Thứ sáu, 18/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Startup năng lượng xanh ngày càng khó gọi vốn

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG Online) - Các công ty khởi nghiệp năng lượng sạch ở Đông Nam Á ngày càng khó gọi vốn. Đây là hệ quả của việc thay đổi chính sách hỗ trợ và xu hướng đầu tư thay đổi.

Swap Energi ra mắt một điểm đổi pin cho xe máy điện tại một cửa hàng tiện lợi của Circle-K trên đảo Bali, Indonesia. Ảnh: suaradewata.com

Đầu tháng Ba, công ty khởi nghiệp (startup) năng lượng tái tạo SmartSolar của nhà sáng lập Kevin Junker, có trụ sở ở TPHCM đã huy động được 1,85 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn đầu tư mạo hiểm đầu tiên. SmartSolar chuyên lắp đặt và quản lý các tấm pin trên mái nhà cho khách hàng.

Nguồn vốn mới mang lại cho công ty này cơ hội khai thác nhu cầu năng lượng sạch đang tăng nhanh chóng của Việt Nam. Số tiền trên sẽ được dùng để tăng năng lực hoạt động của SmartSolar lên gấp mười lần vào cuối năm. Dù vậy, quy mô hoạt động của công ty vẫn còn nhỏ.

Khi có nhu cầu mở rộng kinh doanh sang một thành phố mới hoặc tiếp nhận một khách hàng lớn mới, các lựa chọn huy động vốn của SmartSolar có thể sẽ bị hạn chế hơn. Việc chính phủ Mỹ cắt giảm viện trợ phát triển, bao gồm hỗ trợ cho năng lượng sạch có thể khiến công ty khó thu hút nhà đầu tư hơn.

Năm ngoái, Junker đã tiếp cận Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) để đề nghị hỗ trợ vốn vì tổ chức này đầu tư tới 100 triệu đô la mỗi năm vào các dự án năng lượng tái tạo. Các quỹ hỗ trợ phát triển khác bao gồm Norfund của Na Uy, British International Investment của Anh và GIZ của Đức.

Tuy nhiên, DFC có thể không còn là một lựa chọn nữa vì chính sách đầu tư của tổ chức này đã thay đổi. Hồi cuối tháng Giêng, chính phủ Mỹ cũng đột ngột cắt ngân sách dành cho USAID, cơ quan liên bang quản lý viện trợ nước ngoài và hỗ trợ phát triển.

Năm ngoái, hoạt động gọi vốn của các startup năng lượng sạch trong khu vực vẫn tương đối thuận lợi. Chẳng hạn, vào tháng 7-2024, Xurya Daya, có trụ sở tại Jakarta (Indonesia), chuyên lắp đặt và quản lý tấm pin mặt trời cho các nhà máy hoặc tòa nhà văn phòng đã huy động được 55 triệu đô la từ các quỹ phát triển ở nước ngoài của Na Uy, Thụy Điển và Anh. Con số này cao hơn gấp đôi số vốn mà công ty huy động được kể từ khi thành lập vào năm 2018.

Thế nhưng, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và khi chính phủ Mỹ cùng một số nước châu Á rút lại chính sách hỗ trợ như hiện nay, môi trường đầu tư cho các startup năng lượng sạch có thể đảo ngược.

Swap Energi, có trụ sở tại Jakarta, chuyên bán xe máy điện kèm dịch vụ đổi pin chỉ đạt doanh số khoảng 2.000 chiếc kể từ đầu năm do chính phủ cắt trợ cấp vào cuối năm ngoái. Con số này thấp hơn nhiều so với 7.000 chiếc trong cùng kỳ năm ngoái khi chính phủ Indonesia đưa ra mức trợ cấp 7 triệu rupiah (423 đô la Mỹ) cho mỗi xe máy điện mới.

Đầu tháng 2, Bộ trưởng Điều phối kinh tế Indonesia, Airlangga Hartarto, cho biết khoản trợ cấp này sẽ được gia hạn trong năm nay.

Thế nhưng, sau đó, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đã cắt giảm gần 9% ngân sách của đất nước, bao gồm cả cơ sở hạ tầng giao thông. Đây là một phần của nỗ lực giúp chi trả cho chương trình nhà ở xã hội và bữa ăn trưa miễn phí cho học sinh.

Kevin Phang, nhà đồng sáng lập Swap Energi nói rằng, kế hoạch chi tiêu của Indonesia cho các chương trình phục lợi xã hợi có thể khiến dư địa tài khóa không còn nhiều để trợ cấp cho xe máy điện.

“Chúng tôi nghe nói sẽ chính phủ sẽ nối lại trợ cấp cho xe máy điện nhưng khi nào và bằng cách nào thì tôi không biết. Hiện chính phủ chỉ tập trung vào thực phẩm hoặc nhà ở”, Phang nói.

Viễn cảnh Mỹ áp thuế đối với hàng xuất khẩu máy móc và đồ điện tử, hàng may mặc và giày dép của Indonesia. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á càng làm tăng thêm những khó khăn về kinh tế vĩ mô.

Swap Energi đã huy động được 22 triệu đô la tiền đầu tư mạo hiểm vào đầu năm ngoái. Hiện tại, các startup năng lượng tái tạo phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khó khăn với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và công nghệ tài chính để thu hút sự chú ý và tài trợ trong bối cảnh lãi suất cao.

Phang cho biết, nhà tài trợ yêu cầu các startup tránh “đốt tiền” cho các chương trình khuyến mãi và phải nhanh chóng thu được lợi nhuận, thường là trong vòng một năm.

Sự bất ổn về kinh tế tại Mỹ do làn sóng áp thuế quan và sự quay lưng với năng lượng tái tạo từ phía chính quyền Tổng thống Donald, khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm khó huy động tiền hơn. “Quá trình chuyển đổi năng lượng hiện nay có phần khó khăn vì Mỹ không còn nhiệt tình nữa”, Phang chia sẻ.

Trên thực tế, môi trường gọi vốn chung của các startup ở mọi lĩnh vực đang ảm đạm ở Đông Nam Á, giảm 40% xuống còn 4,6 tỉ đô la vào năm ngoái, theo báo cáo của DealStreetAsia vào tháng trước.

Junker của SmartSolar giải thích, sự hỗ trợ từ các cơ quan có liên kết với chính phủ có thể mang lai sự tín nhiệm trong mắt các nhà đầu tư và mở ra cánh cửa cho công ty tiếp cận các cơ quan quản lý và nhà cung cấp.

SmartSolar đang trong giai đoạn đầu phát triển hoạt động kinh doanh tấm pin mặt trời ở ban công với sự giúp đỡ của GIZ, cơ quan phát triển quốc tế của Đức. Cơ quan này đang giúp kết nối công ty với các quan chức chính quyền địa phương ở Việt Nam.

Sắp tới, hoạt động kinh doanh năng lượng mặt trời ban công của SmartSolar có thể sẽ tập trung vào việc bán thiết bị thay vì cho thuê và bảo trì tấm pin đối với khách hành doanh nghiệp như hiện nay.

Theo Mongabay.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới