Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Startup ở thung lũng Silicon lo hết tiền sau cú sụp đổ của Silicon Valley Bank

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hôm 10-3, Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) quyết định tiếp quản Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) của Công ty tài chính SVB Financial, chuyên phục vụ các công ty khởi nghiệp (startup) ở Thung lũng Silicon. Nhiều nhà sáng lập startup đang lo không có tiền để duy trì hoạt động do tiền bị mắc kẹt ở SVB.

Nhiều nhà sáng lập startup đến trụ sở của SVB ở Santa Clara, bang California để tìm cách rút tìm tiền sau thông tin ngân hàng này sụp đổ do không huy động được vốn mới. Ảnh: Getty

Cú sụp đổ lớn thứ hai trong lịch sử ngân hàng Mỹ

Quyết định tiếp quản được đưa ra sau khi nỗ lực huy động thêm vốn của SVB Financial thất bại. Khách hàng ồ ạt rút tiền khỏi SVB và giá cổ phiếu của SVB Financial lao dốc. Đến cuối năm ngoái, SVB báo cáo đang nắm giữ 212 tỉ đô la Mỹ tài sản. Vi vậy, đây là cú sụp lớn thứ hai trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Washington Mutual (có tổng tài sản 300 tỉ đô la) vào năm 2008.

Các nguồn tin cho biết, SVB Financial đang tìm kiếm một người mua giải cứu SVB sau khi từ bỏ nỗ lực huy động 2,25 tỉ đô la vốn mới. Trước đó, SVB Financial dự tính huy động vốn bằng việc phát hành thêm cổ phiếu để giúp bù đắp khoản lỗ khoảng 1,8 tỉ đô la do bán khoảng 21 tỉ đô la chứng khoán, chủ yếu là trái phiếu chính phủ Mỹ để củng cố bảng cân đối kế toán sau khi SVB bị rút tiền hàng loạt.

Cổ phiếu của SVB Financial đã bị tạm dừng giao dịch trên sàn Nasdaq ở New York sau khi giảm giá 60% vào hôm 9-3.

Các vụ ngân hàng ở Mỹ sụp đổ rất hiếm trong những năm gần đây. Khó khăn bắt nguồn từ một quyết định của SVB Financial đưa ra vào thời kỳ bùng nổ công nghệ khi sử dụng 91 tỉ đô la để mua các chứng khoán dài hạn như trái phiếu chính phủ Mỹ, vốn được coi là an toàn. Tuy nhiên, giá trị số chứng khoán này hiện thấp hơn 15 tỉ đô la so với khoản tiền mà SVB Financial bỏ ra để mua do giá trái phiếu giảm và lợi suất tăng khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất.

Những hệ lụy từ cú sụp đổ của SVB có thể được cảm nhận rộng rãi. SBV là đối tác ngân hàng của một nửa số công ty mạo hiểm (startup) về khoa học đời sống và công nghệ ở Thung lũng Silicon đồng thời là công ty cung cấp các hạn mức tín dụng lớn cho ngành đầu tư vốn tư nhân trị giá 10 nghìn tỉ đô la. Ngoài việc nắm giữ tiền gửi, SVB còn bảo lãnh cho các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cho các công ty công nghệ, tài trợ cho các dự án thú vị của các doanh nhân

Trong thời gian gần đây, các khách hàng của SVB rất lo lắng về tình hình tài chính của ngân hành và một số startup mới thành lập vội vã mức rút tiền mặt ra khỏi SVB.

“Mối quan hệ kinh doanh 40 năm hỗ trợ Thung lũng Silicon của SVB đã tan biến trong 14 giờ,” một giám đốc điều hành cấp cao tại một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá hàng tỉ đô la nói.

Đe dọa sự tồn vong của các startup non trẻ

SVB, ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ là một phần trung tâm của hệ sinh thái Thung lũng Silicon. Do vậy, khi ngân hàng này nằm dưới sự tiếp quản của FDIC, những khách hàng gửi tiền vào ngân hàng đối mặt với các vấn đề liên quan đến hoạt động. Họ đang lo không tiếp cận được tiền trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng tới.

Các startup ở Thung lũng Silicon đang đôn đáo tìm nguồn tiền để trả lương cho nhân viên sau khi SVB bị đóng cửa, làm mắc kẹt các khoản tiền gửi được xem là huyết mạch đối với các startup công nghệ giai đoạn đầu.

“Đây là một sự kiện mang tính sống còn đối với các startup, có thể khiến thị trường khởi nghiệp và đổi mới bị thụt lùi 10 năm hoặc hơn . Tất cả các startup nhỏ, được kỳ vọng là Google và Facebook của tương lai sẽ bị tiêu diệt nếu chúng ta không tìm ra cách khắc phục”, Garry Tan, Chủ tịch của công ty tăng tốc khởi nghiệp nổi tiếng Y Combinator, viết trên Twitter hôm 10-3 và cho biết, 30% công ty mà Y Combinator tiếp xúc thông qua SVB không thể trả lương trong 30 ngày tới.

Vấn đề này càng đặc biệt cấp bách đối với các startup nhỏ, không có dự trữ tiền mặt lớn. Zach Coelius, một nhà đầu tư vốn mạo hiểm vào các startup giai đoạn đầu, cho biết nhiều startup chỉ giao dịch với SVB.

“Có rất nhiều tiền chảy qua các tài khoản ở SVB mỗi ngày nhưng giờ đây đột nhiên ngừng chảy. Sẽ có những hậu quả lớn cho toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhân viên của các startup cần được trả lương, các nhà cung cấp của họ cần được trả tiền”, ông nói.

Một nhà sáng lập startup, có khoảng 100.000 đô la bị kẹt trong tài khoản của SVB, đã không thể trả lương cho nhân viên vào hôm 10-3. “Rút cục, chúng tôi sẽ lấy lại được tiền gửi nhưng bây giờ chính phủ đã vào cuộc, việc lấy lại tiền có thể mất vài tuần. Điều đó có thể gây ra các khó khăn cho hoạt động của chúng tôi”, ông nói,

Tiền gửi ở các ngân hàng từ 250.000 đô la trở lên được chính quyền liên bang bảo hiểm nhưng phần lớn khách hàng của SVB nằm ngoài ngưỡng đó. Đến cuối năm ngoái, SVB có 151 tỉ đô la trong tổng số 173 tỉ đô la tiền gửi trong nước không được bảo hiểm.

Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) cho biết, khách hàng có quyền rút tiền gửi được bảo hiểm từ SVB vào đầu tuần sau. Trong khi đó, những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ nhận được một phần tiền trả trước và giấy chứng nhận cho bất kỳ khoản tiền gửi nào còn lại.

Một nhà đầu tư vốn mạo hiểm cho biết đang nhận nhiều cuộc gọi từ những người sáng lập startup, những người muốn được tư vấn về cách truyền đạt vấn đề tiền lương cho nhân viên. Những doanh nhân này lo ngại sẽ phải sa thải nhân viên nếu FDIC không tìm được người mua SVB trong vài ngày tới.

Zach Coelius cho biết ông và các nhà đầu tư khác đang chuẩn bị cung cấp các khoản vay ngắn hạn cho các startup nằm trong danh mục đầu tư để giúp những công ty này vượt qua khó khăn nếu vẫn không rút tiền được từ SVB trong tuần tới. Tuy nhiên, ông cảnh báo: “Sẽ có nhiều startup “chết” nhanh hơn vì không có cơ hội để giải quyết vấn đề thiếu tiền mặt”.

Theo Financial Times

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới