cáo âm nhạc trực tuyến xếp sau với 20 triệu đô la. Quảng cáo podcast hiện còn khiêm tốn, nhưng đang ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Dự báo giá trị thị trường sẽ vượt 66 triệu đô la trong năm 2025 này. Tốc độ tăng trưởng kép sẽ đạt 8-10% trong thời gian tới.

Theo khảo sát của Đại học RMIT Việt Nam công bố cuối năm 2023, năm nền tảng nghe nhạc trực tuyến được sử dụng thường xuyên tại Việt Nam lần lượt là YouTube, TikTok, Zing MP3, NhacCuaTui và Spotify.
Tính đến đầu năm 2025, có đến 127 triệu kết nối điện thoại di động tại Việt Nam, trong số này có 84% dân số Việt Nam sử dụng smartphone. Đây là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng ngành công nghiệp nhạc số. Bởi theo khảo sát của We Are Social do Đại học RMIT công bố năm 2023, thế hệ Gen Z ở Việt Nam dành 72 phút mỗi ngày để nghe nhạc, và mọi người sẵn sàng chi 25.000 đồng mỗi tháng để nghe nhạc trực tuyến.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long - trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học RMIT - có cách nhìn nhận khác. Ông nói 98% số bài hát có bản quyền, 80% nhạc Việt được phát hành độc quyền, các nền tảng âm nhạc nội địa cung cấp các kênh nghe nhạc phong phú hơn, bảo đảm cho nghệ sĩ và chủ sở hữu bản quyền thù lao xứng đáng.
Hai viên ngọc mới
Dẫu có nhiều thay đổi trong năm của thuế quan, con đường phát triển của startup âm nhạc Việt vẫn có thể phẳng phiu trong thời gian trước mắt.
Võ Tuấn Bình (Bill Võ) và Nguyễn Tuấn Cường (Silver Nguyễn) có chung niềm đam mê về công nghệ và âm nhạc. Năm 2014, họ thành lập Amanotes, được ghép từ amateur (tay nghiệp dư) và notes (các nốt nhạc). Startup đã nhanh chóng trở nên có tên tuổi trong lĩnh vực phát hành game âm nhạc di động. Đến cuối năm 2024 vừa rồi, Amanotes thông báo đã có 3,5 tỉ lượt tải ở 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Thông thường, game âm nhạc trên di động chỉ có “tuổi thọ” 6-12 tháng. Nhưng nhiều sản phẩm của Amanotes như Magic Tiles 3, Dancing Ballz hay Tiles Hope đã có nhiều năm tuổi thọ. Gần đây, Due Cats tạo nên trào lưu mới trên toàn cầu với tiếng mèo kêu…
Hiện có khoảng 73 triệu người tích cực hoạt động trên Amanotes mỗi tháng, luôn xếp trong top những nhà phát hành hàng đầu. Hai nhà sáng lập nói doanh thu của startup phần lớn đến từ các thị trường đông dân như Mỹ, Brazil, Mexico, Anh... Tạo ra các sản phẩm giải trí “đơn giản nhưng thu hút” là phương châm đường dài của Amanotes.
POPS Worldwide là startup giải trí kỹ thuật số đa nền tảng, thành lập vào năm 2008 tại TPHCM. Hiện POPS đã có thêm hai văn phòng ở Bangkok, Thái Lan và Jakarta, Indonesia. Startup này có công cụ POPS AI riêng, tạo ra nội dung gốc, quản lý bản quyền và phân phối nội dung trên các nền tảng số, quản lý các KOL là các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia… Trên trang web của mình, POPS nói có đến 800 triệu số người hâm mộ ở các nền tảng khác nhau với gần 6 tỉ lượt xem mỗi tháng và hơn 3.100 nhà sáng tạo nội dung tham gia…
Nhà sáng lập Esther Nguyễn cho biết phải mất ba năm POPS mới thuyết phục được TV Tokyo đặt bút ký hợp đồng đầu tiên. “Sau đó, mọi việc trôi chảy hơn. Chúng tôi có thêm nhiều đối tác là các đài truyền hình, studio và doanh nghiệp trong lĩnh vực giải trí truyền thông Nhật Bản”, bà nói. TV Tokyo đã dẫn dắt vòng gọi vốn series D trong năm 2022. Đến năm 2024, startup đã gọi được số vốn trên 30 triệu đô la.
Tháng 3-2024, Sở Chứng khoán Tokyo (TSE) đã lập kế hoạch hỗ trợ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nhằm giúp 14 startup châu Á hóa kỳ lân. CEO Fabian Lotz của TSE nói POPS nằm trong kế hoạch này và dự định sẽ lên sàn TSE vào năm 2027.
Cuối tháng 10-2024, đoàn các quỹ đầu tư mạo hiểm và các công ty chứng khoán Nhật Bản đã tiếp xúc với các startup Việt Nam muốn niêm yết trên sàn TSE. Bà Esther Nguyễn một lần nữa khẳng định “đang có những bước triển khai cho hành trình niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo”.
YouTube Music đang khuyến khích gói thành viên 65.000 đồng mỗi tháng. Riêng Spotify có gói rẻ hơn với 59.000 đồng/tháng, đóng cả năm thì chỉ 590.000 đồng, còn các gói giá rẻ hơn nữa. SoundCloud có giá 4,99 đô la hay 10,99 đô la/tháng đối với người nghe và 8 đô la mỗi tháng hay 80 đô la mỗi năm với nghệ sĩ. Apple Music là dịch vụ tích hợp cho người sử dụng iPhone. Dịch vụ phát nhạc trực tuyến Deezer của nước ngoài cũng đã có mặt trên thị trường Việt Nam. ZingMP3 và NhacCuaTui cũng có các gói giá tương tự, nhưng rẻ hơn.