Startup và chiếc bẫy "báo cáo lỗ để tránh đóng thuế thu nhập"
Mỹ Huyền
(TBKTSG Online) - Một số doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) thường báo cáo lỗ để tránh đóng thuế thu nhập doanh nghiệp khi mà doanh thu chưa nhiều. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là chiếc bẫy rập đẩy họ xa khỏi nguồn vốn vay, bởi các bên cho vay vốn luôn e ngại doanh nghiệp có báo cáo lỗ nhiều năm.
Tọa đàm “Giải pháp huy động vốn cho startup 2-3 năm tuổi” do Câu lạc bộ Hỗ trợ Khởi nghiệp Saigon Times tổ chức ngày 27-9. Ảnh: Thành Hoa |
Đây là lời khuyến cáo mà diễn giả của tọa đàm “Giải pháp huy động vốn cho startup 2-3 năm tuổi” đưa ra tại sự kiện được tổ chức bởi Câu lạc bộ Hỗ trợ Khởi nghiệp Saigon Times (thành viên Saigon Times Club) vào ngày 27-9, nhằm hỗ trợ các startup tiếp cận nguồn vốn vay từ các quỹ đầu tư, các ngân hàng và định chế tài chính khác
Tại tọa đàm, đại diện một số doanh nghiệp mới thành lập cho biết họ có sự chuẩn bị trong công tác báo cáo tài chính, sổ sách kế toán nhưng vẫn khó được chấp thuận vay vốn. Theo diễn giả, tiến sĩ kinh tế Đặng Thị Thu Hiền, CEO Công ty TNHH Tư vấn DSC 166, doanh nghiệp đang tập trung vào nghiệp vụ kế toán nội bộ để giữ tiền lại thay vì phải tập trung vào nghiệp vụ kế toán quản trị.
Nói cách khác, doanh nghiệp chỉ chăm chăm tiết kiệm theo "hiến kế" của bộ phận kế toán chứ không chú trọng cho hoạt động đầu tư, nghiên cứu và phát triển. Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã mắc phải một khuyết điểm là không muốn xuất hóa đơn nhằm giảm đi lợi nhuận trong báo cáo tài chính của mình. Một số doanh nghiệp khác thì chọn cách thức báo cáo lỗ để tránh đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng chính những thủ thuật trên của doanh nghiệp lại khiến họ rơi vào tình huống khó khăn khi các nhà đầu tư hoặc bên cấp vốn không đồng ý rót tiền vào các dự án khởi nghiệp bị lỗ liên tục.
Kế tiếp, khi startup muốn huy động vốn để mở rộng kinh doanh lại gặp phải sự từ chối của các quỹ đầu tư, ngân hàng bởi khả năng sinh lời thấp từ dự án. Do dó, bà Thu Hiền cho rằng trong 5 năm đầu tiên của doanh nghiệp, chỉ có thể lỗ 1-2 năm nhưng không liên tiếp để tránh làm nản lòng bên cho vay.
Theo bà Hiền, các dự án khởi nghiệp, để tránh bị khước từ cấp vốn từ quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, cần cung cấp đầy đủ sổ sách chứng từ và minh bạch thông tin về tài chính doanh nghiệp. Các quỹ đầu tư luôn thẩm định dự án dựa trên sổ sách thu chi, sổ sách bán hàng và thực tế hàng bán ra thị trường. Bên cạnh đó, startup cần có một kế hoạch kinh doanh khả thi và có khả năng sinh lời. Diễn giả này dẫn chứng trường hợp một dự án khởi nghiệp theo mô hình ki-ốt cà phê - xưởng sản xuất cà phê đã được quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp BSSC cho vay vốn đến 350 triệu đồng.
"Các công ty khởi nghiệp không có ghi sổ kế toán và kế hoạch kinh doanh minh bạch sẽ khó huy động vốn", theo diễn giả Đặng Thị Thu Hiền. Ảnh: Thành Hoa |
Đối với các dự án khởi nghiệp vẫn còn trong giai đoạn ý tưởng, người khởi nghiệp phải thuyết phục được nhà đầu tư về giấc mơ của mình. Tuy nhiên, các dự án này chưa lập được kế hoạch kinh doanh hay chuẩn bị việc tính toán chứng minh tính khả thi của dự án.
Một chọn lựa khác cho các dự án này là huy động vốn từ việc vay cá nhân. Bà Hiền đơn cử việc vay từ thẻ tín dụng, một người có thể sở hữu 3-5 thẻ tín dụng với mức cao ít nhất 3 lần bảng lương của mình. Họ có thể vay số tiền lên tới 3-5 lần hạn mức thẻ tín dụng với điều kiện chưa sử dụng tới 75% hạn mức thẻ trong vòng 3 tháng. Trung bình một startup có thể vay 300-500 triệu đồng từ thẻ tín dụng của mình với lãi suất 12%/ năm.
Ngoài ra, doanh nghiệp đã sinh lời và có số vốn nhất định thì có thể vay thấu chi, hàng tháng trả lãi, từ tháng thứ 6 trở đi mới trả gốc. Tuy nhiên, để tính toán được cách huy động vốn có lợi cho mình thì doanh nghiệp phải xem sổ sách kế toán như một công cụ quản trị doanh nghiệp của mình.