Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Startup Việt ‘không thể khởi nghiệp trên ti vi’

Hồ Nguyên Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Dòng vốn dành cho startup Việt Nam cạn dần trong năm ngoái với chỉ 541 triệu đô la, giảm mạnh so với đỉnh điểm hơn 1,9 tỉ đô la của năm 2021. Các startup Việt Nam không chỉ cạnh tranh với đồng nghiệp ASEAN, mà còn phải chịu sức ép từ chính các đối thủ ngoại trên sân nhà.

Nhà sáng lập Nguyễn Bá Cảnh Sơn tại xưởng chế tạo xe máy điện. Ảnh: DatBike

Không dễ tiếp cận các chương trình khởi nghiệp của các tỉnh thành, các startup Việt Nam đang có khuynh hướng tiếp cận nguồn vốn ngoại. Các chương trình hỗ trợ phát triển của nước ngoài dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng được các startup Việt chú ý.

Đất phương Nam vẫn lành…

Tháng 3-2023, Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng dành cho giới khởi nghiệp ở Silicon Valley tại Mỹ - bất ngờ sụp đổ. Thời điểm đó, sự xuất hiện của Vinnie Lauria - một trong những nhà đồng sáng lập quỹ đầu tư Golden Gate Ventures - trên chiếc xe máy chở hai con trong dòng xe tấp nập ở TPHCM lại gây sự chú ý.

Vị doanh nhân người Mỹ đã chuyển tới thành phố sau thời gian dài làm việc tại San Francisco và Singapore. Lúc đó, Lauria đã tin tưởng rằng Việt Nam sẽ là trung tâm của cả vùng Đông Nam Á vốn sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho toàn cầu trong vòng 10 năm tới. Tuy vậy, nhà đầu tư mạo hiểm người Mỹ cũng cảnh báo rằng: “Các nhà đầu tư toàn cầu đang hoang mang. Họ đang hành động phi lý, giống như con trẻ. Điều đó có nghĩa là việc gọi vốn sẽ gặp khó khăn hơn trong môi trường như vậy”.

Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt để giành từng đồng vốn mạo hiểm, vốn cổ phần với nhiều đối thủ ở Đông Nam Á trong bối cảnh mùa đông gọi vốn của toàn cầu. Theo Tech in Asia, các startup Việt đang trên đà trượt dài trong gọi vốn, từ đỉnh điểm hơn 1,9 tỉ đô la trong năm 2021 xuống còn 940 triệu đô la trong năm 2022 và chỉ còn 541 triệu đô la trong năm ngoái, luôn xếp sau Singapore và Indonesia. Tuy vậy, điều này phản ánh mối quan tâm của nhà đầu tư và những cơ hội mà họ có thể nhìn thấy tại thị trường Việt Nam.

Việt Nam được xem là mắt xích thứ ba trong tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á, với hai đỉnh kia là Singapore và Indonesia. Tuy vậy, Startup Blink đã xếp Việt Nam đứng thứ năm trong số các thị trường khởi nghiệp ở Đông Nam Á vào năm 2023. Còn Startup Genome xếp TPHCM nằm trong danh sách 100 hệ sinh thái khởi nghiệp mới nổi.

TPHCM hội tụ nhiều yếu tố để trở thành Silicon Valley tiếp theo ở châu Á. Đó là nền kinh tế năng động, vẫn còn trong giai đoạn “dân số vàng”, làn sóng trở về quê hương lập nghiệp của các bạn trẻ đi học ở nước ngoài, tinh thần khởi nghiệp được hun đúc qua nhiều thế hệ… Đó còn chưa kể nhiều bạn trẻ quốc tịch nước ngoài đã chọn Thảo Điền làm quê hương thứ hai để khởi nghiệp. “Cộng đồng Tech ở đó còn nhỏ so với nơi khác, nhưng đủ sôi động”, như lời Christine Van, cô gái người Mỹ gốc Việt đã và đang phụ trách công việc quan hệ công chúng cho nhiều startup ở Thảo Điền.

Bức tranh gọi vốn ở TPHCM và Việt Nam cũng đầy màu sắc khi có tới 208 quỹ đầu tư mạo hiểm, cổ phần đang hoạt động. Vai trò của nhà đầu tư trong nước cũng tích cực hơn trước. Lê Hoàng Uyên Vy, nhà đồng sáng lập quỹ đầu tư Do Venture, nói rằng cách đây một thập niên, thường các nhà đầu tư có thể mất tới sáu tháng để tìm hiểu và quyết định đầu tư vào một startup nào đó. “Nhưng mọi việc đã thay đổi. Nếu chúng tôi không đưa ra quyết định trong vòng một hoặc hai tháng, những quỹ khác sẽ nhảy vào chốt đơn”, đại diện Do Ventures cho biết.

Vật đổi sao dời

Dường như, các startup Việt Nam được mặc định là “mình đồng da sắt”, “sống thọ” qua bao cuộc biến đổi. Có đến 5.000 doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng, nhưng các con số về số công ty khởi nghiệp trên các cổng thông tin chính thức dường như bất biến hoặc không được cập nhật trong thời gian dài, luôn khoảng 3.800 startup - có thể đây là lúc đỉnh điểm gọi vốn năm 2021.

Trong khi đó, không phải ai cũng biết rằng bốn kỳ lân (startup chưa lên sàn định giá từ 1 tỉ đô la) của các nhà khởi nghiệp Việt Nam giờ cũng chỉ còn ba, gồm hai ví điện tử MoMo và VNLife cùng startup blockchain Sky Mavis. Có sự dịch chuyển giữa các vùng miền của các startup, bởi họ phải chọn lựa mô hình kinh doanh, môi trường làm việc, thị trường… Dĩ nhiên, trên bầu trời khởi nghiệp, sẽ xuất hiện thêm nhiều ngôi sao mới, trong lúc có những ngôi sao bớt sáng hoặc tắt hẳn.

Tạp chí Forbes Vietnam dự đoán trang thời trang trực tuyến Coolmate, hãng xe điện Dat Bike và ứng dụng KiotViet sẽ là ba cái tên đáng chú ý trong năm nay 2024. Trong khi đó, Tech in Asia đã chọn đến 50 startup cần chú ý của Việt Nam. Có những cái tên rất quen thuộc, gọi được số vốn khổng lồ trong hai năm qua như Công ty cho vay F88 (188 triệu đô la), gọi xe Be (hơn 90 triệu đô la) đến những startup gọi được vài triệu đô la, trong khi đa số là khoảng 100.000 đô la. Rất nhiều startup đã “phong tỏa” thông tin số tiền họ huy động được.

Tất cả nói lên bức tranh chính xác về môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam, vẫn có màu hồng, nhưng không phải 100% tươi sáng bởi có gã khổng lồ bị giảm kích cỡ, hoặc những startup li ti biến mất hoặc phải chọn môi trường khác.

Stefanie Yeo của trang Tech in Asia đã dự báo công nghệ tài chính (fintech), xe điện và web3 là ba lĩnh vực khởi nghiệp sẽ được chú ý tại Việt Nam trong thời gian tới.

“Nói ít làm nhiều” cho startup

Việt Nam rất cởi mở trong việc đối thoại giữa Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các quỹ đầu tư và cộng đồng khởi nghiệp để xác định những điểm yếu của thị trường, theo lời ông Nguyễn Đức Long thuộc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC).

Nhưng quy định là một chuyện, thực hiện đúng theo quy định đó hay không lại là chuyện khác. Đó là chuyện cấp giấy phép ở các địa phương, nhà sáng lập hay nhân tài công nghệ nước ngoài vẫn gặp khó khăn trong việc xin visa dài hạn, các quy định về quyền chọn mua cổ phiếu hay các khoản vay chuyển đổi…

Hầu như không có startup nào chọn theo đuổi việc phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) tại Việt Nam. CEO Hong-Jin Kim của Quỹ Stic Investments có trụ sở tại Seoul nói trong một hội nghị đầu tư công nghệ tại TPHCM: “Điều này hạn chế khả năng thoái vốn hoặc bán cổ phần của nhà đầu tư, hoặc là khó khăn khi chuyển tiền ra nước ngoài. Do các quy định như vậy và quy mô của startup, khá khó thực hiện IPO tại Việt Nam”.

Hỗ trợ cho startup là thiên hình vạn trạng ở các quốc gia khởi nghiệp như Singapore, Israel hay Canada. Đó có thể là chuyện tài trợ vốn, mở rộng quy mô kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận và tìm thị trường… hay cấp visa cho nhân tài công nghệ.

Dù chưa có được những hỗ trợ như các trung tâm khởi nghiệp trên toàn cầu, TPHCM vẫn được xem là miền đất hứa cho khởi nghiệp, kể cả các cá nhân, công ty nước ngoài. Các startup ngoại là một áp lực lớn đối với các bạn trẻ khởi nghiệp trong nước, đặc biệt là các công ty Hàn Quốc. Bởi TPHCM là sự lựa chọn lập nghiệp xếp thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore, của các startup non trẻ xứ kim chi.

Chính phủ Hàn Quốc có đến 15 chương trình hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) phát triển trong nước và tìm thị trường ở nước ngoài. Trong tòa nhà Diamond Plaza vốn do Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc điều hành, có một tầng dành diện tích khá lớn cho hai tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ Hàn Quốc. Đó là KOTRA là tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư do nhà nước tài trợ và điều hành, KOSME là cơ quan hỗ trợ SME và startup của chính phủ.

Cô Phạm Thị Hương Thảo, Tổng giám đốc F1Security - một công ty an ninh mạng từ Hàn Quốc - nói với Kinh tế Sài Gòn rằng các startup Hàn Quốc có thể nhận được hỗ trợ về văn phòng làm việc miễn phí tại Diamond Plaza và các thông tin về cơ hội kinh doanh tại TPHCM và các tỉnh thành Việt Nam. “Khi nào cảm thấy mình đủ lớn, các công ty Hàn Quốc có thể dọn ra khỏi KOSME, nhưng họ sẽ không bị đuổi hoặc cắt đứt hoàn toàn hỗ trợ khi rời khỏi đây”. Cô cũng cho biết phần lớn các startup ở đây tập trung vào công nghệ thông tin và những lĩnh vực mà Việt Nam chưa phát triển.

Hồi tháng 10-2023, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã khánh thành cơ sở hiện đại trị giá 1.000 tỉ đồng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Hôm 3-4, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM nói rằng sẽ đưa Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TPHCM đi vào hoạt động, triển khai nền tảng thúc đẩy đổi mới sáng tạo (HOIP), tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp…

Nhưng các chính sách hỗ trợ thiết thực, như cho startup văn phòng miễn phí hay giá giảm sâu, hỗ trợ vốn hay thông tin tìm thị trường… vẫn là giấc mơ của startup Việt.

Trong cuộc gặp giữa giới startup với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi hôm 28-3, những người dự đã chọn những từ khá “sốc” để đề đạt nguyện vọng của mình. Như bà Vũ Kim Hạnh, người sáng lập chương trình Khởi nghiệp Xanh trong nông nghiệp và chế biến, đã đưa ra từ “No Action Talk Only - Đừng nói suông mà hãy làm cho ra việc”. Giám đốc Phan Nhật Minh từ quỹ đầu tư mạo hiểm Gobi Partners đưa ra cụm “Nói ít, làm thực”. Còn ông Vinh Lê, chủ chuỗi nhà hàng Zumwhere, lại tin “Think big - nghĩ lớn” cho cơ ngơi khởi nghiệp…

Khởi nghiệp trên ti vi - hái sao trên trời!

Thành ngữ “lên ti vi mua” để có hàng giá rẻ hay “lên ti vi vay” bởi tiền dễ mượn, lãi suất thấp là những câu cửa miệng thời nay để nói chuyện hái sao trên trời…

Nói đến chuyện khởi nghiệp thì phải nói đến tiền, mà vốn ngoại bây giờ dường như dễ tiếp cận hơn so với các chương trình hỗ trợ startup, doanh nghiệp mà tỉnh thành nào cũng có. Thậm chí dòng vốn mạo hiểm của các “cá mập” trên chương trình truyền hình thực tế Shark Tank Việt Nam cũng chỉ làm màu, thêm kịch tính cho chương trình

Như Dat Bike là một ví dụ. Khi gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam năm 2019, nhà sáng lập Nguyễn Bá Cảnh Sơn bị các cá mập vùi dập không thương tiếc. Người thì chê là “nguy hiểm”, kẻ thì ỏng eo là startup này đang tạo ra sản phẩm “có cũng được, không cũng không sao”, chưa chắc người tiêu dùng đã cần. Rồi cuối năm 2022, startup xe máy điện có trụ sở chính ở Đà Nẵng đã gọi thành công 8 triệu đô la từ các quỹ ngoại, nâng tổng số vốn đã huy động lên 16,5 triệu đô la. Theo ước tính của Venture Cap Insights, lúc đó định giá của Dat Bike trị giá 32 triệu đô la.

Năm ngoái, startup của Đà Nẵng được Chính phủ Anh tài trợ trong một dự án khởi nghiệp xanh, được ngân hàng HSBC bơm thêm vốn với ý định đưa xe máy điện Việt Nam ra nước ngoài. Trong nước, xe Dat Bike cũng được Gojek và Baemin (hiện rút khỏi Việt Nam) đưa vào sử dụng…

Rất nhiều startup Việt đã xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam mà không gọi được vốn hoặc bị các cá mập không rót vốn nhanh như đã thương thảo trên truyền hình. Bởi thế, nhiều startup đã xuất hiện trên chương trình không hy vọng lắm vào tiền của cá mập. Tiền túi hay phải bán tài sản cá nhân, vay mượn bạn bè hay gia đình hoặc may mắn là các chương trình tài trợ của chính phủ các nước là khả dĩ hơn ngân hàng và các quỹ nội địa.

1 BÌNH LUẬN

  1. Khởi nghiệp Việt. Là nhân tố quan trọng trong thời đại 4.0 để nước Việt tiến lên phồn vinh. Muốn thành công, trước hết, phải vì và phải do Người Việt. Với dân số đông, hơn 100 triệu, kể cả kiều bào ở nước ngoài, cộng với sức trẻ đang đi vào giai đoạn đỉnh cao. Đó là lợi thế trước hết. Vì dân ta. Các startups phải luôn tâm niệm, đặc biệt quan tâm, xem đó là mục tiêu phục vụ hàng đầu, trước khi mở toang cánh cửa đi cạnh tranh ở năm châu bốn bể. Tương tự, để các startups tồn tại, vươn xa, phải do dân ta quyết định. Xin nhắc lại, dân ta, theo định nghĩa chính thống, bao hàm toàn bộ cả thể chế/ chính sách/ con người/ nguồn lực quốc gia. Chỉ khi nghĩ và làm được điều này, các startups Việt mới có cơ may để tự khẳng định mình. Không có lựa chọn nào tốt hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới