(KTSG Online) - Các công ty khởi nghiệp (startup) cung cấp dịch vụ từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B) trở thành phân khúc đầu tư thu hút vốn mạo hiểm ở Ấn Độ khi các khách hàng trên toàn cầu ngày càng có gia tăng tìm kiếm nguồn cung từ các nhà sản xuất ở đất nước đông dân nhất thế giới.
- Tình trạng ‘đói vốn’ khoét sâu tổn thương của startup Ấn Độ
- Vốn chảy vào các startup châu Á suy giảm 50%
Vào đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 đang làm tê liệt hoạt động thương mại toàn cầu, một công ty ở bang Pennsylvania (Mỹ) gặp khó khăn khi vận chuyển các linh kiện thép thông thường ra khỏi Trung Quốc. Nhưng cuối cùng, công ty tình cờ tìm được một lựa chọn thay thế khả thi khác ở Ấn Độ thông qua startup Zetwerk.
Ra đời cách đây 2 năm, Zetwerk, có trụ sở ở thành phố Bengaluru, giúp kết nối khách hàng nước ngoài và nhà sản xuất trong nước. Ban đầu, công ty chỉ khai thác mạng lưới các nhà cung cấp để giao các linh kiện sản phẩm. Nhưng hiện nay, công ty này là nhà cung cấp mọi thứ từ bấm móng tay đến khung thép cho các khách hàng ở Mỹ. Zetwerk được định giá 2,7 tỉ đô la và đã nhận được các khoản đầu tư lớn từ Greenoaks Capital, Lightspeed India, Peak XV Partners và các đối tác khác.
Ấn Độ đang cố gắng thu hút một số công ty lớn nhất thế giới đến thành lập các nhà máy mới trong bối cảnh nhu cầu tìm kiếm lựa chọn thay thế hoặc bổ sung thêm cho Trung Quốc tăng mạnh. Nhiều công ty đa quốc gia đang nỗ lực đa dạng hóa sản xuất sau khi chứng kiến những tác động từ chính sách “zero Covid” của Bắc Kinh cũng như căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Trung Quốc với phương Tây.
Thị trường vốn mạo hiểm ở Ấn Độ đang chú ý đến xu hướng này. Các nhà đầu tư mạo hiểm như Peak XV (tách ra từ Sequoia Capital của Mỹ) và Lightspeed đang tăng tốc hỗ trợ những người sáng lập startup có hoạt động kinh doanh liên quan đến các dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu toàn cầu của Ấn Độ. Trước đây, họ tập trung vào các thế hệ startup chủ yếu nhắm vào thị trường tiêu dùng Ấn Độ.
Theo báo cáo của PwC Ấn Độ, các startup thương mại điện tử B2B, chẳng hạn như Zetwerk, chứng kiến các giao dịch đầu tư gia tăng trong những năm gần đây. Dữ liệu từ Tracxn cho thấy, nguồn tài trợ cho lĩnh vực này tăng cao hơn gấp ba lần vào năm 2021 và 2022 so với hai năm trước đó.
Nguồn tài trợ vốn đầu tư mạo hiểm đã chậm lại ở Ấn Độ trong năm 2023, giống như xu hướng ở Mỹ và châu Âu. Nhưng mảng dịch vụ B2B vẫn là một trong những lĩnh vực thu hút vốn mạo hiểm hàng đầu ở ở Ấn Độ.
“Những cú sốc về chuỗi cung ứng đe dọa sự sống còn đối với các doanh nghiệp toàn cầu bị đình trệ hoạt động trong thời kỳ đại dịch. Những người sáng lập startup đã sớm nhìn thấy xu hướng này và tận dụng cơ hội”, Rahul Taneja, đối tác của Lightspeed, nói
Không ai kỳ vọng Ấn Độ sẽ thay thế sự thống trị của Trung Quốc với tư cách là công xưởng toàn cầu. Ấn Độ có những khó khăn trong việc mở rộng lĩnh vực sản xuất bao gồm nạn quan liêu và cơ sở hạ tầng yếu kém. Một vấn đề nữa là các chính sách của Ấn Độ liên tục thay đổi trong quá khứ cũng khiến các nhà đầu tư thận trọng.
Nhưng các biện pháp ưu đãi sản xuất của New Delhi cùng với những nỗ lực rộng rãi hơn để tìm nguồn nguyên liệu từ Ấn Độ đã khiến quốc gia Nam Á trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Năm 2020, tập đoàn bán lẻ Walmart của Mỹ cho biết có hoạch tăng gấp ba lần xuất khẩu từ Ấn Độ lên 10 tỉ đô la vào năm 2027.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), xuất khẩu hàng sản xuất của Ấn Độ chỉ bằng 1/10 của Trung Quốc vào năm 2021, nhưng lại cao hơn tất cả các thị trường mới nổi khác, ngoại trừ Mexico và Việt Nam.
Căng thẳng của Bắc Kinh với phương Tây đã tạo cơ hội cho các công ty Ấn Độ kết nối với các ngành kinh doanh cụ thể ở Mỹ và các thị trường khác, ngay cả khi họ không thể cạnh tranh với mức giá thấp hơn từ mà các nhà cung cấp Trung Quốc.
Zetwerk, một nền tảng giao dịch thỏa thuận sản xuất gia công, đã thử nghiệm khả năng cung cấp cho khách hàng toàn cầu bằng hợp đồng ban đầu trị giá 15.000 đô la để giao ốc vai (shoulder screw) và các linh kiện khác cho mộtcông ty ở bang Pennsylvania. Theo Amrit Acharya, người đồng sáng lập Zetwerk, công việc tăng trưởng nhanh chóng với lượng đơn hàng ồ ạt từ khoảng 300 công ty ở Mỹ. Zetwerk cho biết khoảng 15% trong số 1,5 tỉ đô la doanh thu hoạt động của công ty trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 đến từ các khách hàng Mỹ.
Gần đây, Peak XV tổ chức cuộc hội thảo với những người sáng lập startup mới ở Ấn Độ mà công ty này có tài trợ. Hơn một nửa trong số họ xây dựng công ty với mục đích xuất khẩu sản phẩm hoặc dịch vụ ra thế giới. 4 năm trước, chỉ có 10% trong số họ có kế hoạch như vậy.
Một phần tiềmn năng cung cấp cho khách hàng nước ngoài là mạng lưới các nhà máy vừa và nhỏ của Ấn Độ thường chuyên sản xuất một số sản phẩm cho khách hàng lớn ở Ấn Độ nhưng nhiều lúc không sử dụng hết công suất. Rahul Taneja, đối tác của Lightspeed, ước tính công suất chưa được khai thác lên đến mức 25-40% trong nhiều ngành, bao gồm khoảng 8 tỉ đô la trong ngành may mặc và 20 tỉ đô la trong lĩnh vực hóa chất.
Các công ty đầu tư mạo hiểm đang đặt cược rằng một thế hệ startup mới ở Ấn Độ có thể bổ sung thêm một lớp kiểm tra chất lượng và lập kế hoạch hậu cần để giúp các nhà sản xuất nhỏ đáp ứng nhu cầu bên ngoài.
“Rất nhiều startup đang tiếp cận vấn đề này từ các góc độ khác nhau, cố gắng thúc đẩy làn sóng mà Ấn Độ đang chuẩn bị hướng tới định hướng xuất khẩu nhiều hơn và hội nhập chặt chẽ hơn với nền kinh tế toàn cầu”, Shailesh Rao, người từng điều hành các hoạt động của Google tại Ấn Độ hiện đang điều hành startup Escape Velocity, nói.
Ông cho biết, công ty ông đang huy động quỹ 100 triệu đô la để đầu tư đặc biệt vào các công ty sản xuất, phần mềm và các công ty khác.
Anand Datta, đơn vị thành viên của Nexus, một trong những công ty đầu tư mạo hiểm nội địa lớn nhất Ấn Độ, cho biết đã quyết định hỗ trợ Elecbits, startup sản xuất và thiết kế điện tử và Capgrid, startup sản xuất linh kiện ô tô sau khi chính phủ Ấn Độ hạn chế nhập khẩu tivi và các sản phẩm khác từ Trung Quốc, đồng thời áp thuế nhấp khẩu đối với linh kiện ô tô.
Datta nói: “Hiện tại họ đang cung cấp cho thị trường Ấn Độ, nhưng trong tương lai, họ sẽ xuất khẩu”.
Theo WSJ