(KTSG) - Chỉ với máy tính xách tay, kỹ năng sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) hữu hiệu, một cá nhân có thể tự vận hành cả công ty, từ tiếp thị, quảng bá, bán hàng đến chăm sóc khách hàng, kế toán… Với các công cụ AI - hay còn gọi tác nhân AI hoặc trợ lý cá nhân AI (AI Agent), chuyện thành lập và vận hành hiệu quả startup trị giá tỉ đô không còn nằm ngoài tầm với.
- Các startup nhận giải thưởng Earthshot nhờ nỗ lực bảo vệ sức khỏe con người và môi trường
- Bỏ qua người tiêu dùng, startup chuyển hướng sang khách hàng doanh nghiệp
Một khuynh hướng mới của các công ty khởi nghiệp đang hình thành trên thế giới: startup một người. Mô hình này vận hành như thế nào? Và câu chuyện hiện tại của Việt Nam?
Một người vẫn làm được mọi thứ
“Nghe như là chuyện viễn tưởng, nhưng đó là điều hoàn toàn khả thi trong thời đại hiện nay”, Nguyễn Gia Hy, giảng viên về AI tại Đại học Kỹ thuật Swinburne ở Melbourne, Úc, mở đầu câu chuyện với Kinh tế Sài Gòn. Anh cũng là nghiên cứu sinh tiến sĩ về AI tại Đại học Deakin ở Melbourne, là nhà đồng sáng lập và CEO của hai startup đăng ký tại Việt Nam.

CEO Sam Altman của OpenAI, nhà nghiên cứu trẻ tiếp tục câu chuyện, đã nói về thuật ngữ “one-person unicorn” vào năm 2024, nghĩa là công ty tỉ đô do một người duy nhất vận hành. OpenAI đang mở đường cho sự xuất hiện của các công ty “kỳ lân một người” bằng cách sáng tạo ra các công cụ AI mạnh mẽ.
“Với xu hướng AI hiện nay, mục tiêu trên đang đến gần hơn. AI hiện nay đã có thể tự động điều khiển máy tính, ra lệnh, làm việc, phối hợp với các AI khác để thực hiện một số tác vụ tự động mà không cần sự can thiệp sâu từ con người. Đây chính là sự lợi hại của AI Agent. Với góc nhìn cá nhân thì tôi nhận định đây là một xu hướng lớn và lâu dài của lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là AI”, vị giảng viên nói.
“Những cá nhân có thể dành toàn thời gian để phát triển công ty thì hoàn toàn có thể làm được điều đó, nếu có một kế hoạch chỉn chu và bộ công cụ cần thiết. Với sức mạnh hiện tại của AI thì việc vận hành một cơ sở kinh doanh hoặc công ty nhỏ là khả thi. Nhưng khi phát triển lên tầm trung thì sẽ bắt đầu gặp khó khăn”, Nguyễn Gia Hy nhấn mạnh.
Kaushik Tiwari, nhà sáng lập quỹ đầu tư Attack Capital, cùng chia sẻ quan điểm trên. Attack Capital hiện tập trung vào các sản phẩm AI, chuyên kết nối các nhà đầu tư đủ điều kiện tiếp cận với các startup giai đoạn đầu, đã được thẩm định kỹ lưỡng trong chương trình tăng tốc khởi nghiệp hàng đầu Y Combinator ở Silicon Valley, Mỹ.
Doanh nghiệp lớn vốn luôn đòi hỏi một đội ngũ nhân tài hùng hậu, nỗ lực nhiều năm và gọi nhiều triệu đô la vốn đầu tư mạo hiểm để vươn lên thành công ty tỉ đô. Nhưng Tiwari tin rằng kỷ nguyên của kỳ lân một người đang đến, bởi các AI Agent giúp nhà sáng lập duy nhất đạt được tốc độ và thành quả của cả một đội ngũ(1).
Tawari nói rằng OpenAI hiện phân loại các trợ lý AI theo quyền tự chủ và năng lực ra quyết định. Ở mức cơ bản - cấp độ 1 và 2, các trợ lý thực hiện các tác vụ hẹp, đơn giản như soạn thảo email, tạo đoạn mã hoặc tóm tắt tài liệu. Đến cấp độ 3, tác nhân AI xử lý các quy trình làm việc nhiều bước, như tối ưu hóa các chiến dịch quảng cáo hoặc quản lý các kênh hỗ trợ khách hàng. Ở cấp độ 4 và 5, các trợ lý như “đối tác chiến lược” của người sử dụng, có khả năng giám sát các phòng ban hoặc thậm chí toàn bộ tổ chức, như cân đối ngân sách, đàm phán hợp đồng và đưa ra các quyết định có tác động lớn. Các ví dụ bao gồm các khuôn khổ như Swarm của OpenAI, một hệ thống thử nghiệm được thiết kế để điều phối mạng lưới các tác nhân AI, phân loại theo quyền tự chủ và năng lực ra quyết định.
Tiwari phân tích, các công cụ AI ngày nay dao động giữa cấp độ 2 và 3. Theo hãng tư vấn Gartner, đến năm 2028, 33% các ứng dụng phần mềm doanh nghiệp, trong đó có trợ lý AI, cho phép tự đưa ra 15% các quyết định công việc hàng ngày. Các hệ thống này không chỉ sắp xếp hợp lý công việc mà còn nén hệ thống phân cấp tổ chức thành một giao diện duy nhất.
Mô hình kỳ lân một người không loại bỏ các đội hay nhóm, mà là tái định nghĩa nguồn lực, Tiwari nhấn mạnh. Các nhà sáng lập trong tương lai có thể quản lý một lực lượng lao động hỗn hợp gồm nhân viên cốt lõi, các trợ lý AI và cộng sự viên thuê ngoài.
“Các rào cản để xây dựng một kỳ lân đang sụp đổ. Với một chiến lược AI rõ ràng, một nhà lãnh đạo đơn độc nhưng có tầm nhìn, giờ đây có thể sở hữu năng lực vận hành của một công ty cỡ trung bình. Câu hỏi không phải là liệu những kỳ lân một người có xuất hiện hay không - mà là AI sẽ định hình lại các ngành công nghiệp, nền kinh tế và chính định nghĩa về tinh thần kinh doanh của chúng ta như thế nào.
Một người có làm nên chuyện ở Việt Nam?
Nguyễn Gia Hy cho rằng sự bùng nổ của AI mang lại rất nhiều tiềm năng cho các ngành dịch vụ và sáng tạo nội dung số. Với AI, mọi người có thể dễ dàng sản xuất video, hình ảnh, âm thanh mà không cần ekip lớn. Không cần “hiện hình” (xuất hiện trước ống kính) hay tự lồng tiếng, nhiều chủ nhân các kênh YouTube hay TikTok tại Việt Nam đã sử dụng các công cụ AI tạo ra nội dung chất lượng và có tương tác cao (viral). Với một chương trình podcast, chỉ cần ý tưởng, AI sẽ thực hiện phần còn lại, rút ngắn đáng kể thời gian dành cho quá trình sáng tạo nội dung.

“Công việc này thích hợp cho các freelancer. Tôi có biết một bạn trẻ ở Việt Nam có nguồn thu nhập đáng kể, lên đến trăm triệu mỗi tháng, bằng việc sử dụng hiệu quả các công cụ AI”, giảng viên Đại học Swinburne kể.
Trào lưu startup một người tại Việt Nam “chưa phát triển, thậm chí chưa xuất hiện”, tương tự như nhiều nơi khác như nước Úc chẳng hạn. “Tuy vậy, phong trào này đang diễn ra mạnh mẽ nhất ở Mỹ”.
Các chuyên gia về khởi nghiệp Việt Nam tin rằng tính “một người” có thể thay đổi theo thời gian. Nhiều startup thời gian đầu chỉ có duy nhất một nhà sáng lập, sau một thời gian thì cơi nới, phát triển nên cần thêm nhân sự. Hơn nữa, khó xác định ranh giới “một người” hay “nhiều người”, bởi đôi khi nhà sáng lập có thể thuê người bên ngoài hoặc công ty thuê ngoài. Nhà sáng lập vẫn là người duy nhất chịu trách nhiệm chính và đưa ra các quyết định chiến lược.
Khó có thể “điểm mặt chỉ tên” những startup một người duy nhất, bởi khi phát triển đều cần một đội ngũ ở đằng sau hỗ trợ. Chuỗi cà phê The Kafe ban đầu với duy nhất một người thành lập và điều hành là một ví dụ, nhưng đáng tiếc startup “rình rang” này đã đóng cửa hồi tháng 4-2017 do các bất ổn tài chính và quản lý. Các blogger/vlogger hay các nhà sáng tạo nội dung độc lập như Giang Ơi, Khoai Lang Thang, Huy Hay Đi, Lê Tuấn Khang… có thể được xem là “doanh nghiệp một người” khi tự mình sản xuất nội dung, quản lý kênh, tương tác với khán giả và làm việc với nhãn hàng… Tuy vậy, đó chỉ là giai đoạn khởi điểm. Tương tự là các nhà thiết kế thời trang, nghệ sĩ tự do như họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà báo… đã xây dựng được thương hiệu cá nhân.
Các công ty tỉ đô đang có xu hướng ngày càng “thanh mảnh” (tinh gọn) hơn(2). Theo TechCrunch, Microsoft đã chi 2,5 tỉ đô la để mua startup sản xuất trò chơi Minecraft Mojang của Thụy Điển, vốn chỉ có 40 nhân viên. Facebook đã mua WhatsApp với giá 19 tỉ đô la khi ứng dụng nhắn tin này chỉ có 55 nhân viên. Trước đó, năm 2012 Facebook đã mua Instagram với giá 1 tỉ đô la, lúc đó Instagram chỉ có 13 nhân viên…
Điều này chứng minh rằng công nghệ Internet đã tạo ra các công ty lớn với số lượng nhân viên tối thiểu. TechCrunch nói điều này sẽ không xảy ra nhanh đối với các kỳ lân một người, dù rằng “thời đại của nhân viên AI” đang trở thành hiện thực với các vai trò như luật sư, kỹ sư phần mềm, nhân viên kinh doanh, chuyên viên nhân sự…
Đội ngũ bán hàng trực tuyến trên các sàn, mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo… có thể là doanh nghiệp một người đúng nghĩa trong thời gian đầu. Bởi họ tự tìm nguồn hàng, chụp hình, đăng bài, xử lý đơn hàng và còn có thể tự giao hàng.
Báo cáo tổng quan thị trường bán lẻ trực tuyến quí 1-2025 của nền tảng dữ liệu Metric.vn, số nhà bán hàng trên bốn sàn Metric thống kê - gồm Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop - hiện còn 472.500 gian hàng, giảm hơn 38.000 shop, tức 7,45% so với cùng kỳ. Số sản phẩm bán trên các sàn trong quí đầu năm đạt hơn 950 triệu, tăng 24% và doanh số đạt 101.400 tỉ đồng, tăng 42,29% so với cùng kỳ.
Nhưng khả năng doanh nghiệp một người là trong tương lai gần, trên thế giới và tại Việt Nam.
“Tôi hy vọng rằng khả năng AI trong tương lai gần sẽ có thể giúp một người vận hành được cả một công ty tầm trung. Trong tương lai xa, chúng ta có thể có công ty tỉ đô “kỳ lân một người” mà Sam Altman đã nhắc đến”, giảng viên của Đại học Swinburne nhấn mạnh.
(1) https://www.forbes.com/councils/forbestechcouncil/2025/03/11/the-rise-of-the-one-person-unicorn-how-ai-agents-are-redefining-entrepreneurship/
(2) https://techcrunch.com/2025/02/01/ai-agents-could-birth-the-first-one-person-unicorn-but-at-what-societal-cost/