Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Startup công nghệ sạch trong vòng xoáy ‘khô hạn’ tài chính

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG Online) - Dù đã từng nhận được sự hẫu thuận của các nhà đầu tư tên tuổi như tỉ phú Bill Gates, Amazon.com, tập đoàn SoftBank nhưng nhiều công ty khởi nghiệp (startup) về công nghệ sạch tại Mỹ vẫn gục ngã, không còn tiền để duy trì hoạt động.

Tháng trước, Moxion Power (Mỹ), startup phát triển máy phát điện di động dựa vào pin, nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Ảnh: sfgate.com

Lãi suất cao, cạnh tranh gọi vốn gay gắt và sự trì hoãn chính sách trợ cấp ở Mỹ góp phần gây khó khăn đối với cộng đồng khởi nghiệp công nghệ sạch ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong những năm gần đây, các startup công nghệ sạch là ngôi sao mới nổi trên thị trường vốn mạo hiểm. Những công ty này đã huy động được hàng trăm triệu đô la Mỹ từ SoftBank (Nhật Bản), Amazon.com (Mỹ) và các nhà đầu tư lớn khác. Thế nhưng, hiện nhiều startup trong số này buộc phải dừng hoạt động vì không thể huy động nguồn tiền mặt mới.

Lãi suất cao và sự chậm trễ của chính phủ Mỹ trong việc triển khai tín dụng thuế dành cho ngành công nghệ sạch khiến các startup này khó thuyết phục nhà đầu tư rót thêm vốn. Thách thức trên có thể làm ảnh hưởng đến mục tiêu của chính quyền Tổng thống Joe Biden về tăng trưởng năng lượng tái tạo và giảm lượng khí thải carbon.

Tháng trước, Moxion Power (Mỹ), startup phát triển máy phát điện di động dựa vào pin đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Công ty huy động được 110 triệu đô la Mỹ trong 4 năm qua bao gồm các khoản đầu tư đến từ Amazon.com và Microsoft. Công ty đã hứa hẹn là tạo ra sản phẩm mang đến sự đột phá trong lĩnh vực máy phát điện di động vốn dựa vào nhiên liệu diesel.

Năm ngoái, Moxion Power làm lễ khởi công xây dựng nhà máy ở Richmond, bang California. Tuy nhiên, đến tháng Bảy năm nay, công ty tuyên bố dừng hoạt động và sa thải tất cả nhân viên do không huy động được thêm vốn mới.

Cuối tháng trước, SunPower, nhà cung cấp hệ thống sản xuất điện mặt trời và trữ năng lượng, trụ sở ở bang California cũng đâm đơn xin phá sản. SunPower niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch Nasdad của Mỹ và có cổ đông kiểm soát là Tập đoàn dầu khí Total (Pháp).

Moxion và SunPower nằm trong số bốn công ty năng lượng tái tạo lớn nộp phá sản trong năm nay. Đó là số công ty năng lượng sạch lớn phá sản cao nhất từ năm 2014, theo dữ liệu của Bloomberg

Trước đó vào tháng Năm, Ambri, startup sản xuất pin trữ điện gió và mặt trời cũng nộp đơn xin phá sản với lý do môi trường gọi vốn khó khăn. Ambri khởi công xây dựng nhà máy sản xuất pin vào năm 2022 nhưng không thể hoàn thành vì khó khăn tài chính. Tỉ phú Bill Gates, đồng sáng lập Microsoft, là một trong những nhà đầu tư góp vốn hạt giống cho công ty này.

Được thành lập vào năm 2004, Enviva có trụ sở ở bang Maryland, là nhà sản xuất viên nén gỗ lớn nhất thế giới. Thế nhưng, công ty này đã tuyên bố phá sản vào hồi tháng Ba năm nay để tái cấu trúc khoản nợ gần 1 tỉ đô la Mỹ.

Tuần trước, Swell Energy, startup phát triển nhà máy điện ảo cũng thông báo dừng hoạt động vì gặp khó khăn tài chính. Công ty có trụ ở ở bang California, chuyên lắp đặt và tài trợ cho các hệ thống lưu trữ năng lượng mặt trời phân tán ở các hộ gia đình và doanh nghiệp. Công ty tích hợp các tài sản này vào những nhà máy điện ảo để cung cấp điện cho các công ty điện lực khi nhu cầu lên cao điểm. Năm 2022, công ty huy động được 120 triệu đô la từ Quỹ Tầm nhìn của SoftBank và các nhà đầu tư tổ chức khác.

Tình trạng “đứt gánh giữa đường” trong việc huy động vốn đã khiến nhiều startup gục ngã trước khi thương mại hóa sản phẩm và dịch vụ trên quy mô lớn.

Arash Nazhad, đồng giám đốc nhóm công nghệ sạch của Công ty dịch vụ tài chính Moelis lưu ý, tình trạng này ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực chuyển đổi năng lượng và công nghệ khí hậu, thường cần nguồn vốn lớn để tạo ra giải pháp có tác động.

“Ngày càng nhiều công ty trong hai lĩnh vực này gặp rủi ro, đặc biệt là những công ty chi tiêu nhiều hơn số tiền mà doanh nghiệp tạo ra nhưng lại không có lộ trình rõ ràng để có dòng tiền dương”, ông nói.

Dù vậy, một số công ty công nghệ sạch vẫn nỗ lực huy động vốn. Sila Nanotechnology (Mỹ), nhà phát triển pin dựa trên silicon, huy động thành công 375 triệu đô la hồi tháng Sáu. Tháng trước, Svante, công ty sản xuất bộ lọc và máy thu giữ carbon, huy động được 100 triệu đô la từ Canada Development, quỹ đầu tư của chính phủ Canada.

Tuy nhiên, nhiều công ty công nghệ sạch khác đang gặp khó khăn. Đầu mùa hè này, FreeWire Technologies, công ty sản xuất trạm sạc cho xe điện, sa thải bớt nhân viên. Công ty cũng đồng ý chuyển tài sản cho bên ủy thác bên thứ ba, có trách nhiệm thanh lý những tài sản đó và phân phối số tiền thu được cho các chủ nợ. FreeWire huy động được 125 triệu đô la từ BlackRock và những quỹ đầu tư lớn khác vào năm 2022.

Trong những năm qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden nhiều lần ca ngợi FreeWire là một trong những doanh nghiệp công nghệ sạch góp phần xây dựng mạng lưới trạm sạc xe điện của đất nước.

Một trong những thách thức đối với các công ty công nghệ sạch là có quá nhiều lĩnh vực công nghệ sạch mới nổi đang cạnh tranh huy động vốn.

Theo Bilal Zuberi, đối tác của Lux Capital, các công ty công nghệ sạch đang vật lộn để tăng doanh thu ở mức tỷ suất lợi nhuận có thể mở ra con đường hướng tới lợi nhuận ròng. Trong khi đó, giới đầu tư mạo hiểm đang phân bổ một lượng tiền lớn hơn cho các lĩnh vực khác như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học đời sống và công nghệ quốc phòng.

Theo Financial Times

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới