Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Startup công nghệ khí hậu – gam màu sáng trong bức tranh u ám ngành công nghệ

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Năm ngoái, các công ty khởi nghiệp (startup) phát triển các công nghệ bảo vệ khí hậu ở Mỹ huy động được gần 20 tỉ đô la, vượt qua con số kỷ lục 18 tỉ đô la vào năm 2021 và cao gần gấp ba lần so với 7 tỉ đô la vào năm 2020, theo nhà cung cấp dữ liệu Crunchbase. Hiện nay, có ít nhất 83 startup tập trung vào các giải pháp chống biến đổi khí hậu trên khắp thế giới được định giá hơn 1 tỉ đô la, hay còn gọi là kỳ lân khởi nghiệp, theo Công ty nghiên cứu HolonIQ.

Giữa làn sóng sa thải của ngành công nghệ, các startup phát triển các giải pháp cắt giảm khí thải carbon vẫn hút vốn đầu tư. Ảnh: gadgetsnow

Bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế, sự hào hứng của giới đầu tư đối với các startup công nghệ khí hậu vẫn không hề giảm sút. Laurence D. Fink, Giám đốc điều hành của BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, gần đây dự báo chẳng bao lâu nữa, thế giới sẽ chứng kiến số lượng kỳ lân khởi nghiệp về khí hậu chạm con số 1.000.

Cơn suy thoái của ngành công nghệ với hàng loạt các công ty trong ngành này cắt giảm việc làm trong năm qua đã gióng lên những thức tỉnh đối với nhiều nhân viên công nghệ. Họ bắt đầu đặt câu hỏi liệu về vai trò của công ty họ trong xã hội, thường là bán quảng cáo trực tuyến hay bán hàng hóa, có thực sự làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn hay không.

Kết quả là nhiều nhân viên công nghệ đang chuyển sang làm việc cho các startup công nghệ khí hậu giữa lúc giới đầu tư cũng đang đổ tiền vào lĩnh vực này.

Diego Saez Gil, người sáng lập Pachama, một công ty tài trợ cho các dự án tái tạo rừng và bán tín chỉ carbon, cho biết gần đây, công ty anh đã tuyển dụng nhân viên từ Meta Platforms, Google, Amazon, Airbnb và Tesla. Thậm chí, một số người chấp nhận giảm lương để gia nhập Pachama.

Chris Sacca, đồng sáng lập Lowercarbon Capital, một công ty đầu tư vốn mạo hiểm tập trung vào khí hậu, nói: “Không có lĩnh vực kinh doanh nào không bị ảnh hưởng bởi khí hậu. Nhưng điều đó cũng tạo ra cơ hội”.

Các nhà đầu tư cho biết động lực và sự phấn khích của họ trong lần này khác với cơn bùng nổ công nghệ sạch vào giữa thập niên năm 2000, khi họ chủ yếu rót tiền vào một nhóm startup năng lượng sạch phụ thuộc vào trợ cấp của chính phủ. Nhiều công ty trong số đó rốt cục đã đóng cửa.

Ben Marcus, nhà đầu tư của Công ty đầu tư vốn mạo hiểm UP.Partners, nói: “Có rất nhiều bài học rút ra từ làn sóng đầu tư công nghệ sạch đầu tiên. Các nhà đầu tư giờ đây nhận thấy rằng họ không chỉ tìm cách đầu tư vào các dự án khoa học mà còn vào các công ty thực sự”.

Hiện nay, sự kết hợp của các xu hướng kinh tế rộng lớn hơn đang thúc đẩy thị trường năng lượng sạch. Chi phí năng lượng tái tạo đã giảm mạnh trong thập niên qua. Năm ngoái, Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) đề xuất một quy định yêu cầu các công ty đại chúng báo cáo lượng khí thải nhà kính của họ, một động thái có thể tạo ra nhu cầu về các công cụ để đo lường khí thải. Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ, được thông qua vào năm ngoái, cũng dành 370 tỉ đô la cho các chương trình chi tiêu liên quan đến khí hậu.

Theo Net Zero Tracker, các tập đoàn lớn cũng đã đưa các sáng kiến bảo vệ khí hậu, với 91% nền kinh tế toàn cầu hiện được bao phủ bởi các cam kết đưa phát thải carbon về mức zero ròng.

Rick Zullo, nhà đầu tư tại Công ty đầu tư vốn mạo hiểm Equal Ventures, nhận định công nghệ khí hậu là “một trong số ít điểm sáng của nền kinh tế và là một trong số ít lĩnh vực có xu hướng chống chọi suy thoái kinh tế cực kỳ tốt”.

Có ít nhất 135 quỹ đầu tư, đang quản lý tổng cộng 94 tỉ đô la, tập trung vào các giải pháp bảo vệ khí hậu, được thành lập kể từ năm 2021, theo Climate Tech VC. Các công ty đầu tư công nghệ lớn nhất, gồm Sequoia Capital, Khosla Ventures, General Atlantic và TPG, cũng như các nhà đầu tư doanh nghiệp như hãng phần mềm Salesforce và hãng hàng không United Airlines, đã tăng đầu tư vào các startup công nghệ khí hậu,

Khi Julia Collins thuyết phục các nhà đầu tư rót tiền vào startup công nghệ khí hậu Planet FWD của mình vào năm 2019, cô đã mất rất nhiều thời gian để thuyết trình một cách ấn tượng về tình trạng khẩn cấp khí hậu. Collins sáng lập Planet FWD nhằm phát triển phần mềm giúp các doanh nghiệp quản lý tác động khí hậu của họ.

Giờ đây, Collins không cần phải tốn nhiều công sức để thuyết phục giới đầu tư khi mọi người nhận thức rõ rằng biến đổi khí hậu và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt là điều không thể tránh khỏi.

Mức định giá của một số startup công nghệ khí hậu tăng nhanh chóng nhờ dòng tiền đầu tư dồn dập. Josh Felser, nhà đầu tư tại Công ty đầu tư vốn mạo hiểm Climactic, cho biết 11 startup công nghệ khí hậu mà ông và một đối tác khác tài trợ trong hai năm qua hiện có mức định giá tăng gấp hai lần rưỡi so với thời điểm mà ông đầu tư.

Các nhà sáng lập startup công nghệ khí hậu cho biết hoạt động kinh doanh của họ đang bùng nổ khi các doanh nghiệp đối mặt với nhiều áp lực bên ngoài hơn để trở nên thân thiện với môi trường. Họ đang chi tiền cho những thứ như máy theo dõi khí thải cũng như mua chứng chỉ bù đắp carbon. William Cowell de Gruchy, Giám đốc điều hành Infogrid, một startup cung cấp các công cụ giúp các tòa nhà vận hành và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, cho biết trước đây công ty ông gặp khó khăn khi tìm cách bán sản phẩm cho khách hàng.

Tuy nhiên, giờ đây, các khách hàng đang rất cần dịch vụ của Infogrid khi họ chịu áp lực từ các lời kêu gọi giảm khí thải nhà kính của cổ đông và các cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cảnh giác với rủi ro khi có quá nhiều tiền chảy vào các startup công nghệ khí hậu có các mức định giá tăng nhanh chóng. Một số chuyên gia lo ngại rằng cơn phấn khích này sẽ dẫn đến nhiều “tẩy rửa xanh” hơn, tức các doanh nghiệp đưa ra những tuyên bố sai sự thật hoặc quá mức về tính thân thiện môi trường của sản phẩm.

Theo NY Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới