(KTSG Online) – Thay vì háo hức mong chờ những thương vụ chào bán cổ phần ra công chúng (IPO) với mức định giá cao ngất ngưỡng, các startup (công ty khởi nghiệp) công nghệ ở Mỹ đang cắt giảm chi phí, sa thải nhân sự trong bối cảnh cảnh thị trường chứng khoán suy sụp, cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát cao, lãi suất tăng.
Cơn hứng phấn đầu tư nhờ dòng vốn rẻ đang lịm tắt
Triển vọng kinh doanh ảm đạm khiến giới đầu tư bán tháo các khoản đầu tư của họ ở các startup công nghệ. Trong 3 tháng đầu năm may, số nhà đầu tư cá nhân và tổ chức rao bán cổ phần của startup công nghệ tăng gấp đôi so với quí cuối năm ngoái, theo Phil Haslett, người sáng lập EquityZen, sàn giao dịch hỗ trợ các công ty tư nhân (chưa niêm yết cổ phiếu).
Haslett cho biết giá cổ phần của một số startup kỳ lân (được định giá từ 1 tỉ đô la trở lên) giảm từ 22-44% trong những tháng gần đây. Ông nói: “Đây là sự thoái lùi đáng kể đầu tiên trên thị trường khởi nghiệp trong vòng 10 năm qua”. Đó là dấu hiệu cho thấy cơn hưng phấn của thế giới khởi nghiệp nhờ “tiền dễ” (vốn vay có chi phí rẻ) trong thập niên qua đang lịm tắt như thế nào.
Gần như mỗi ngày trôi qua đều có các cảnh báo của các nhà đầu tư và nhà sáng lập trên mạng xã hội về một cuộc suy thoái sắp xảy ra đối với các startup công nghệ. Xen vào đó là những thông báo cắt giảm nhân sự của các startup này. Việc sở hữu cổ phần ở các công ty khởi nghiệp, từng được coi là con đường chắc chắn dẫn đến sự giàu có, giờ đây trở thành mối rủi ro.
Gió đã đổi chiều đã rất nhanh. Trong quí 1, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm ở Mỹ giảm 8% so với một năm trước đó, xuống còn 71 tỉ đô, theo dữ liệu của PitchBook. Ít nhất 55 công nghệ công nghệ ở Mỹ đã thông báo sa thải hoặc ngừng hoạt động kể từ đầu năm, so với 25 công ty vào thời điểm này năm ngoái, theo Layoffs.fyi.
Tính đến ngày 4-5, số lượng của các thương vụ IPO, cách chính để giúp giới đầu ở các start-up hiện thực hóa lợi nhuận, giảm mạnh 80% so với một năm trước, theo Renaissance Capital.
Tuần trước, Cameo, ứng dụng giúp mọi người kết nối với người nổi tiếng; On Deck, startup về dịch vụ nghề nghiệp; MainStreet, startup công nghệ tài chính, đồng loạt thông báo sa thải ít nhất 20% nhân viên của họ. Fast, startup dịch vụ thanh toán và Halcyon Health, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến, đột ngột tuyên bố đóng cửa vào tháng trước.
Hồi tháng 3, nên tảng giao thực phẩm Instacart, một trong những startup đình đám nhất trong lĩnh vực mà nó hoạt động, đã tự giảm mức định giá xuống 24 tỉ đô la vào tháng 3 so với mức 40 tỉ đô la vào năm ngoái. “Mọi thứ từng đúng trong hai năm qua bỗng nhiên không còn đúng nữa", Mathias Schilling, nhà sáng lập Công ty đầu tư vốn mạo hiểm Headline, nhận xét về các điều kiện kinh doanh đang thay đổi trên thị trường khởi nghiệp.
Thời kỳ lãi suất thấp suốt thập niên qua, vốn giúp các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn để rót tiền các startup tăng trưởng cao, đã chấm dứt. Chiến sự ở Ukraine đang ra những cơn chấn động kinh tế vĩ mô khó lường. Trong khi đó, lạm phát ở Mỹ khó hạ nhiệt sớm. Ngay cả các “ông lớn” công nghệ cũng lao đao với giá cổ phiếu của Amazon và Netflix giảm xuống mức thấp hơn cả trước đại dịch Covid-19.
Mức định giá tụt dốc
Các điều kiện kinh doanh bất ổn đã khiến một số công ty đầu tư vốn mạo hiểm dừng các hoạt động góp vốn. Công ty D1 Capital Partners tham gia 70 thương vụ rót vào cho các startup hồi năm ngoái nhưng mới đây tuyên bố dừng các khoản đầu tư mới trong 6 tháng.
Các công ty đầu tư vốn mạo hiểm khác hạ mức định giá khoản đầu tư ở các startup họ đang nắm giữ. Sheel Mohnot, đồng sáng lập Better Tomorrow Ventures, cho biết công ty của ông gần đây đã giảm mức định giá của 7 startup trong số 88 startup mà công ty đang góp vốn đầu tư. Tình hình thay đổi rất rõ ràng so với chỉ vài tháng trước, khi các công ty đầu tư thậm chí van nài những người sáng lập startp nhận nhiều vốn hơn để đẩy mạnh chi tiêu và thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn nữa
Knock, startup cho vay mua nhà, có trụ sở tại TP. New York, đã mở rộng hoạt động từ 14 thành phố lên 75 thành phố trong năm 2021. Công ty này đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu thông qua một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) và tự định giá ở mức 2 tỉ đô la. Nhưng khi thị trường chứng khoán Mỹ được dự báo sẽ còn khó khăn trong mùa hè, Knock đã hủy bỏ những kế hoạch đó và đề nghị bán lại tài sản cho một công ty lớn hơn.
Knock cuối cùng đã huy động được 70 triệu đô la từ các nhà đầu tư hiện tại hồi tháng 3. Knock cũng sa thải gần một nửa trong số 250 nhân viên và vay thêm khoản nợ 150 triệu đô la nợ trong một thỏa thuận định giá công ty này chỉ hơn 1 tỉ đô la.
Nhiều startup công nghệ niêm yết cổ phiếu trong bối cảnh mức thị trường khởi nghiệp bùng nổ trong hai năm qua. Giờ đây, cổ phiếu của họ giảm giá thê thảm trên thị trường chứng khoán.
Cổ phiếu của Coinbase, sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất Mỹ, giảm gần 83% kể từ khi niêm yết vào tháng 4 năm ngoái. Robinhood, ứng dụng giao dịch chứng khoán, đã chứng kiến sự phát triển bùng nổ trong thời kỳ đại dịch nhưng hiện tại, cổ phiếu của công ty này đang giao dịch với giá thấp hơn so với mức giá IPO. Tháng trước, công ty đã sa thải 9% nhân viên.
SOC Telemed, startup chăm sóc sức khỏe trực tuyến, niêm yết vào năm 2020 dựa trên mức định giá 720 triệu đô la. Vào tháng 2 năm nay, Công ty đầu tư Patient Square Capital đã thâu nóm nó với giá khoảng 225 triệu đô la.
Một số startup khác có nguy cơ hết tiền mặt. Hôm 11-5, Canoo, startup sản xuất xe điện, có trụ sở ở bang Arkansas và IPO vào cuối năm 2020, cho biết công ty "nghi ngờ đáng kể" về khả năng tiếp tục kinh doanh của mình.
Blend Labs, startup về công nghệ tài chính, tập trung vào các khoản vay thế chấp bất động sản, được định giá 3 tỉ đô la trên thị trường tư nhân. Kể từ khi niêm yết cổ phiếu hồi năm ngoái, công ty này chứng kiến vốn hóa giảm xuống còn 1 tỉ đô la. Tháng trước, Blend Labs thông báo sẽ sa thải 200 nhân viên, tương đương 10% tổng nhân sự.
Tim Mayopoulos, Chủ tịch Blend Labs, nói: “Chúng tôi đang xem xét tất cả các khoản chi tiêu của mình. Các doanh nghiệp “đốt tiền” chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng, không còn được ưu ái trong mắt giới đầu tư”.
Theo New York Times